Giá thuê mặt bằng bán lẻ Hà Nội ổn định ở mức 927 nghìn đồng/m2 mỗi tháng

Theo thống kê, giá thuê gộp mặt bằng tầng trệt tại Hà Nội đạt mức 927.000 đồng/m2 mỗi tháng, tăng nhẹ 1% theo quý nhưng không đổi theo năm.

Nguồn cung tăng chậm, nhiều dự án lỡ hẹn

Giá thuê mặt bằng bán lẻ Hà Nội ổn định ở mức 927 nghìn đồng/m2 mỗi tháng - Ảnh 1.

Thị trường bán lẻ Hà Nội quý IV. (Ảnh: Savills).

Năm 2021 vừa qua đánh dấu năm thứ ba liên tiếp tổng nguồn cung bán lẻ chứng kiến mức tăng trưởng chậm, khoảng 1% mỗi năm. 

Chỉ 4/10 dự án gia nhập thị trường vào cuối năm theo kế hoạch. 6 dự án còn lại, bao gồm Hinode City và Vincom Mega Mall Smart City đều phải trì hoãn lễ ra mắt và dời sang năm 2022 do sự bất ổn từ đại dịch.

Tổng nguồn cung quý IV đạt hơn 1,6 triệu m2, tăng 2% theo quý và 3% theo năm. Các dự án mới đều là khối để bán lẻ giúp thị phần của hạng mục này đạt 13%, tăng 1 % theo quý và theo năm.

Theo Savills, từ năm 2019 đến nay, số lượng các trung tâm bách hóa không có sự gia tăng, trong khi nguồn cung từ trung tâm thương mại và siêu thị tăng 1% mỗi năm. Khối để bán lẻ đạt mức tăng trưởng cao nhất với tỷ lệ 3% mỗi năm.

Giá thuê ổn định dù công suất giảm

Giá thuê mặt bằng bán lẻ Hà Nội ổn định ở mức 927 nghìn đồng/m2 mỗi tháng - Ảnh 2.

Thị trường bán lẻ Hà Nội liên tiếp thiếu hụt nguồn cung. (Ảnh minh họa: Hạ Vũ).

Theo thống kê, giá thuê gộp mặt bằng tầng trệt đạt mức 927.000 đồng/m2 mỗi tháng, tăng nhẹ 1% theo quý nhưng không đổi theo năm. 

Giá thuê tăng nhanh nhất ở khu vực phía đông với mức tăng trung bình tính từ năm 2017 đạt 7% mỗi năm. Cũng trong giai đoạn này, mức tăng trưởng của khu vực phía tây và khu vực trung tâm chỉ đạt 4%, khu vực khác đạt 3% và khu vực nội thành là 2%.

Công suất thuê toàn thị trường đạt 92%, giảm 2% theo quý và theo năm. Hạng mục khối để bán lẻ có mức giảm cao nhất do tỷ lệ trống cao từ các dự án mới.

Trong khi các tòa nhà nằm ngoài trung tâm gặp khó khăn với việc lấp đầy thì thị trường bất động sản cao cấp ở khu vực trung tâm hoạt động sôi nổi trong năm 2021. Savills đánh giá đang có sự tăng trưởng vượt bậc ở khu vực lõi trung tâm. Nguồn cung hạn chế đã đẩy giá thuê mặt bằng thị trường này đã tăng 15% so với cùng kỳ năm trước.

Những giao dịch cho thuê mặt bằng nhỏ ở Tràng Tiền Plaza, Metropole Arcade và Pacific Place gần đây cho thấy ngay cả khi giá thuê tăng đáng kể, nhiều thương hiệu cao cấp vẫn mong muốn mở rộng quy mô. Một vài nhãn hàng vẫn đang chờ đợi cơ hội có mặt tại những tòa nhà được biết đến nhiều này. 

Dự kiến trong vòng ba năm tới, khu vực trung tâm sẽ có thêm 5.000 m2 sàn, phần nào đáp ứng tình trạng thiếu hụt nguồn cung ở thời điểm hiện tại.

Nhiều triển vọng trong lĩnh vực sức khỏe, ẩm thực

Theo Savills, sự bùng nổ của tầng lớp trung lưu trẻ quan tâm tới sức khỏe mang lại tiềm năng to lớn cho các sản phẩm và dịch vụ chăm sóc sức khỏe như trung tâm thể dục, spa, phòng khám hoặc hiệu thuốc.

