Một tiết học tiếng Anh tăng cường của học sinh Trường tiểu học Lê Văn Sỹ, Q.Tân Bình, TP.HCM - Ảnh: NHƯ HÙNG |
Trong báo cáo việc thực hiện nghị quyết số 33 của Quốc hội về chất vấn và trả lời chất vấn tại kỳ họp thứ 2 Quốc hội khóa XIV vừa gửi đến các đại biểu Quốc hội, Bộ GD-ĐT cho biết như trên.
Tuy nhiên, Bộ GD-ĐT cũng thừa nhận Đề án dạy và học ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục quốc dân vẫn còn không ít tồn tại, hạn chế và một số mục tiêu, nhiệm vụ của đề án chưa đạt được.
Cụ thể, chương trình, sách giáo khoa tiếng Anh (hệ 10 năm) của các cấp học phổ thông chậm được tổng kết, đánh giá sau từng giai đoạn thí điểm.
Tỉ lệ học sinh lớp 3 theo học chương trình tiếng Anh 10 năm mới đạt 44,3%, thấp hơn mục tiêu đã đề ra là 70% vào năm học 2015 - 2016.
Đối với giáo dục đại học, tỉ lệ sinh viên các cơ sở đào tạo không chuyên ngữ được học chương trình tăng cường môn ngoại ngữ cũng chỉ đạt khoảng 20%, thấp hơn mục tiêu đã đề ra là 60% vào năm học 2015 - 2016.
Bộ nhận định đề án triển khai trên quy mô cả nước, nhưng nhiều địa phương, bộ ngành chưa thực sự coi việc thực hiện đề án là nhiệm vụ quan trọng đối với việc nâng cao chất lượng nguồn nhân lực.
Bộ GD-ĐT cũng cho biết trong thời gian tới sẽ nâng cao hiệu quả sử dụng ngân sách nhà nước và đẩy mạnh xã hội hóa trong đầu tư cho các hoạt động dạy và học ngoại ngữ.