Giới họa sĩ nói gì trước lùm xùm của dự án 'Bích họa trên phố Phùng Hưng'?

Dự án "Bích họa trên phố Phùng Hưng" được xây dựng dựa trên cơ sở chương trình "Đưa nghệ thuật vào không gian sống" do Chương trình định cư con người Liên hợp quốc (UN-Habitat) và Quỹ giao lưu quốc tế Hàn Quốc (Korea Foundation) phối hợp với UBND quận Hoàn Kiếm triển khai từ năm 2015.
gioi hoa si noi gi truoc lum xum cua du an bich hoa tren pho phung hung
Một bức bích họa của họa sĩ Hàn Quốc trong dự án "Bích họa phố Phùng Hưng". (Ảnh: Môi trường 24h)

Theo đó, những họa sĩ tham gia dự án này đều hoàn toàn thiện nguyện. Phía họa sĩ Việt Nam và Hàn Quốc đều ngày đêm lao động nghệ thuật miệt mài, phố Phùng Hưng đã bắt đầu “có hồn” hơn nhờ những bức tranh trên vòm cổng.

Tuy nhiên, ngày 16/11/2017, đại diện Sở VH&TT Hà Nội, UBND quận Hoàn Kiếm (Hà Nội) cho biết nhiều bức tranh cần phải chỉnh sửa vì có nhiều chi tiết không phù hợp.

Trao đổi với báo chí sáng 16/11, Phó Giám đốc Sở VHTT Hà Nội Trần Quốc Chiêm cho biết, “Vì chủ đề là câu chuyện về ký ức Hà Nội nên ưu tiên những bức tranh gợi nhớ hình ảnh thuộc về Hà Nội một thời nay không còn”. Tranh số 56 với tiêu đề “Chùa Báo Ân xưa” được đề nghị bổ sung thêm hình ảnh người đi lễ chùa và hình ảnh người bán hương hoa, bỏ hình ảnh chiếc xe kéo. Tranh số 57 “Phố nhuộm màu hoa” được đề nghị chỉnh sửa từ tên tiêu đề đến các chi tiết trong tranh để gắn với làng hoa Ngọc Hà.

gioi hoa si noi gi truoc lum xum cua du an bich hoa tren pho phung hung
Tác phẩm của Trần Hậu Yên Thế gây tranh cãi. (Ảnh: Bảo Hân)

Đặc biệt nhất là tranh của tác giả Trần Hậu Yên Thế mang tiêu đề “Nhà số 63 phố Phùng Hưng” đã không được Hội đồng nghệ thuật đồng ý thực hiện. Theo gợi ý của Hội đồng, thay vì vẽ ngôi nhà 63, tác giả có thể chuyển đổi ngôi nhà 105 phố Phùng Hưng là trụ sở tòa soạn báo Tin tức, tiếng nói công khai của Đảng cộng sản Việt Nam thời Mặt trận Dân chủ Đông Dương (1936 – 1939). (Theo Kinh tế đô thị đưa tin).

Từ sự việc trên, họa sĩ Trần Hậu Yên Thế đã xin rút khỏi dự án bởi anh chưa nghĩ ra được ý tưởng sáng tạo từ đề xuất của Hội đồng nghệ thuật cụ thể là từ căn nhà 105 Phùng Hưng.

Tuy rút khỏi dự án nhưng họa sĩ Yên Thế vẫn tuyên bố sẽ ủng hộ dự án bích họa bởi đây là một công trình rất có ý nghĩa với Hà Nội.

Trao đổi xung quanh chuyện lùm xùm dự án “bích họa phố Phùng Hưng”, giới họa sĩ có quan điểm riêng về vấn đề này:

Họa sĩ Nguyễn Việt Dũng

gioi hoa si noi gi truoc lum xum cua du an bich hoa tren pho phung hung
Họa sĩ Nguyễn Việt Dũng.

Dự án bích họa phố Phùng Hưng là một công trình có ý nghĩa lớn với Hà Nội, nhằm quảng bá du lịch của Thủ đô với khách du lịch. Bản thân những người làm công tác quản lí họ có những áp lực rất lớn, nên việc họ cần thận trọng là điều đương nhiên. Nếu chẳng may có sai sót gì, họ là người phải chịu trách nhiệm lớn nhất. Nên việc ban quản lí dự án có những động thái quan sát, yêu cầu, đề xuất chỉnh sửa cho phù hợp, đạt ngưỡng an toàn là điều hoàn toàn phù hợp.

