Hà Nội chỉ đạo xử lý thu hồi đất đối với các dự án yếu kém về năng lực tài chính

Để đẩy mạnh nguồn thu ngân sách nhà nước từ lĩnh vực nhà và đất, UBND thành phố Hà Nội chỉ đạo các sở, ngành chức năng và các địa phương yêu cầu có biện pháp xử lý, thu hồi đất đối với các dự án chây ỳ nợ thuế, yếu kém năng lực tài chính, vi phạm pháp luật thuế và pháp luật về đất đai…
Hà Nội chỉ đạo xử lý thu hồi đất đối với các dự án yếu kém về năng lực tài chính - Ảnh 1.

Hà Nội chỉ đạo xử lý thu hồi đất đối với các dự án yếu kém về năng lực tài chính. (Ảnh minh họa: Hạ Vũ).

Theo đó, UBND thành phố Hà Nội giao UBND các quận, huyện, thị xã rà soát, đẩy nhanh tiến độ đấu giá quyền sử dụng đất năm 2021 và giai đoạn 2021-2023; đôn đốc người trúng đấu giá thực hiện nộp tiền theo đúng quy định.

Cụ thể, Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội hướng dẫn xử lý những nội dung còn vướng mắc để đẩy nhanh tiến độ xác định giá đất cụ thể bảo đảm số thu ngân sách; tăng cường rà soát, thanh tra, kiểm tra đối với các dự án triển khai đầu tư, sử dụng đất chậm tiến độ, có dấu hiệu sai phạm để kiến nghị UBND thành phố xem xét xử lý, thu hồi đất theo quy định…

Cùng với đó, Sở Quy hoạch - Kiến trúc khẩn trương báo cáo tình hình, tiến độ giải quyết các thủ tục điều chỉnh quy hoạch các dự án ngừng triển khai theo quy định và Thông báo số 240 ngày 5/9/2008 của Văn phòng Chính phủ gửi Cục Thuế thành phố Hà Nội để làm cơ sở xác định nghĩa vụ tài chính về đất của các dự án.

Cũng theo chỉ đạo của thành phố Hà Nội, Sở Kế hoạch và Đầu tư tập trung tháo gỡ vướng mắc, khó khăn, đôn đốc, hướng dẫn chủ đầu tư hoàn thiện hồ sơ thủ tục liên quan để đẩy nhanh tiến độ giải quyết thủ tục điều chỉnh quyết định chủ trương đầu tư của các dự án sử dụng đất, làm cơ sở xác định nghĩa vụ tài chính và đôn đốc thu nghĩa vụ tài chính bổ sung về đất đai của dự án.

Bên cạnh đó, Sở Xây dựng Hà Nội chỉ đạo Công ty TNHH một thành viên Quản lý và Phát triển nhà Hà Nội và các đơn vị liên quan rà soát, đôn đốc các nguồn thu năm 2021, bảo đảm hoàn thành chỉ tiêu nộp ngân sách nhà nước được giao trong 4 tháng cuối năm 2021.

Cục Thuế Hà Nội theo dõi, đôn đốc triển khai đồng bộ, quyết liệt các giải pháp thu hồi nợ đọng thuế, tiền sử dụng đất, tiền thuê đất; chủ động phối hợp với các sở, ngành liên quan có biện pháp xử lý các doanh nghiệp chây ỳ, nợ đọng, có vi phạm theo quy định.

Theo báo cáo của Thường trực HĐND thành phố Hà Nội, tính đến hết tháng 5/2021, trên địa bàn Thủ đô có đến 38 dự án còn nợ nghĩa vụ tài chính với số tiền là 3.767 tỷ đồng; trong đó, có 22 dự án còn nợ gần 1.638 tỷ đồng tiền sử dụng đất (trong đó, nợ chờ xử lý 538,8 tỷ/5 dự án; nợ khó thu 155 tỷ/3 dự án) và 1.354 tỷ tiền chậm nộp tương ứng.

