FLC gia hạn bất thành lô trái phiếu hơn 1.100 tỷ đồng

FLC đã đưa ra 4 phương án để gia hạn lô trái phiếu mã FLCH2123003 trị giá 1.150 tỷ đồng từ 24 tháng lên 48 tháng, song, người sở hữu trái phiếu không thông qua bất cứ phương án nào mà FLC đã đưa ra.

CTCP Tập đoàn FLC (mã chứng khoán: FLC) vừa công bố biên bản kiểm phiếu lấy ý kiến người sở hữu trái phiếu đối với lô trái phiếu mã FLCH2123003.

Lô trái phiếu trên được phát hành vào ngày 28/12/2021 với khối lượng phát hành là 115.000 trái phiếu, mệnh giá 10 triệu đồng/tp, huy động 1.150 tỷ đồng, kỳ hạn là 24 tháng, dự kiến đáo hạn và ngày 28/12 tới đây.

Trước đó, tại ngày 15/9 và ngày 3/10 vừa qua, FLC đã chi tổng cộng 154 tỷ đồng mua lại trước hạn 15.314 trái phiếu, số lượng còn lại của lô trái phiếu trên sau khi mua tính tới thời điểm hiện tại là 99.641 trái phiếu, tương đương hơn 996 tỷ đồng.

Theo biên bản kiểm phiếu được FLC công bố, đơn vị đã lấy ý kiến người sở hữu trái phiếu bằng văn bản để thông qua 4 phương án nhằm gia hạn trái phiếu từ 24 tháng lên 48 tháng kể từ ngày phát hành là 28/12/2021, lãi suất cố định áp dụng là 13%/năm và miễn toàn bộ lãi phạt chậm trả nợ gốc, lãi cho FLC đối với các phần nợ gốc, lãi đã đến hạn thanh toán.

Ở phương án 1, FLC cho biết sẽ tiếp tục thực hiện triển khai dự án Khu biệt thự nghỉ dưỡng FLC Hải Ninh 2 và sử dụng nguồn thu từ việc khai thác, kinh doanh dự án để trả nợ trái phiếu. Toàn bộ số tiền thu được từ việc khai thác kinh doanh bất động sản của dự án sẽ được chuyển vào tài khoản phong tỏa của công ty để ưu tiên thanh toán cho người sở hữu trái phiếu.

Thời gian FLC dự kiến hoàn thiện các thủ tục pháp lý đưa dự án vào kinh doanh là quý II/2025. 

Phương án thứ 2 mà FLC đưa ra là công ty tìm kiếm nhà đầu tư để thực hiện chuyển nhượng dự án. Toàn bộ số tiền chuyển nhượng dự án sẽ được chuyển vào tài khoản phong tỏa và ưu tiên giải ngân cho việc thanh toán trái phiếu. Thời gian thực hiện chuyển nhượng dự án và thời gian thanh toán sẽ phụ thuộc vào thời gian tìm kiếm nhà đầu tư nhận chuyển nhượng dự án.

Trong phương án này, FLC cam kết mua lại trái phiếu trước hạn trong vòng 15 ngày kể từ ngày FLC ký kết hợp đồng chuyển nhượng và nhận đầy đủ tiền chuyển nhượng dự án.

Đối với phương án thứ 3, theo FLC, khi bất động sản của dự án đủ điều kiện để ký hợp đồng mua bán, FLC sẽ dùng bất động sản để đối trừ nghĩa vụ thanh toán trái phiếu. FLC sẽ ưu tiên chiết khấu cho người sở hữu trái phiếu so với khách hàng thông thường.

Ở phương án thứ 4, FLC cho biết, trong trường hợp phương án 1,2,3 nêu trên không được trái chủ thông qua, FLC đề xuất phương án khác trong thời hạn 90 ngày kể từ ngày tổng hợp ý kiến người sở hữu trái phiếu bằng văn bản trên cơ sở đảm bảo lợi ích và khả năng thực hiện của công ty.

Theo kết quả kiểm tra phiếu lấy ý kiến được công bố, số phiếu lấy ý kiến tán thành cho phương án 1 là 8 phiếu, đại diện cho 2.254 trái phiếu, chiếm tỷ lệ 2,26% tổng mệnh giá trái phiếu đang lưu hành; số phiếu lấy ý kiến tán thành cho phương án 2 là 10 phiếu, đại diện cho 2.635 trái phiếu, chiểm tỷ lệ 2,64% tổng mệnh giá trái phiếu đang lưu hành.

Đối với phương án thứ 3, số phiếu lấy ý kiến tán thành là 2 phiếu, đại diện cho 187 trái phiếu, chiếm tỷ lệ 0,19% tổng mệnh giá trái phiếu đang lưu hành và ở phương án thứ 4 số phiếu lấy ý kiến tán thành là 13 phiếu, đại diện cho 2.191 trái phiếu, chiếm tỷ lệ 2,20% tổng mệnh giá trái phiếu đang lưu hành.

Qua đó, căn cứ vào kết quả ở trên, người sở hữu trái phiếu không thông qua bất cứ phương án nào trong số 4 phương án mà FLC đưa ra.

chọn
Chủ tịch Lương Minh Tuấn: Kính siêu trắng sẽ là mũi nhọn 5 năm tới của Đạt Phương, dự kiến mang về doanh thu nghìn tỷ từ 2026
Theo kế hoạch, quý I /2025 Đạt Phương sẽ khởi công nhà máy sản xuất kính siêu trắng tại Thừa Thiên - Huế, dự kiến từ 2026 sẽ mang về doanh thu 1.500 - 2.000 tỷ đồng. Chủ tịch Đạt Phương cho biết, đây là ngành mũi nhọn của Đạt Phương trong thời gian tới, doanh nghiệp đang có những lợi thế lớn trên thị trường kính siêu trắng.