Giữa tâm bão đọc chữ bằng ô vuông theo Công nghệ Giáo dục: Học trò của GS Hồ Ngọc Đại lên tiếng

Bà Mạc Việt Hà, một trong những học sinh của khoá đầu tiên được học tiếng Việt theo chương trình sách giáo khoa Công nghệ Giáo dục của giáo sư Hồ Ngọc Đại đã chia sẻ về trải nghiệm thực tế về việc học chương trình này ở thời điểm 40 năm về trước.

Mấy hôm nay thấy trên mạng ồn ào tranh luận về chương trình Tiếng Việt Công nghệ Giáo dục, người phê phán rất nhiều và người ủng hộ cũng không ít.

Tôi tự thấy mình, với tư cách là sản phẩm đầu tay của chương trình này – lúc chúng tôi học chỉ gọi là “chương trình thực nghiệm” xin được chia những điều từ chính trải nghiệm của bản thân mình.

Trước hết, cần phải nói rằng tôi không phải là nhà ngôn ngữ học vì vậy không dám tranh luận về khoa học mà chỉ chia sẻ những cảm nhận của mình với tư cách là một cựu học sinh, những cảm nhận mang tính cá nhân.

giua tam bao doc chu bang o vuong theo cong nghe giao duc hoc tro cua gs ho ngoc dai len tieng
Sách giáo khoa Tiếng Việt lớp 1 theo chương trình Công nghệ giáo dục ở thời điểm gần 40 năm về trước.

Ngồi viết những dòng này, ký ức tôi đang ngược về 40 năm trước, khi chúng tôi bắt đầu những bài học Tiếng Việt đầu tiên dưới mái trường Thực Nghiệm. Chắc chắn, giờ đây tôi không thể nhớ hết những gì mình đã được học, song những bài học còn đọng lại là vô cùng ý nghĩa đối với tôi.

Tôi còn nhớ, chúng tôi không bắt đầu bằng việc ghép vần mà thay vào đó là học những câu thơ lục bát. Đối với một đứa trẻ 6 tuổi, việc đọc theo cô và học thuộc những câu thơ lục bát thật chẳng khó khăn gì. Không hiểu sao tôi nhớ nhất câu:

Trong đầm gì đẹp bằng sen

Lá xanh, bông trắng lại chen nhụy vàng…

Cô đọc, vỗ tay theo nhịp, chúng tay vỗ tay theo cô. Qua các câu thơ lục bát, chúng tôi bắt đầu cảm nhận được âm thanh, vần điệu, cái hay, cái đẹp của Tiếng Việt. Rồi cô nêu các câu hỏi gợi ý để chúng tôi tự tìm ra các đặc điểm và quy luật của tiếng Việt.

Chẳng hạn, chúng tôi thấy rằng các tiếng “Đầm, Gì, Bằng…” có đặc điểm giống nhau là cùng “đọc hơi xuống”; các tiếng “Lá, Trắng” cùng “đọc hơi lên”…Dần dần cô giới thiệu: Cách đọc hơi xuống đó gọi là “thanh huyền”, Hơi lên là “thanh sắc”. Chúng tôi lại mở rộng tìm các ví dụ với các tiếng trong cuộc sống hàng ngày có thanh huyền, thanh sắc…

Cô lại hỏi: Tiếng “Sen” và “Chen” có gì giống nhau? Dĩ nhiên chúng tôi phát hiện ra cách phát âm na ná giống nhau, chỉ khác “một tí ở đầu”. Cô lại giải thich “Một tí ở đầu ấy là phụ âm đầu, sau là vần”… Cứ như vậy chúng tôi học các chữ cái, cách ghép vần một cách tự nhiên và dễ hiểu.

giua tam bao doc chu bang o vuong theo cong nghe giao duc hoc tro cua gs ho ngoc dai len tieng
Phương pháp tách lời thành tiếng trong sách giáo khoa công nghệ trước đây.

Sau này tôi hiểu rằng đây là cách dạy dựa trên quy luật phát triển tự nhiên của ngôn ngữ, nghĩa là ngôn ngữ nói có trước, ngôn ngữ viết có sau. Chữ viết thực chất chỉ là cách ghi lại tiếng nói theo quy ước mà thôi.

Chẳng thế mà, trước đây Tiếng Việt được ghi theo kiểu chữ Nôm, sau lại theo kiểu chữ Quốc ngữ. Và vì vậy, khi nói, khi phát âm thì các tiếng: “Ca”, “Kem”, “Qua”…đều bắt đầu bằng “Cờ”. Sau này, cô lại giải thích cho chúng tôi, theo quy ước, người ta viết khác nhau: Đứng trước “e, i…” quy ước viết là “k”…

Chắc rằng có nhiều cách để dạy một đứa trẻ biết đọc, biết viết. Song theo ý kiến cá nhân tôi, tôi thấy cách mà chúng tôi được học dễ hiểu hơn, hứng thú hơn so với việc cho trẻ làm quen ngay với chữ cái và học thuộc các cách ghép vần một cách máy móc.

