Long An là một trong những tỉnh có tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công năm 2022 tương đối cao so với nhiều địa phương khác trong cả nước. Có được kết quả này do ngay từ cuối năm 2021, UBND tỉnh đã giao các chủ đầu tư triển khai kế hoạch vốn đầu tư công năm 2022 và kịp thời tháo gỡ các vướng mắc, qua đó giúp các chủ đầu tư chủ động các khâu trong quy trình giải ngân vốn đầu tư công.
Trong 15 chủ đầu tư cấp huyện được giao vốn đầu tư công năm 2022, đến tháng 9/2022, UBND huyện Đức Hòa đạt tỷ lệ giải ngân 98,52% kế hoạch cao nhất so các chủ đầu tư cấp huyện.
Theo ông Trương Minh Hoàng, Phó chủ tịch UBND huyện Đức Hòa, năm 2022, UBND tỉnh đã giao kế hoạch đầu tư công cho huyện hơn 391.580 triệu đồng; trong đó, vốn giải phóng mặt bằng chiếm 85%, với 18 công trình. UBND huyện đã giao ngay cho các chủ đầu tư thực hiện.
Trong những tháng đầu năm, tỷ lệ giải ngân đạt thấp do dự án giải phóng mặt bằng chiếm tỷ lệ lớn. Vì vậy, lãnh đạo huyện chỉ đạo quyết liệt, gắn trách nhiệm cá nhân cho từng thủ trưởng cơ quan, đơn vị và đưa kết quả giải ngân của đơn vị vào đánh giá xếp loại cuối năm. Bên cạnh đó, tổ công tác thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công trên địa bàn tỉnh (tổ 2) thường xuyên nhắc nhở, kịp thời tháo gỡ, xử lý các vướng mắc có liên quan. Đến nay, các dự án được giao kế hoạch vốn giải ngân đạt 98,7%.
Ngoài ra, Huyện ủy, UBND huyện đặc biệt quan tâm giải quyết khó khăn, tháo gỡ vướng mắc trong thực hiện các dự án đầu tư công. Hàng tuần, Huyện ủy, UBND huyện luôn duy trì cuộc họp để nghe báo cáo tiến độ thực hiện, vướng mắc của từng dự án cụ thể, qua đó chỉ đạo các phòng, ban phối hợp để cùng gỡ khó.
Để có được kết quả giải ngân tốt, khi nhà thầu có khối lượng thực hiện, Ban Quản lý dự án nhắc nhà thầu làm thủ tục thanh toán cho kịp thời. Nhờ vậy, nhà thầu có đủ nguồn tài chính tiếp tục đẩy nhanh tiến độ thực hiện công trình góp phần đạt tỷ lệ giải ngân vốn theo kế hoạch hàng năm. Năm 2021, huyện Đức Hòa giải ngân đạt 100% vốn đầu tư công và tính đến thời điểm hiện tại, cơ bản các công trình đảm bảo tiến độ và vượt tiến độ.
Cùng với huyện Đức Hòa, Tân Hưng là huyện thuộc vùng Đồng Tháp Mười của tỉnh nhưng vẫn đứng thứ 2 giải ngân đầu tư công. Ông Lê Thành Yên, Phó chủ tịch huyện Tân Hưng cho biết, tỉnh giao huyện số vốn hơn 34,2 tỷ đồng và đến nay giải ngân đạt 98,5% kế hoạch.
Đạt kết quả cao là do lãnh đạo huyện đã chỉ đạo, giám sát thường xuyên thực hiện kế hoạch đầu tư công của các cơ quan chuyên môn, các chủ đầu tư. Công tác rà soát, xác định danh mục đầu tư và lập hồ sơ đầu tư công được thực hiện đúng trình tự thủ tục quy định của Luật Đầu tư công, Luật Xây dựng, Luật Đấu thầu và các văn bản hướng dẫn thi hành.
“Ngay từ khi có quyết định phân bổ kế hoạch đầu tư công năm 2022 của UBND tỉnh cho huyện, Phòng Tài chính-Kế họach đã tham mưu UBND huyện quyết định giao kế hoạch vốn đầu tư công cho Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng huyện triển khai kịp thời. Chủ đầu tư cũng như đơn vị thi công tập trung nguồn lực thi công công trình đảm bảo đúng thời gian theo hợp đồng. Công tác thanh quyết toán được thực hiện đúng quy định dẫn đến giải ngân vốn đảm bảo theo khối lượng thực hiện”, ông Lê Thành Yên cho biết thêm.