Năm 2019, chi tiêu cho chăm sóc sức khỏe của Việt Nam rơi vào khoảng 17 tỷ USD (391 nghìn tỷ VND), tương đương 6,6% GDP. Chỉ tiêu này dự kiến sẽ đạt 23 tỷ USD (529 nghìn tỷ VND) vào năm 2022 với tỷ lệ tăng trưởng kép là 10,7%. Đại dịch đã khiến việc chăm sóc sức khỏe được ưu tiên hơn bao giờ hết. Theo khảo sát của InFocus vào tháng 10, lĩnh vực này là một trong ba lĩnh vực duy nhất ghi nhận mức tăng trưởng tiêu dùng dương vào năm 2021.

Các chuỗi nhà thuốc bán lẻ hiện đại đang rất tích cực mở rộng kinh doanh nhằm chinh phục thị trường đầy hứa hẹn này. Trong năm 2021, Pharmacity, hệ thống nhà thuốc lớn nhất tại Việt Nam, đã mở trung bình hai cửa hàng mới mỗi ngày để đạt 1.000 cửa hàng trên toàn quốc.

Bên cạnh đó, trung tâm mua sắm đa năng cũng là xu hướng được phát triển mạnh trong thời gian sắp tới.  

Theo Savills, do khách hàng ngày càng được tiếp cận nhiều kênh bán lẻ như thương mại điện tử, các trung tâm thương mại không thể chỉ còn là nơi để mua sắm đơn thuần. Thay vào đó, các trung tâm này cần đáp ứng được những nhu cầu về mua sắm, giải trí, giao tiếp xã hội và ăn uống của khách hàng. Mặc dù đã có mặt trên thị trường, những trung tâm thương mại đa năng sẽ ngày càng được ưa chuộng.

Theo một khảo sát gần đây của Savills, tỷ trọng của các nhà bán lẻ trong lĩnh vực thời trang, mỹ phẩm, nội thất, đồ gia dụng hay điện tử giảm 14% trong hai năm vừa qua và bị thay thế bởi các dịch vụ đáp ứng những nhu cầu khác như ăn uống. Các nhà bán lẻ lớn như Central Retail hay Masan đang chuyển mình để nắm bắt xu hướng này. Central Retail Việt Nam đã hợp tác với Tập đoàn Kido (KDC) để đưa chuỗi ẩm thực hiện đại Chuk Chuk vào các trung tâm thương mại GO! Big C và TopMarket để mang đến trải nghiệm mới mẻ cho người tiêu dùng.

Bà Hoàng Nguyệt Minh, Giám đốc bộ phận Cho thuê thương mại, Savills Hà Nội nhận định: "Các thương hiệu bán lẻ vẫn dè dặt trong việc mở rộng do lo sợ khả năng phong tỏa và gián đoạn kinh doanh của các cơ sở hiện tại. Tuy nhiên, nhu cầu mở thêm cửa hàng flagship ngày càng tăng trong các lĩnh vực thời trang, mỹ phẩm và ẩm thực".

Trong năm 2021, GRDP của Hà Nội tăng 2,9%, nhưng doanh thu bán lẻ giảm 4,6% do tình trạng buộc phải dừng hoạt động kinh doanh vì dịch bệnh. Sau sự lao dốc lịch sử vào quý III và quý IV, thị trường chứng kiến đà đi lên của chỉ số GRDP và doanh thu bán lẻ với mức tăng lần lượt đạt 6,7% và 8,5%, cho thấy dấu hiệu của sự phục hồi.

Theo FocusEconomics, Việt Nam sẽ dẫn đầu về tốc độ tăng trưởng nền kinh tế trong khu vực vào năm 2022 và kéo dài đà tăng trưởng đến 2023. Xu hướng gia tăng trong tiêu dùng và sử dụng vốn, cùng với việc đẩy nhanh chiến dịch tiêm chủng sẽ thúc đẩy nền kinh tế trong năm 2022.

chọn
Công ty liên kết của PC1 gom hơn 600 ha đất công nghiệp
Từ tháng 7 đến nay, Western Pacific đã được chấp thuận đầu tư 3 khu công nghiệp hơn 600 ha ở Bắc Giang và Hà Nam. Theo đánh giá của SSI, điểm nhấn bất động sản năm 2024 của PC1 sẽ xoay quanh việc phát triển các dự án mới từ Western Pacific.