Doanh nghiệp vận tải cho rằng việc lắp thiết bị đo nồng độ cồn đối với các phương tiện vận tải hành khách tốn kém và không khả thi. Ảnh: Lê Đoàn |
Vượt nồng độ cồn, xe không nổ máy
Mới đây, Phòng Cảnh sát giao thông đường bộ - đường sắt (Công an TP Hà Nội) đã đề nghị Chính phủ áp dụng biện pháp đối với các phương tiện xe ô tô kinh doanh vận tải hành khách, ngoài việc gắn thiết bị giám sát hành trình còn phải được gắn máy đo nồng độ cồn ngay trong xe ô tô, trước khi điều khiển phương tiện lái xe phải kiểm tra nồng độ cồn và kết quả kiểm tra được kết nối với trung tâm để quản lý lái xe.
Trao đổi với PV, Thiếu tá Nguyễn Mạnh Hùng, Phó phòng CSGT (Công an TP Hà Nội) cho biết mặc dù đã có quy định, chế tài xử phạt với hành vi điều khiển phương tiện mà trong máu hoăc hơi thở có nồng độ cồn vượt phép nhưng thực tế vẫn có nhiều vụ tai nạn giao thông liên quan đến vấn đề sử dụng rượu bia.
Thiếu tá Hùng cho biết, khi tài xế sử dụng rượu bia rồi điều khiển phương tiện sẽ có nguy cơ xảy ra tai nạn cao, hậu quả lớn. "Xuất phát từ tính nguy hiểm đó, việc gắn thiết bị đo nồng độ cồn trước khi điều khiển phương tiện thể hiện sự văn minh, cưỡng bức đối với người lái xe", ông Hùng nói.
Cũng theo vị này thì nhiều người tham gia giao thông tự cho rằng mình đủ khả năng điều khiển phương tiện sau khi uống rượu bia nhưng thực tế thì khác. Và thiết bị đo nồng độ cồn sẽ được kết nối với xe ô tô, khi tài xế có nồng độ cồn vượt mức cho phép thì không thể khởi động xe. "CSGT chỉ đưa ra ý tưởng để đảm bảo an toàn giao thông, còn việc thực hiện thì cần nhiều cơ quan chức năng vào cuộc", ông Hùng cho biết thêm.
Trước khi có thể lái xe, tài xế phải thở vào máy đo nồng độ cồn. Nếu con số vượt mức cho phép, xe sẽ không nổ máy. Ảnh: Thetruthaboutcars |
Doanh nghiệp vận tải "than" tốn kém, không khả thi
Liên quan đến đề nghị trên của phía CSGT Hà Nội, PV đã trao đổi với ông Bùi Danh Liên, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Hà Nội để làm rõ hơn. Ông Liên cho rằng, đề nghị này cần phải nghiên cứu bởi nó "đụng chạm" đến hàng vạn lái xe và các doanh nghiệp vận tải.
"Thời gian qua, các doanh nghiệp vận tải đã đầu tư nhiều thứ nên đề nghị này cần phải xem xét phù hợp với tình hình tài chính, quản lý của doanh nghiệp. Nếu có áp dụng thì cũng nên để sau năm 2020", ông Liên nói.
Ông Khúc Hữu Thanh Hải, Giám đốc Công ty CP Vận tải, Thương mại và Dịch vụ Đất Cảng cho rằng nếu nhà nước đầu tư thiết bị đo nồng độ cồn thì không vấn đề gì vì việc này có lợi cho doanh nghiệp. "Nếu doanh nghiệp phải tự đầu tư thiết bị thì sẽ gặp khó khăn rất lớn về tài chính và không khả thi", ông Hải cho biết.
Cũng theo vị này, hiện chế tài xử phạt nồng độ cồn rất nặng và doanh nghiệp cũng có các biện pháp quản lý khác đối với tài xế, nghiêm cấm bia rượu nên việc lắp thiết bị có thể mang lại hiệu quả không lớn.
Nguyễn Quang Sơn, nguyên Phó Giám đốc Công ty CP HANOITOURIST TAXI cũng cho rằng mỗi doanh nghiệp vận tải đều có chế tài riêng với lái xe trong việc sử dụng rượu bia trong thời gian làm việc. Điều đó dẫn đến việc doanh nghiệp sẽ phải gánh thêm chi phí nếu lắp đặt thiết bị đo nồng độ cồn khi không được nhà nước đầu tư và hiệu quả không lớn.
Theo Nghị định 46/2016/NĐ-CP quy định xử phạt hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt, đã có hiệu lực từ 1/8/2016. Người điều ô tô khi tham gia giao thông có sử dụng rượu bia có thể bị phạt tiền lên tới 18 triệu đồng, tước quyền sử dụng GPLX đến 6 tháng.