Gia Lai thông qua 82 dự án đầu tư công với tổng vốn hơn 18.200 tỷ đồng

HĐND tỉnh Gia Lai đã thống nhất thông qua kế hoạch và phương án phân bổ đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 với tổng vốn dự kiến trên 18.259 tỷ đồng.
Gia Lai thông qua 82 dự án đầu tư công với tổng vốn hơn 18.200 tỷ đồng - Ảnh 1.

Một góc TP Pleiku, tỉnh Gia Lai. (Ảnh: Cổng TTĐT Gia Lai).

Theo Cổng TTĐT Gia Lai, kỳ họp thứ 21 HĐND tỉnh Gia Lai khóa XI nhiệm kỳ 2016 – 2021 vừa thống nhất thông qua 83 nghị quyết về chủ trương đầu tư của 82 dự án, nghị quyết cho ý kiến về kế hoạch và phương án phân bổ kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 -2025 của tỉnh (lần thứ hai).

Tổng vốn thực hiện các dự án này dự kiến là 18.259 tỷ đồng, chưa bao gồm các chương trình mục tiêu quốc gia, các dự án ODA khởi công mới. Trong đó, vốn ngân sách địa phương hơn 12.000 tỷ đồng, vốn ngân sách trung ương trên 6.218 tỷ đồng.

Đây là các dự án rất quan trọng, một số dự án sẽ là điểm nhấn, công trình trọng điểm nhằm phát triển hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội của tỉnh, nhiều dự án có tác động lớn đến sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương trong giai đoạn 2021 - 2025 và những năm tiếp theo.

Một số dự án lớn được thông qua lần này có thể kể đến như dự án Nhà hát, trung tâm triển lãm văn hóa, nghệ thuật và thư viện tổng hợp tỉnh với vốn đầu tư 200 tỷ đồng; Đường hành lang kinh tế phía Đông (tuyến tránh quốc lộ 19, huyện Đăk Đoa - Chư Păh - TP Pleiku, dài 16 km, rộng 30 m), kinh phí 1.200 tỷ đồng; Kè chống sạt lở suối Hội Phú (đoạn từ đường Lê Thánh Tôn đến Nguyễn Trung Trực - chùa Minh Thành, TP Pleiku), kinh phí 300 tỷ...

HĐND tỉnh Gia Lai cũng đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo các ngành, các cấp hoàn thiện dự kiến kế hoạch báo cáo Chính phủ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đúng quy định; tiếp tục rà soát, điều chỉnh sau khi có ý kiến của các cơ quan Trung ương, trình HĐND tỉnh xem xét, quyết định để kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 của tỉnh đảm bảo tính thực thi và đạt hiệu quả cao nhất.

Chủ tịch HĐND tỉnh Gia Lai Châu Ngọc Tuấn nhấn mạnh rằng đối với các đơn vị được giao là cơ quan quản lý dự án, chủ đầu tư cần sớm khởi động những công việc cần làm, nhất là các dự án sẽ được khởi công trong năm 2022, dự án có hạng mục bồi thường, giải phóng mặt bằng lớn, dự án và công trình có tác động trực tiếp đến đời sống của Nhân dân cần phải lấy ý kiến tham gia của người dân để đảm bảo sự đồng thuận trước khi triển khai thực hiện.

chọn
Hà Nam: Hai doanh nghiệp bắt tay làm khu công nghiệp 2.600 tỷ trên đường nối Vành đai 4 - Vành đai 5
KCN Thanh Bình II giai đoạn 1 có tổng vốn gần 2.700 tỷ, chủ đầu tư là Công ty TNHH Đầu tư Phát triển Hạ tầng Khu công nghiệp Thanh Bình. Đây là doanh nghiệp được góp vốn bởi GMG Việt Nam và Việt Phát.