Từ câu chuyện về phương pháp học của chương trình Công nghệ giáo dục khác nhiều với những gì phụ huynh được học, khiến phụ huynh không biết phải dạy con học như thế nào, GS Hồ Ngọc Đại cho rằng, phụ huynh không nên can thiệp vào việc học của con mình. Vậy quan điểm này có được các giáo viên ủng hộ?
Nhiệm vụ của phụ huynh không phải dạy con học!
Đây là quan điểm của TS Vũ Thu Hương, Giảng viên Khoa Giáo dục tiểu học ĐH Sư phạm Hà Nội. Bà phân tích sự khác biệt trong phương pháp giáo dục giữa Đức – quốc gia có nền giáo dục phát triển mạnh với Việt Nam.
“Việt Nam và Đức là 1 quốc gia có nhiều điểm tương đối giống nhau về dân số và lịch sử hiện đại. Nhưng về phương pháp giáo dục lại hoàn toàn khác nhau.
Ở Đức, trường học ra sức can thiệp vào việc giáo dục gia đình. Trường học ở Đức quan niệm phụ huynh không có chuyên môn, vì vậy việc giáo dục tại nhà của học sinh được giám sát rất kĩ để đảm bảo sự thống nhất trong phương pháp học.
Còn ở Việt Nam, phụ huynh không tin ai ngoài bản thân mình. Vì vậy phụ huynh tìm mọi cách để can thiệp vào việc giáo dục tại trường học”, TS Hương phân tích.
TS Vũ Thu Hương, Giảng viên Khoa Giáo dục tiểu học ĐH Sư phạm Hà Nội. Ảnh: Đình Tuệ |
Theo bà, trong mục tiêu học tập của học sinh, bao gồm 3 nhiệm vụ là: kiến thức, kỹ năng và đạo đức. Trong đó nhiệm vụ chính của nhà trường là giáo dục về kiến thức cho trẻ, còn gia đình là trang bị cho con về đạo đức và kỹ năng sống.
“Nhiều người cho rằng, nếu như phương pháp học mà phụ huynh không thể dạy được con thì họ đã bị tước đi quyền giáo dục con mình. Nhưng không phải như vậy. Phụ huynh có 2 nhiệm vụ nặng gấp đôi nhà trường, đó là dạy con về đạo đức và kỹ năng.
Nếu các con không học tốt, gặp phải vấn đề ở trường học thì đây là trách nhiệm của nhà trường. Gia đình làm tốt nhiệm vụ giáo dục học sinh về kỹ năng, đạo đức. Nhà trường hoàn thành nhiệm vụ giáo dục kiến thức cho học sinh. Đây là các nhiệm vụ phải tiến hành đồng thời, không dẫm chân lên nhau. Như vậy đứa trẻ mới phát triển một cách toàn diện”, TS tiếp tục phân tích.
Phụ huynh nên can thiệp vào việc con học như thế nào?
Theo thầy giáo Lương Văn Quang, giáo viên trường Tiểu học và THCS 915 Gia Sàng (Thái Nguyên), ưu điểm lớn nhất của chương trình Công nghệ giáo dục là bố mẹ không dạy được con. Đây cũng là điểm bị phụ huynh và cộng đồng mạng “ném đá” nhiều nhất.
“Tôi nghĩ rằng phụ huynh không nên can thiệp vào việc học của con. Bố mẹ hãy chăm sóc sức khỏe của các em thật tốt. Còn việc dạy học, hãy giao hẳn cho giáo viên. Nếu phụ huynh thực sự quan tâm thì có thể học cùng con. Nghĩa là khi con học thì ngồi vào cùng con, xem con học, động viên con”, thầy giáo này phân tích.
Việc dạy học là của giáo viên, vì vậy mới cần phải đào tạo những thầy cô có chuyên môn, trình độ. Giáo viên có những cách dạy và học tự nhiên, gần gũi sẽ giúp trẻ gợi mở được hứng thú học tập hơn cha mẹ.