Theo ông Huỳnh Văn Sơn, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Long An, kế hoạch đầu tư công năm 2022 triển khai trên địa bàn tỉnh Long An với số vốn gần 7.225 tỷ đồng; trong đó, nguồn vốn ngân sách trung ương quản lý trên 1.672 tỷ đồng và nguồn vốn ngân sách địa phương quản lý trên 5.552 tỷ đồng. Ước giá trị giải ngân đến cuối tháng 9 được 4.696 tỷ đồng, đạt 65,2% kế hoạch và tăng 21,68% so với cùng kỳ năm trước.
Đạt kết quả trên, ngay từ đầu năm, UBND tỉnh đã ban hành văn bản chỉ đạo đôn đốc các chủ đầu tư khẩn trương thực hiện và giải ngân, các ngành các cấp phối hợp giải quyết khó khăn vướng mắc cho chủ đầu tư. Bên cạnh đó, UBND tỉnh Long An cũng thành lập 2 tổ kiểm tra, đôn đốc thực hiện và giải ngân ngay từ đầu năm nhằm kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho chủ đầu tư đẩy nhanh tiến độ thi công và lập thủ tục giải ngân.
Cùng với đó, UBND tỉnh thực hiện tốt tuyên truyền, vận động tạo sự đồng thuận cao trong nhân dân bàn giao mặt bằng triển khai thi công dự án, vận dụng tất cả các chính sách giúp người dân thấy được việc bàn giao mặt bằng triển khai thi công các dự án mang lợi ích chung của xã hội, của cộng đồng. Đồng thời, có giải pháp để cho những người dân khi bị thu hồi đất có được một nơi ở mới, cuộc sống mới ổn định, tốt hơn ở vị trí cũ.
“Thực hiện được vấn đề này không phải của một cá nhân, một tập thể có thể làm được mà cần phải có sự vào cuộc, sự đồng lòng của cả hệ thống chính trị, từ công tác lãnh đạo, chỉ đạo đến việc thực hiện của từng cấp, từng cá nhân trong việc thực hiện giải phóng mặt bằng”, ông Huỳnh Văn Sơn, chia sẻ thêm.
Tại cuộc họp sơ kết 9 tháng năm 2022 mới đây, ông Nguyễn Văn Út, Chủ tịch UBND tỉnh Long An nhận định, mặc dù tỉnh đạt tỷ lệ giải ngân tương đối cao nhưng nhìn tổng thể, Long An vẫn chưa đạt kết quả theo mong muốn. Vì vậy, ông Nguyễn Văn Út đề nghị các chủ đầu tư là các sở, ngành, huyện, thị, thành phố nêu những khó khăn, vướng mắc để cùng nhau chia sẻ, tháo gỡ.
Ông Nguyễn Minh Hùng, Chủ tịch UBND TP Tân An cho hay, việc giải ngân xây dựng cơ bản đối với các công trình nguồn vốn của thành phố đạt tỷ lệ khá. Riêng giải ngân nguồn vốn ODA, TP Tân An đạt tương đối thấp. Nguyên nhân do tại Dự án mở rộng nâng cấp đô thị Việt Nam - tiểu dự án thành phố Tân An (Tiểu dự án giải phóng mặt bằng đường Vành đai thành phố Tân An), Tân An đang cùng các ngành, tỉnh thẩm định hệ số điều chỉnh nên chưa phê duyệt phương án giải phóng mặt bằng tại vị trí nút giao đường Vành đai với Quốc lộ 1.
Bên cạnh đó, dự án mở rộng nâng cấp đô thị Việt Nam vướng giải phóng mặt bằng tại các khu Lia (khu dân cư có thu nhập thấp); không xây dựng đường nối Trần Phong Sắc với Nguyễn Minh Đường; không xây dựng khu tái định cư vì vậy giá trị từ nguồn ODA dư nhiều, ảnh hưởng đến tỷ lệ giải ngân chung. TP Tân An đang kiến nghị các ngành, tỉnh tiếp tục theo dõi, đề xuất việc hoàn trả kế hoạch vốn (ODA) gần 81 tỷ đồng và cam kết sẽ giải ngân 100% kế hoạch vốn được UBND tỉnh bố trí trong năm 2022.
Còn theo lãnh đạo UBND huyện Đức Hòa, để đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án đầu tư công, không thể chỉ quan tâm giải quyết trước mắt, mà phải được giải quyết căn cơ, lâu dài. Cụ thể, thông qua việc tiếp tục hoàn thiện thể chế, chính sách, thay đổi cách tiếp cận, quản lý, sử dụng nguồn vốn phù hợp với yêu cầu phát triển.
