Theo báo cáo, trong nhiều năm qua, thành phố đã xác định đúng vai trò quan trọng của nguồn vốn đầu tư công đến sự phát triển kết cấu hạ tầng kỹ thuật - kinh tế - xã hội. Đầu tư công được thực hiện tập trung, cơ bản khắc phục tình trạng phân tán, dàn trải. Các dự án, công trình đầu tư công, công trình trọng điểm được hoàn thành đưa vào sử dụng đã giải quyết kịp thời những vấn đề bức xúc dân sinh, giảm thiểu ùn tắc giao thông, đảm bảo môi trường, từng bước hiện đại hóa kết cấu hạ tầng đô thị và nông thôn, nhất là hệ thống giao thông với các tuyến đường kết nối giữa Hà Nội và các tỉnh, thành phố trong cả nước.
Tuy nhiên, thành phố vẫn còn nhiều dự án đã được trao quyết định chủ trương đầu tư, được cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư nhưng triển khai còn chậm
Theo tính toán, Hà Nội có 51/206 dự án trao quyết định chủ trương đầu tư hoàn thành. Tỷ lệ các biên bản ghi nhớ ký kết trong các Hội nghị được hiện thực hóa thành các dự án đầu tư còn ít. Hiện nay, có 54/104 biên bản chưa được thực hiện.
Trên thực tế vẫn còn rất nhiều dự án chậm triển khai. Bên cạnh trách nhiệm của chủ đầu tư thì còn có trách nhiệm của các cơ quan quản lý nhà nước và chính quyền địa phương, đặc biệt trong công tác hậu kiểm.
Đại biểu Đoàn Việt Cường (tổ Mê Linh) đề nghị Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) làm rõ công tác thanh tra kiểm tra đôn đốc thực hiện các thủ tục và giải pháp khi nhiều dự án đã được trao quyết định đầu tư nhưng chưa được triển khai.
Trong khi đó, đại biểu Lê Vĩnh Sơn (tổ Mỹ Đức) đề nghị Sở KH&ĐT cho biết nguyên nhân và giải pháp vấn đề biên bản ghi nhớ ký kết nhưng chưa thực hiện được. Còn theo đại biểu Vũ Mạnh Hải (tổ Thường Tín), trong các dự án triển khai chậm được nêu, có khá nhiều dự án đầu tư công, thuộc danh mục công trình trọng điểm của thành phố luôn được ưu tiên bố trí vốn, nhưng triển khai thực tế không đạt yêu cầu.
Trả lời nội dung chất vấn của các đại biểu, Giám đốc Sở KH&ĐT Đỗ Anh Tuấn cho biết, về việc thực hiện tổ chức các Hội nghị xúc tiến đầu tư của thành phố từ năm 2017 đến nay, TP Hà Nội đã trao quyết định chủ trương đầu tư cho 206 dự án, với tổng số vốn hơn 548.000 tỷ đồng.
Đến nay, đã có 54 dự án hoàn thành, 70 dự án đang triển khai xây dựng. Tuy nhiên, Giám đốc Sở KH&ĐT cũng cho rằng việc triển khai các dự án còn chậm do trong quá trình cấp giấy chứng nhận đầu tư, có thay đổi Luật đầu tư.
Trên cơ sở đó, thành phố yêu cầu rà soát lại các trình tự thủ tục pháp lý của các dự án. Trong quá trình tổ chức, việc xử lý vi phạm của các nhà đầu tư như vi phạm công tác PCCC, nghĩa vụ về đất đai, bảo hiểm xã hội, tài chính…
Bên cạnh đó, một số nhà đầu tư còn chưa tích cực chủ động phối hợp với các sở, ngành liên quan trong việc hoàn thiện thủ tục. Ngoài ra, việc chậm cũng có trách nhiệm của các sở ngành trong việc đôn đốc, kiểm tra, giám sát các nhà đầu tư tổ chức đầu tư.
Theo Giám đốc Sở KH&ĐT, Sở đã phối hợp tích cực đối với các nhà đầu tư hướng dẫn các thủ tục triển khai.
Trong thời gian qua, Sở đã tham mưu thành phố nhanh chóng sửa đổi quy trình tổ chức thực hiện đầu tư. Đến nay, Sở đã ban hành hướng dẫn thực hiện quy trình đầu tư, giải quyết những vướng mắc tồn đọng của các nhà đầu tư. Trong đó, có vướng mắc về thủ tục đầu tư, GPMB, chủ trương đầu tư.