Ngoài ra, còn 2 đơn vị nộp tiền thuê đất 252,6 tỷ đồng; 6 dự án chưa thực hiện quản lý thu do chưa có thông tin địa chính chuyển Cục thuế làm cơ sở thu nghĩa vụ tài chính; 26 dự án cần rà soát thông tin về nghĩa vụ tài chính bổ sung để báo cáo thành phố giao các cơ quan, đơn vị quản lý thu theo quy định.

Điều đáng nói, trong danh sách các dự án còn nợ nghĩa vụ tài chính có gần chục dự án bất động sản trên địa bàn quận Hoàng Mai, dù chủ đầu tư xây nhà bán nhưng vẫn chây ỳ nộp tiền sử dụng đất, tiền chậm nộp hàng chục tỷ đồng, thậm chí hàng trăm tỷ đồng nên cơ quan chức năng phải chuyển hồ sơ sang công an để điều tra, làm rõ.

Báo cáo mới đây của Đoàn giám sát HĐND thành phố Hà Nội về tình hình quản lý các dự án sử dụng đất chậm triển khai, vi phạm Luật Đất đai trên địa bàn Thủ đô cũng chỉ rõ, hiện Hà Nội vẫn còn 350 dự án chậm triển khai, vi phạm Luật Đất đai, trong đó phần lớn các dự án tồn tại vi phạm từ thời điểm trước giám sát năm 2018. Cụ thể, có 63 dự án chưa được giao đất, cho thuê đất chậm thực hiện các thủ tục đầu tư, chậm triển khai theo quyết định được phê duyệt; 287 dự án đã được giao đất chậm triển khai, vi phạm Luật Đất đai...

Để xử lý kiên quyết, dứt điểm tình trạng dự án "treo" theo ý kiến chỉ đạo của Thường trực HĐND thành phố Hà Nội, UBND thành phố Hà Nội vừa giao Sở Tài nguyên và Môi trường tiếp tục làm cơ quan đầu mối phối hợp, đôn đốc, kiểm tra, giám sát, hướng dẫn và xử lý các vi phạm trong việc quản lý, sử dụng đất tại các dự án vốn ngoài ngân sách.

Theo đó, làm rõ trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị chậm thực hiện hoặc không thực hiện đầy đủ các nội dung kết luận, kiến nghị của HĐND thành phố tại Báo cáo số 57/BC-HĐND ngày 17/7/2018, Thông báo số 18/TB-HĐND ngày 16/8/2018, chỉ đạo của UBND thành phố tại Kế hoạch số 173/KH-UBND ngày 5/9/2018; kịp thời đề xuất, báo cáo UBND thành phố những nội dung vướng mắc vượt thẩm quyền.

Thành phố cũng chỉ đạo các sở, ngành, UBND các quận, huyện, thị xã, căn cứ chức năng, nhiệm vụ được giao, các nội dung kết luận, kiến nghị của HĐND và UBND thành phố tại các văn bản liên quan để chủ động, tiếp tục thực hiện các giải pháp, biện pháp kiểm tra, đôn đốc, xử lý các vi phạm.

Các đơn vị tạo điều kiện, hướng dẫn nhà đầu tư giải quyết các vướng mắc tại các dự án theo quy định của pháp luật để sớm đưa đất vào khai thác, sử dụng hiệu quả, đúng quy hoạch, đúng quy định; đồng thời, kiên quyết thực hiện chấm dứt dự án đầu tư, thu hồi đất do không đưa vào sử dụng, chậm đưa vào sử dụng.


chọn
Địa phương được dự báo là 'thủ phủ công nghiệp' mới ở phía nam vừa hút hơn 1,5 tỷ USD vốn ngoại sau một quý
Quý I/2024, Bà Rịa - Vũng Tàu đã thu hút 13 dự án FDI với tổng vốn đầu thu thu hút hơn 1,56 tỷ USD và 10 dự án trong nước với tổng đầu tư thu hút gần 25.000 tỷ đồng.