Trong vấn đề giải ngân vốn đầu tư công, những khó khăn thường là điểm nghẽn, nút thắt tại địa phương trong giải phóng mặt bằng; trong đó, người dân chưa đồng thuận với phương án bồi thường; biến động giá nguyên, nhiên, vật liệu; hoàn thiện thủ tục đầu tư một số dự án còn chậm do vướng mắc trong việc xin chủ trương đầu tư đối với các trường học (quy hoạch sử dụng đất phù hợp nhưng quy hoạch xây dựng không phù hợp). Nếu từng điểm nghẽn, hạn chế nêu trên được giải quyết, việc giải ngân vốn đầu tư công nhất định sẽ được cải thiện.
Về phía lãnh đạo UBND huyện Tân Hưng cho rằng, công tác chuẩn bị đầu tư tuy có nhiều cố gắng nhưng vẫn còn nhiều hạn chế bất cập. Cụ thể, việc đề xuất chủ trương đầu tư, thẩm định, thẩm tra trình cấp có thẩm quyền phê duyệt còn chậm; công tác lập hồ sơ thiết kế một số công trình với quy mô lớn chưa phù hợp với nguồn vốn và nhu cầu thực tế phải chỉnh sửa nhiều lần. Ngoài ra, nhu cầu vốn đầu tư rất lớn nhưng nguồn vốn huy động và phân bổ còn hạn chế đã ít nhiều ảnh hưởng đến tiến độ triển khai đầu tư công trình; vẫn còn một vài trường hợp chưa thống nhất với phương án giải phóng mặt bằng đã gây khó khăn ngay từ bước đầu triển khai công trình...
Cũng theo lãnh đạo UBND huyện Tân Hưng, công tác phối hợp với các ngành và địa phương trong lập danh mục đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 còn chậm. Các ngành chuyên môn chưa kịp thời đề xuất chủ trương đầu tư theo lĩnh vực ngành phụ trách làm cơ sở cho chủ đầu tư tổ chức lập hồ sơ được kịp thời, đúng quy định.
Đạt kế hoạch giải ngân cuối năm, Chủ tịch UBND tỉnh Long An Nguyễn Văn Út, yêu cầu các chủ đầu tư xác định việc thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công là nhiệm vụ chính trị trọng tâm của tỉnh. Qua đó, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, thực hiện cao nhất các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội năm 2022.
UBND tỉnh sẽ có hình thức kỷ luật phù hợp đối với các chủ đầu tư không giải ngân hết số vốn kế hoạch được giao. Các chủ đầu tư tích cực, chủ động hơn, thường xuyên kiểm tra, đôn đốc tình hình triển khai các dự án nhằm phát hiện kịp thời các khó khăn vướng mắc để xử lý ngay. Các chủ đầu tư, các ngành các cấp, các địa phương chủ động, tích cực và phối hợp chặt chẽ hơn nữa trong thực hiện các công trình đầu tư công, nhất là cần đẩy nhanh tiến độ hơn nữa bồi thường, giải phóng mặt bằng.
Ngoài ra, các chủ đầu tư tập trung trong thực hiện và giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công, hoàn chỉnh các thủ tục thanh toán khối lượng cho đơn vị thi công khi đủ điều kiện thanh toán. Các chủ đầu tư thường xuyên đôn đốc đơn vị thi công thực hiện lập hồ sơ thanh toán đẩy nhanh tiến độ giải ngân khi khối lượng đã đủ điều kiện thanh toán. Không làm tăng áp lực hồ sơ giải ngân đến Kho bạc Nhà nước vào các tháng cuối năm. Đồng thời, báo cáo và đề xuất UBND tỉnh giải quyết đối với các nhà thầu không hoàn thành công trình theo tiến độ hợp đồng đã ký kết.
UBND tỉnh cũng đề nghị Chính phủ, các ngành liên quan Trung ương cần có những cơ chế, chính sách về thuế đối với doanh nghiệp được vận động hỗ trợ vốn từ nguồn vốn của doanh nghiệp tham gia đầu tư xây dựng các công trình giao thông; về giá thực hiện giải phóng mặt bằng cho các dự án được đầu tư mang tính chất công cộng như giao thông, nông nghiệp, trường học, y tế - chủ yếu sử dụng nguồn vốn nhà nước đầu tư nhằm phục vụ nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, không mang tính lợi nhuận.