Nhân tiện cũng xin nói thêm. Hồi đó chúng tôi học 3 môn chính từ lớp 1: Tiếng Việt, Toán và Tiếng Nga. Đối với Toán và Tiếng Nga chúng tôi cũng học kiểu “thực nghiệm”.

Môn Toán, chúng tôi không học ngay các phép tính cộng, trừ, nhân, chia. Suốt năm lớp 1 chúng tôi học toán tập hợp, các phần tử và học xếp hình. Mở vở Toán của chúng tôi lúc đó sẽ thấy toàn những hình vẽ các tập hợp với các dấu “x” ở trong, rồi các đường nối loằng ngoằng từ dấu “x” này sang dấu “x” của tập hợp kia, gọi là “ánh xạ”…

Cũng chính từ những hình vẽ rất dễ hiểu như vậy, chúng tôi dần khám phá ra các phép tính cộng, trừ, nhân chia…

giua tam bao doc chu bang o vuong theo cong nghe giao duc hoc tro cua gs ho ngoc dai len tieng
Mạc Việt Hà, học sinh khoá đầu tiên theo học chương trình Công nghệ giáo dục tại trường Thực nghiệm.

Môn Tiếng Nga, chúng tôi cũng học phát âm, học nói trước. Hết năm lớp 1, đã nói xoen xoét được khá nhiều. Nhưng, nếu tôi nhớ không nhầm thì đến giữa năm lớp 2 chúng tôi mới bắt đầu làm quen với chữ cái tiếng Nga, để ghi lại chính những điều mình đã nói.

Tôi không ngạc nhiên việc một số phụ huynh lo lắng khi xem giáo trình Công nghệ Giáo dục. Mẹ tôi trước đây cũng từng hoảng hốt khi xem vở của tôi và thấy “chẳng giống ai” nhưng rồi bà thấy con mình cũng phát triển bình thường, không quá đần độn nên cũng yên tâm dần.

Mới đấy mà đã 40 năm… Nhìn lại cả chặng đường thấy số phận trường Thực Nghiệm của chúng tôi cũng như chương trình Công nghệ Giáo dục thật thăng trầm, vất vả. Nay nhập chỗ này, mai tách chỗ kia…và các tranh luận về khoa học dường như không có hồi kết.

Với tư cách là học sinh khóa 1, tôi chỉ biết rằng, trừ tôi ra, nói chung các bạn tôi đều thành đạt. Hình như không ai nói ngọng hoặc nhầm lẫn về luật chính tả.

Mỗi khi gặp nhau, chúng tôi đều cảm thấy tự hào vì mình đã từng là học sinh Thực Nghiệm - nơi chúng tôi được các thầy cô yêu thương, dạy dỗ, truyền đạt cho chúng tôi không chỉ kiến thức mà, quan trọng hơn, đó là những giá trị làm người!

Mạc Việt Hà

Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam

giua tam bao doc chu bang o vuong theo cong nghe giao duc hoc tro cua gs ho ngoc dai len tieng

Giáo viên lý giải việc học sinh đọc thơ 'mượt mà' khi nhìn ô vuông, tam giác

Theo cô giáo Lê Thanh Mai, giáo viên trường Tiểu học Xuân Quỳnh A (Nghệ An), việc học sinh chỉ vào các ô vuông, hình ...

giua tam bao doc chu bang o vuong theo cong nghe giao duc hoc tro cua gs ho ngoc dai len tieng

Cuốn sách dạy học sinh lớp 1 đánh vần theo cách lạ có thể cải cách tiếng Việt?

Cô giáo Lê Trần Diệu Thu – giáo viên Ngữ văn trường THPT Trần Quang Khải giải quyết những băn khoăn về nội dung trong sách ...

giua tam bao doc chu bang o vuong theo cong nghe giao duc hoc tro cua gs ho ngoc dai len tieng

Tiếng Việt Công nghệ Giáo dục: Vì sao 3 chữ c/k/q đều đọc là 'cờ'?

Với môn Tiếng Việt 1 CNGD, học sinh sẽ học cấu trúc ngữ âm của tiếng, không phải đi từ chữ rồi trở lại âm ...

chọn
Cầu vượt thép Mai Dịch chờ thông xe
Cầu vượt thép Mai Dịch nằm trên nút giao Vành đai 3 - Xuân Thủy - Hồ Tùng Mậu, quận Cầu Giấy, Hà Nội đã hoàn thành, không còn hoạt động thi công từ lâu nhưng chưa thông xe.