Gỡ nút thắt cải tạo chung cư cũ

Tiến trình tái thiết đô thị từ cải tạo, xây dựng lại các khu chung cư cũ xuống cấp trên địa bàn TP Hà Nội diễn ra rất chậm. Trong cả chặng đường khoảng 20 năm qua, số dự án được triển khai thành công chỉ đếm trên đầu ngón tay, bởi vấp phải những rào cản từ quy hoạch cho đến sự đồng thuận của cư dân. Nhiều người kỳ vọng, Nghị định số 69/2021/NĐ-CP về cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư, có hiệu lực từ 1/9 sẽ tháo gỡ những vướng mắc bấy lâu.
Gỡ nút thắt cải tạo chung cư cũ - Ảnh 1.

(Ảnh: Thành Luân).

Trên địa bàn Hà Nội hiện có hơn 1.500 nhà chung cư cũ tập trung chủ yếu ở khu vực nội đô, được xây dựng từ những năm 1960 đến cuối 1980. Trong quá trình sử dụng, các hộ dân tự cơi nới, sửa chữa gây mất mỹ quan đô thị, nhiều nhà đã xuống cấp nghiêm trọng, gây nguy hiểm (cấp độ D).

Tuy nhiên từ năm 2007 đến nay, Hà Nội chỉ có 18 dự án chung cư cũ được xây dựng lại, đã đưa vào sử dụng, chiếm khoảng 1,14% tổng số nhà chung cư cũ cần cải tạo, xây dựng lại. Nguyên nhân khiến tiến độ cải tạo, xây mới các khu chung cư cũ quá chậm là do gặp nhiều khó khăn vướng mắc, trong đó chủ yếu liên quan đến quy định của Luật Nhà ở, Nghị định 101/2015/NĐ-CP như quy định phải đảm bảo 100% chủ sở hữu nhà chung cư đồng thuận, quy định chọn nhà đầu tư...

Nghị định số 69/2021/NĐ-CP về cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư được ban hành hôm 15/7 vừa qua, được kỳ vọng sẽ cởi gỡ những nút thắt nêu trên khi mà Chính phủ cho phép UBND cấp tỉnh quyết định hệ số k bồi thường từ một đến hai lần diện tích sử dụng căn hộ cũ; Diện tích căn hộ tái định cư sau khi tính theo hệ số k được quy đổi thành tiền và được nêu rõ trong phương án bồi thường, làm cơ sở để xác định giá trị hợp đồng mua bán, thuê mua nhà ở tái định cư và nghĩa vụ thanh toán tiền chênh lệch của các bên (nếu có).

Điểm đáng chú ý, đối với hộ tầng 1, đây là vướng mắc lớn trong các dự án cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ bởi đa phần hộ dân không đồng thuận về phương án bồi thường, hỗ trợ. Theo quy định mới, các chủ sở hữu tầng 1 có dành diện tích nhà để kinh doanh trước thời điểm Nghị định này có hiệu lực thi hành và dự án có bố trí một phần diện tích để kinh doanh dịch vụ, thương mại theo quy hoạch được phê duyệt thì ngoài việc được bồi thường theo quy định. Nếu các chủ sở hữu có nhu cầu còn được mua hoặc thuê một phần diện tích sàn kinh doanh thương mại, dịch vụ để kinh doanh. Giá bán phần diện tích này được tính theo chi phí đầu tư xây dựng phân bổ trên 1m2 sàn kinh doanh thương mại, dịch vụ cộng với 10% lợi nhuận định mức theo quy định; giá thuê diện tích kinh doanh, dịch vụ do các bên thỏa thuận.

Những quy định mới tại Nghị định 69 sẽ là cơ sở để Hà Nội cũng như các TP lớn khác có điều kiện đẩy nhanh tiến độ cải tạo chung cư cũ xuống cấp. Với Hà Nội, TP cũng đã đưa ra nhiều giải pháp đồng bộ khác để thực thi, như việc chủ trương nghiên cứu cải tạo chung cư cũ xuống cấp theo ba mô hình cấp độ: Khu chung cư cũ; nhóm chung cư cũ; tập hợp các chung cư cũ độc lập. Ngoài ra, TP yêu cầu phải nghiên cứu phương thức đầu tư tương ứng với hiện trạng từng khu; phân cấp mạnh cho cấp quận, huyện thực hiện những hạng mục cần thiết, phù hợp với thực tế nhằm bảo đảm tính khả thi.

Cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ là nhiệm vụ quan trọng, cấp thiết của TP Hà Nội. Bởi đó là tiền đề để Hà Nội nâng cấp diện mạo, cảnh quan đô thị; từng bước xây dựng đô thị xanh, văn minh, hiện đại; nâng cao đời sống của người dân và đáp ứng về mọi mặt trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội.

chọn
Toàn cảnh đường Lương Định Của mở rộng sắp thông xe tại TP Thủ Đức
Dự án nâng cấp, mở rộng đường Lương Định Của tại TP Thủ Đức có chiều dài khoảng 2,5 km. Đây là một trong 10 công trình giao thông dự kiến thông xe trước Tết Nguyên đán của TP HCM.