Với họa sĩ, họ cũng có nhiều áp lực khi thực hiện những dự án từ thiện. Dù họ có thể vẽ miễn phí, tặng miễn phí sự sáng tạo nghệ thuật của mình, nhưng họ cũng mất thời gian cho tác phẩm, cho công trình, và bản thân người họa sĩ trước khi vẽ họ cũng dành nhiều công sức sáng tạo tác phẩm. Thêm nữa, nghệ sĩ thường có cá tính mạnh nên việc cơ quan quản lí can thiệp quá sâu vào tác phẩm của họ sẽ làm cho họ cảm thấy không được tôn trọng.

Việc này thực ra không có chuyện đúng – sai, vì mỗi bên đều có cái lý của riêng mình, ai cũng phải chịu trách nhiệm trước công trình có ý nghĩa này. Vì thế, cách giải quyết tốt nhất là cần trao đổi lại với nhau một cách hợp lí, nên tôn trọng nhau và không suy diễn, không xử lí vấn đề theo hướng cực đoan.

Nếu tác phẩm thực sự có vấn đề và cần chỉnh sửa thì sự tham vấn chỉnh sửa phải đến từ những người đại diện, có chuyên môn, hơn là những người có công tác quản lí đơn thuần.

Họa sĩ Nguyễn Việt Dũng tốt nghiệp trường Đại học Kiến trúc Hà Nội, song lại trở nên nổi tiếng vì là một trong những họa sĩ vẽ tranh 3D đầu tiên ở Việt Nam với nhiều bức họa ấn tượng trên đường phố. Là một trong những họa sĩ tranh 3D đầu tiên tại Việt Nam và cũng là tác giả của bức tranh 3D lớn nhất cho đến thời điểm này được trưng bày.

Họa sĩ Nguyễn Ngọc Tuấn

gioi hoa si noi gi truoc lum xum cua du an bich hoa tren pho phung hung
Họa sĩ Nguyễn Ngọc Tuấn.

Qua sự việc trên tôi nghĩ: trước khi bắt đầu công việc, người họa sĩ phải xác định được mục tiêu của mình, làm việc đó để làm gì? Dựa trên mục đích (hay còn gọi là đơn đặt hàng) rồi hai bên thỏa thuận rõ ràng với nhau về phương tiện, địa điểm thể hiện tác phẩm.

Dự án bích họa phố Phùng Hưng nhằm mục đích để quảng bá du lịch, để người dân cảm thấy mới mẻ, để thu hút khách du lịch, vậy thì đây là một dự án cho cộng đồng. Mà dự án cho cộng đồng thì nên hài hòa, và quan trọng nhất là khi bắt tay vào làm, phải có ban kiểm duyệt những phác thảo ban đầu, để tránh việc đáng tiếc như hiện tại.

Họa sĩ Nguyễn Ngọc Tuấn tốt nghiệp thạc sĩ chuyên ngành hoạt hình tại Học viện Điện ảnh Liên bang Nga. Sau khi tốt nghiệp, anh từng là Họa sĩ chuyển động tại hãng phim hoạt hình Sout Mutfilm (Nga), Giám đốc Mỹ thuật Nhà xuất bản Nhã Nam và hiện công tác tại Trường Đại học Sân khấu Điện ảnh Hà Nội. Anh cũng đã từng tham gia thiết kế mỹ thuật cho nhiều dự án truyện tranh và phim hoạt hình.
chọn
Hà Nam: Hai doanh nghiệp bắt tay làm khu công nghiệp 2.600 tỷ trên đường nối Vành đai 4 - Vành đai 5
KCN Thanh Bình II giai đoạn 1 có tổng vốn gần 2.700 tỷ, chủ đầu tư là Công ty TNHH Đầu tư Phát triển Hạ tầng Khu công nghiệp Thanh Bình. Đây là doanh nghiệp được góp vốn bởi GMG Việt Nam và Việt Phát.