“Bản thân phụ huynh không có kiến thức chuyên môn thì việc hướng dẫn không thể chính xác được. Ngày trước, bố mẹ nông dân, học thức kém làm gì có chuyện dạy con học. Như thế lại hay mỗi buổi đi học về đều kể những điều mới học được ở trường trong bữa cơm chiều”, thầy giáo Quang chia sẻ.
GS Hồ Ngọc Đại khẳng định với chương trình Công nghệ giáo dục, phụ huynh không nên dạy con học ở nhà. Đồ họa: Huyền Trần |
Cha mẹ nên kèm con về đạo đức và kỹ năng sống
TS Vũ Thu Hương cho rằng, việc học là việc của con, bố mẹ không nên kèm cặp. Phụ huynh nhắc nhở hay hướng dẫn con học bài, làm bài tập về nhà sẽ khiến trẻ không nhận thức được rằng việc học không phải là việc của chúng.
Để trẻ tự giác với việc học của mình, phụ huynh hãy để trẻ hiểu được rằng việc học là của cá nhân trẻ và không ai có thể làm thay được. Việc học không phải là gành nặng mà là quyền lợi.
Theo bà, thay vì quan tâm đến việc học, bố mẹ nên chú trọng về bồi đắp đạo đức và kỹ năng cho con.
“Các bố mẹ nên chú ý đến từng chi tiết trong cuộc sống của con, tìm hiểu xem con có vấn đề gì về tính cách hay không? Con đã biết sống thân thiện chưa? Con đã biết lễ phép chưa, đã biết chia sẻ với người khác chưa?”, TS Hương lưu ý.
Về kỹ năng của con, bố mẹ tìm hiểu xem cái gì con chưa biết làm? Cái gì con đang làm rất tốt. Làm sao đến 18 tuổi con có thể tự lập, làm được nhiều thứ cho cuộc sống của chính con. Để đến khi con 18 tuổi, con có thể tự tin ra ở riêng. Đây mới là kĩ năng cần thiết.
“Mục tiêu học tập bao gồm 3 nội dung: kiến thức, kĩ năng và đạo đức. Sau 18 tuổi, con có thể tiếp tục bồi đắp về kiến thức rất dễ dàng. Nhưng để đào tạo được về kĩ năng và đạo đức sẽ khó hơn nhiều vì tính cách đã được hình thành cơ bản ở giai đoạn dậy thì”, chuyên gia này phân tích.
Đến khi con đã thực sự vững vàng về kiến thức, kĩ năng và đạo đức, phụ huynh hãy cùng với con hoạch định kế hoạch cho tương lai của con. Trong quá trình đó, bố mẹ đóng vai trò là người gợi ý, đề xuất chứ cũng không thể quyết định thay cho con.
Câu chuyện về 'Quả bứa' có phản giáo dục vì dạy học sinh thói ranh ma?
Nhiều giáo viên và phụ huynh cho rằng bài “Quả bứa” trong sách Tiếng Việt lớp 1 – Công nghệ giáo dục không phù hợp ... |
Phụ huynh 'đất học' Nghệ An nói gì về bài học xưng 'mày tao' trong sách công nghệ giáo dục?
Nghệ An là một trong những tỉnh có tỉ lệ học sinh lớp 1 học sách Tiếng Việt Công nghệ giáo dục nhiều nhất cả nước với ... |
Những phát ngôn gây 'bão' mạng xã hội của GS Hồ Ngọc Đại về Công nghệ giáo dục
Trong buổi gặp gỡ báo chí vừa qua, GS Hồ Ngọc Đại đã có những chia sẻ cụ thể về chương trình Giáo dục công ... |
Clip học sinh lớp 1 dạy người lớn cách đọc thơ vanh vách theo tròn vuông tam giác
Một facebooker đã đăng tải lên mạng xã hội clip cháu gái của mình vừa mới vào học lớp 1 được vài hôm nhưng đã ... |