Hà Nam khởi công nút giao Phú Thứ và đường kết nối gần 1.400 tỷ đồng

Nút giao Phú Thứ và tuyến đường kết nối có quy mô xây dựng nút giao trước mắt gồm hai tầng, với tổng mức đầu tư gần 1.400 tỷ đồng.

Cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình đoạn qua TP Phủ Lý hiện nay, cao tốc này sẽ liên thông với nút giao Phú Thứ. (Ảnh: Báo Hà Nam).

Theo Cổng thông tin điện tử tỉnh Hà Nam, ngày 14/5, UBND tỉnh đã tổ chức lễ khởi công xây dựng nút giao Phú Thứ và tuyến đường kết nối tại xã Tiên Hiệp, TP Phủ Lý.

Việc đầu tư xây dựng nút giao Phú Thứ liên thông với đường cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình (trong Quy hoạch tuyến đường vành đai 5) tại cửa ngõ phía bắc TP Phủ Lý nhằm từng bước hoàn thiện đồng bộ quy hoạch mạng lưới đường bộ quốc gia, quy hoạch vùng thủ đô và quy hoạch tỉnh Hà Nam.

Cùng với đó, tạo kết nối liên vùng và rút ngắn thời gian di chuyển giữa các tỉnh trong khu vực, đồng thời mở ra dư địa, đánh thức tiềm năng phát triển khu vực phía đông của tỉnh, thúc đẩy phát triển giáo dục, công nghiệp, kết nối đô thị, phát triển du lịch...

Nút giao Phú Thứ và tuyến đường kết nối có quy mô xây dựng nút giao trước mắt gồm hai tầng. Trong đó, tầng 1 sẽ xây dựng hầm trên cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình với quy mô 6 làn xe theo tiêu chuẩn đường cao tốc, vận tốc thiết kế 120 km/h.

Tầng 2 sẽ xây dựng 4 nhánh ra, vào cao tốc kết nối với đường bên vành đai 5 và đường địa phương. Tổng mức đầu tư dự án gần 1.400 tỷ đồng từ nguồn ngân sách địa phương. Thời gian thực hiện dự án từ năm 2022 đến năm 2025.

Riêng tầng 3, gồm cầu vượt trên cao của đường vành đai 5 - vùng thủ đô vượt cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình (Được dự trữ quỹ đất theo phương án nút quy hoạch để đầu tư xây dựng ở giai đoạn sau).

Lãnh đạo tỉnh cho biết, đến nay, hệ thống giao thông trên địa bàn tỉnh đã từng bước được đầu tư nâng cấp, phát triển và kết nối đồng bộ; trong đó, QL21B, QL1A và QL38, đường cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình đã góp phần giải quyết tình trạng ùn tắc giao thông tại cửa ngõ phía nam của thủ đô, đồng thời gắn kết mạng lưới giao thông các tỉnh phía nam vùng Đồng bằng sông Hồng với thủ đô Hà Nội.

Việc xây dựng nút giao Phú Thứ liên thông với đường cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình (trong quy hoạch tuyến đường Vành đai 5) tại cửa ngõ phía bắc TP Phủ Lý có ý nghĩa đặc biệt quan trọng từng bước hình thành tuyến đường song hành vành đai 5 (trục Đông - Tây của tỉnh) nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, góp phần hoàn thiện hệ thống giao thông liên vùng.

Liên quan đến hạ tầng tỉnh Hà Nam, hồi đầu tháng 2, tỉnh này cũng đã khởi công dự án đầu tư xây dựng tuyến đường bộ song hành Quốc lộ 21, tại xã Khả Phong, huyện Kim Bảng.

Dự án có tổng chiều dài tuyến khoảng 4,2 km, điểm đầu tại thị trấn Ba Sao, huyện Kim Bảng; điểm cuối tại nút giao Đường T3 với Quốc lộ 21 thuộc địa phận xã Khả Phong, huyện Kim Bảng. Tổng mức đầu tư dự án này hơn 691 tỷ đồng, thời gian thực hiện 2022 - 2025.

Bên cạnh các dự án trên, Hà Nam hiện cũng đang triển khai nhiều dự án hạ tầng trọng điểm như dự án đường T1 tại Thanh Liêm; công trình cầu Châu Giang; quốc lộ 38B thuộc địa phận thị xã Duy Tiên; Đường Lê Công Thanh kéo dài; đường 495B...  

chọn
Hà Nam: Hai doanh nghiệp bắt tay làm khu công nghiệp 2.600 tỷ trên đường nối Vành đai 4 - Vành đai 5
KCN Thanh Bình II giai đoạn 1 có tổng vốn gần 2.700 tỷ, chủ đầu tư là Công ty TNHH Đầu tư Phát triển Hạ tầng Khu công nghiệp Thanh Bình. Đây là doanh nghiệp được góp vốn bởi GMG Việt Nam và Việt Phát.