Sẽ bổ sung mức phạt 'thi chui' quốc tế sau vụ Nguyễn Thị Thành |
Nguyễn Thị Thành phải giải nghệ sau khi mang tiếng “thi chui”. Ảnh: T.L |
Quy định không còn phù hợp
Theo Thứ trưởng Bộ VHTTDL Vương Duy Biên, sắp tới, một số điều của Nghị định 79/2012/NĐ-CP sẽ được sửa đổi. Theo đó, sẽ không có việc người đẹp có danh hiệu mới được đi thi quốc tế, hoặc người đẹp không cần phải được sự cho phép của cơ quan quản lý Nhà nước mới được đi thi.
“Quy định phải có danh hiệu chính thức tại một cuộc thi nhan sắc quốc gia mới được đi thi quốc tế đã không còn phù hợp nữa. Thời gian qua, nhiều người đẹp không có danh hiệu đi thi lại có thành tích cao và ngược lại. Đã đến lúc phải thay đổi điều này, nới lỏng quy định cho phù hợp. Chỉ cần tổ chức mời họ đi thi là được, và họ chỉ cần báo cáo lại khi về ” - Thứ trưởng Vương Duy Biên nói.
Ý kiến này đang nhận được sự quan tâm đặc biệt của dư luận. Chỉ trong đầu năm 2017 này đã có rất nhiều trường hợp thi chui, cụ thể mới nhất là trường hợp của Nguyễn Thị Thành. Mặc dù đạt giải cao song Nguyễn Thị Thành vẫn mang tiếng “thi chui”, phải giải trình trước Sở VHTT TPHCM về hành động thi không xin phép và chịu phạt 22,5 triệu đồng. Ngay sau đó, người đẹp phải tuyên bố giải nghệ để tránh bớt thị phi và rẽ sang đường đi khác - làm “Giám đốc quốc gia” cuộc thi Mister Grand International 2017 (Nam vương Hoà bình Quốc tế) dù chưa đủ tầm về chuyên môn.
Năm 2016, người mẫu Huỳnh Tiên đăng quang ngôi vị cao nhất cuộc thi Hoa hậu Châu Á được tổ chức tại Australia. Tuy nhiên, vì tham gia cuộc thi mà chưa được cấp phép nên Cục Nghệ thuật biểu diễn (Bộ VHTTDL) đã có văn bản gửi Sở VHTT TPHCM về việc phối hợp xử lý hành vi vi phạm của Huỳnh Tiên.
Đầu năm 2015, thanh tra Sở VHTT TP HCM ra quyết định phạt người mẫu Diệu Linh vì đi thi Hoa hậu Du lịch Quốc tế 2014 tại Malaysia khi chưa được cấp phép. Cô đã chịu phạt hành chính 22,5 triệu đồng. Tại cuộc thi này, Diệu Linh nhận hai giải thưởng phụ “Trang phục dân tộc đẹp nhất” và “Hoa hậu khối Đông Nam Á”.
Tương tự, trước khi tham gia The Face - Gương mặt thương hiệu mùa đầu tiên, Mai Ngô từng bị phạt 22,5 triệu đồng vì tự ý tham dự Asia’s Next Top Model. Sau 3 lần nhận thư mời nhưng không chịu lên giải trình, Mai Ngô bị cấm diễn tất cả các chương trình tổ chức tại Việt Nam trong một thời gian ngắn.
Điêu đứng vì thi chui, song tại sao người mẫu, hoa khôi chấp nhận? Là bởi, thi quốc tế đôi khi còn dễ... có danh hiệu hơn các cuộc thi trong nước, và nếu chờ đến lượt có giải trong nước mới đi thi quốc tế thì e họ đã quá tuổi, và các cuộc thi trong nước quy định khắt khe hơn về “vẻ đẹp tự nhiên”. Hơn thế, tiêu chí của các nước đối với người dự thi là đẹp về ngoại hình, có tri thức và xứng đáng đại diện quốc gia tham gia cuộc thi hoa hậu, chứ không phân định rạch ròi người mẫu - hoa hậu như Việt Nam.
Các người đẹp “thi chui” trở nên nổi tiếng bất ngờ sau khi trở về nước. Thế nhưng tất cả đều không thoát nổi quy luật “bất thành văn” trong showbiz Việt - bị đào thải nhanh chóng. Chỉ một thời gian ngắn sau khi gây sóng gió, Lâm Thuỳ Anh, Oanh Yến, Cao Thuỳ Linh... đều “lặn mất tăm”, biến mất khỏi làng giải trí.
“Nới” hợp lý để không “loạn” danh xưng
Việc nới lỏng các quy định cấp phép đối với người đẹp dự thi nhan sắc quốc tế được cho là cần thiết, góp phần chấm dứt tình trạng thi hoa hậu “chui”. Nhưng có một thực tế, không ít thí sinh coi việc tham gia các cuộc thi nhan sắc chỉ để dễ dàng bước chân vào showbiz. Nếu được “thả cửa”, liệu có gia tăng tình trạng lợi dụng danh hiệu để kiếm tiền?
Hiện nay, các cuộc thi nhan sắc mang danh nghĩa quốc tế ngày một nhiều, trong đó có không ít cuộc thi “ao làng”, kém chất lượng. Không ít cuộc thi người đẹp hiện nay không còn là nơi tranh tài của nhan sắc và tài năng nữa mà trở thành sân chơi, cơ hội đổi đời một cách dễ dàng cho một số cô gái.
Hơn nữa, nhiều người lo lắng rằng nếu bất cứ ai có nhu cầu, khi nhận được lời mời của các tổ chức sắc đẹp quốc tế đều được tham gia, thì sẽ không kiểm soát được chất lượng thí sinh, dễ làm ảnh hưởng đến hình ảnh Việt Nam. Vì vậy nên chăng quy định cụ thể rằng, các người đẹp đạt giải cao hoặc đã có danh hiệu tại các cuộc thi hoa hậu, hoa khôi, người đẹp… trong nước thì mới được phép đại diện cho đất nước đi thi. Còn những người khác, nếu có nhu cầu, vẫn được tham gia với tư cách thí sinh tự do, nhưng không được lấy danh nghĩa của quốc gia.
Thời gian tới Cục Nghệ thuật biểu diễn sẽ tiếp tục lấy ý kiến trước khi kiến nghị sửa đổi quy định. Dù thí sinh được tham dự với tư cách thí sinh tự do, nhưng sau khi hoàn tất cuộc thi, các người đẹp hoặc đơn vị đưa người đẹp đi thi phải có trách nhiệm báo cáo cụ thể với Cục Nghệ thuật biểu diễn để Cục nắm được tình hình. Nếu người đẹp hoặc đơn vị đăng cai đưa người đẹp đi thi không báo cáo lại cho Cục mà Cục phát hiện có những vi phạm gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến hình ảnh đất nước thì sẽ có biện pháp xử lý, nặng có thể cấm đi thi quốc tế vĩnh viễn. (Theo Thứ trưởng Vương Duy Biên) |
Sẽ bổ sung mức phạt 'thi chui' quốc tế sau vụ Nguyễn Thị Thành
Ngoài ra, những tổ chức các cuộc thi sắc đẹp cũng sẽ dính mức phạt từ 15-30 triệu đồng khi làm trái với quy định ... |