Hà Nội đề xuất cấm hàng quán không thiết yếu mở cửa trước 9h sáng

Điều này được cho là sẽ góp phần giảm mật độ giao thông trong khoảng thời gian từ 6h đến 8h30 sáng mỗi ngày.

Chiều 27/4, Ban chỉ đạo phòng, chống Covid - 19 tại Hà Nội đã tổ chức phiên họp trực tuyến thứ 40. Chủ tịch thành phố Nguyễn Đức Chung chủ trì phiên họp với lãnh đạo các quận huyện, phường xã trên địa bàn.

Trong cuộc họp, Chủ tịch Nguyễn Đức Chung đã đưa ra những đề xuất mới nhất để khắc phục tình trạng giao thông đang đông đúc trở lại, và các biện pháp để thực hiện tốt Chỉ thị 19 của Thủ tướng Chính phủ.

Cấm cửa hàng không thiết yếu hoạt động trước 9h sáng?

Việc thực hiện Chỉ thị 19 của Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Chung cho biết qua nghiên cứu của các chuyên gia, điều đáng lo ngại nhất là giao thông trên địa bàn Hà Nội. Khi dừng chờ đèn đỏ, mọi người đứng rất sát, không đảm bảo 1 m theo Chỉ thị 19 của Thủ tướng.

"Mật độ giao thông vào buổi sáng rất đông, không đảm bảo giãn cách 1m mà chỉ đảm bảo 50-60 cm", ông Chung nói.

Theo ông Chung, thành phố Hà Nội đang đưa ra một đề xuất đối với tất cả các cửa hàng thời trang, mĩ phẩm,… không thiết yếu sẽ được khuyến khích mở cửa sau 9h sáng và không giới hạn giờ đóng cửa.

Chủ tịch Hà Nội cho rằng nếu làm tốt được điều này sẽ làm giảm người tham gia giao thông từ 6h đến 8h30 sáng mỗi ngày.

Hà Nội đề xuất cấm hàng quán không thiết yếu mở cửa trước 9h sáng - Ảnh 1.

Hà Nội đề xuất cấm các hàng quán không thiết yếu mở cửa trước 9h. (Ảnh: Thiên Trường).

"Nếu quy định này được ban hành, thì sẽ kéo dài từ nay đến hết tháng 12/2020", ông Chung nhấn mạnh.

Tại phiên họp, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo (GD & ĐT) Chử Xuân Dũng cũng cho biết Sở đã nghiên cứu xem xét, đề xuất phương án đi học trở lại của các em học sinh để xin ý kiến UBND thành phố.

Sở GD & ĐT cũng yêu cầu các trường học, cơ sở giáo dục kiểm tra, rà soát công tác chuẩn bị cho học sinh đi học trở lại như: vệ sinh, khử khuẩn trường, lớp học, đảm bảo đủ nhiệt kế điện tử để kiểm tra thân nhiệt cho học sinh, giáo viên... tuyên truyền, hướng dẫn học sinh, phụ huynh học sinh thực hiện các quy định về phòng chống dịch.

Đối với công tác bảo đảm chất lượng giáo dục khi học sinh chưa đến trường, Sở GD & ĐT Hà Nội đã triển khai học trên truyền hình, tuần phát sóng bài giảng mới 88 chương trình, hướng dẫn các trường để bảo đảm hoàn thành chương trình học kì, giúp học sinh tiếp thu kiến thức một cách tốt nhất.

Chủ tịch Hà Nội khẳng định: "Việc cho học sinh trở lại trường theo tinh thần ngày 4/5 sẽ mở cửa với trường Đại học, trường dạy nghề, trường THPT và THCS. Còn đối với các trường tiểu học, mẫu giáo sẽ quyết định vào cuộc họp Ban chỉ đạo và chiều ngày 29/4".

Hơn 1,5 triệu người khó khăn được Hà Nội hỗ trợ trong dịch Covid - 19 với 3.528 tỉ đồng

Theo Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Ngô Văn Quý, về chương trình triển khai chính sách hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19, Hà Nội đã thống kê sơ bộ những đối tượng được hỗ trợ theo Nghị quyết số 42 của Chính phủ và Quyết định số 15 của Thủ tướng Chính phủ.

Đã có trên 1,5 triệu người đủ điều kiện nhận hỗ trợ, với tổng kinh phí lên tới là 3.528 tỉ đồng. Riêng đối với các nhóm đối tượng là người có công, bảo trợ xã hội, hộ nghèo và cận nghèo do đã có danh sách nên thành phố sẽ triển khai hỗ trợ ngay, xong trước 30/4/2020.

Hà Nội đề xuất cấm các hàng quán không thiết yếu mở cửa trước 9h - Ảnh 2.

Hơn 1,5 triệu người được thành phố Hà Nội hỗ trợ trong dịch Covid - 19. (Ảnh: Thiên Trường).

Về tình hình dịch Covid - 19, theo báo cáo của Sở Y tế Hà Nội, đến nay tại Việt Nam, đã ghi nhận 270 ca mắc, trong đó địa phương có nhiều ca mắc nhất vẫn là Hà Nội (112 ca), sau đó là TP HCM (55 ca), Vĩnh Phúc (19 ca), Ninh Bình (13 ca), Bình Thuận (9 ca).

Hiện tại, Hà Nội có 85/112 ca mắc Covid-19 được công bố khỏi bệnh.

Chủ tịch Nguyễn Đức Chung đề nghị riêng huyện Mê Linh, Thường Tín vẫn phải thực hiện Chỉ thị 15, Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ đến hết ngày 5/5…

Đồng thời yêu cầu các đơn vị tiếp tục kiểm tra, đôn đốc, tuyên truyền mọi người thực hiện nghiêm túc, trong đó, có 3 nội dung bắt buộc là: Đeo khẩu trang khi ra khỏi nhà, rửa tay sát khuẩn, giữ khoảng cách khi di chuyển ngoài xã hội.

Thành phố cũng đề nghị Sở Y tế tiếp tục tập huấn, chuẩn bị các điều kiện phục vụ xét nghiệm và phải đảm bảo công suất, năng lực xét nghiệm PCR từ 3.000-5.000 mẫu/ngày.

Chủ tịch Hà Nội cũng cho biết, thành phố đang liên hệ để thời gian tới có test nhanh kháng thể.