Về giải pháp, ông Tuấn cho biết các bộ, ngành đã kiến nghị sửa đổi Luật đầu tư, Luật Nhà ở, Luật đất đai để có thể triển khai được các dự án sử dụng đất trên địa bàn thành phố.
Sở KH&ĐT cũng đã tham mưu thành phố các giải pháp về cải cách hành chính để các thủ tục liên thông giữa các sở, ngành, hướng dẫn nhà đầu tư thực hiện theo quy trình thủ tục. Ngoài ra, Sở sẽ giám sát đầu tư, thanh tra kiểm tra, kết luận, xử lý phù hợp, để đáp ứng đúng kỳ vọng của người dân.
Giám đốc Sở KH&ĐT cam kết với HĐND thành phố sẽ tích cực tham mưu cho thành phố để đẩy nhanh tiến độ chứng nhận đầu tư đối với các dự án; giám sát chặt chẽ kết quả thực hiện đầu tư của các dự án để báo cáo thành phố các dự án chậm tiến độ, không đủ điều kiện thì sẽ tiến hành thu hồi.
Đại biểu Nguyễn Minh Đức (tổ Hoàng Mai) cho biết nhiều tuyến đường được quy hoạch triển khai đến nay chưa hoàn hiện. Qua thống kê có 15 dự án, trong đó có ba dự án trọng điểm gồm tuyến đường Minh Khai – Vĩnh Tuy – Yên Duyên, nối từ đường Minh Khai đến vành đai 2,5; đường vành đai 2,5 đoạn Đầm Hồng - quốc lộ 1A; tuyến đường từ đê sông Hồng đến khu đô thị mới C2 - Gamuda Gardens.
Về vấn đề này, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Dương Đức Tuấn cho biết ba dự án nói trên được đầu tư theo cơ chế đối tác công tư. Tuy nhiên, cuối năm 2018, 2019, các cơ quan Trung ương, ý kiến của cử tri và các cơ quan thanh tra yêu cầu rà soát lại cơ chế đầu tư để đảm bảo hiệu quả. Sau đó, Luật đầu tư theo đối tác công tư đã được ban hành. Theo đó, các dự án theo cơ chế đầu tư được duyệt phải dừng lại. Đến nay, chỉ còn 24 dự án còn hiệu lực theo Luật hiện hành. Do ảnh hưởng của cơ chế đầu tư, luật pháp nên ba dự án này nằm trong kế hoạch bị chậm triển khai.
Trả lời về việc đôn đốc các dự án chậm tiến độ triển khai, Giám đốc Sở KH&ĐT Đỗ Anh Tuấn cho hay đã chủ trì, phân loại các dự án môi trường có sử dụng đất, các dự án về nhà ở, thương mại dịch vụ...; làm rõ tồn tại, vướng mắc của các dự án ở đâu; đồng thời, kiên quyết thu hồi các dự án chủ đầu tư chây ỳ, không triển khai. Hiện nay, có khoảng 900 dự án chậm tiến độ.
Đối với dự án ngoài ngân sách, Sở chủ động xây dựng quy trình tổ chức thực hiện, gửi văn bản tới các sở, ngành, quận, huyện, tập hợp đầy đủ, chuyển sang Sở Tư pháp ban hành văn bản quy phạm pháp luật và Sở Tư pháp đã thẩm định.
Ông Tuấn cho biết trong 55 công trình trọng điểm được quyết nghị, hiện có 11 dự án ngân sách hoàn thành và cơ bản hoàn thành mục tiêu ban đầu, 15 dự án đang tập trung chỉ đạo thi công, 12 đang hoàn thiện thủ tục đầu tư và 7 dự án chưa hoàn thiện thủ tục đầu tư.
Như vậy, dự án hoàn thành mục tiêu đề ra của là 11/33 dự án, đạt 33%. Trong đó có những dự án vốn ODA, PPP...
Về nguyên nhân chậm dự án trọng điểm, Giám đốc Sở KH&ĐT Đỗ Anh Tuấn nhận định giải phóng mặt bằng chậm trễ, khảo sát, thiết kế cũng chưa sát, dẫn đến việc phải điều chỉnh dự án, điều chỉnh mức đầu tư, dẫn đến kéo dài thời gian thực hiện dự án.
Với những dự án vốn ODA, theo Giám đốc Sở KH&ĐT, với những công trình trọng điểm, như dự án đường sắt có thời gian thực hiện kéo dài, là dự án lớn chưa có tiền lệ dẫn đến việc tổ chức, thiết kế, thực hiện các gói thầu phải điều chỉnh, phải bổ sung từ phía bộ, ngành.
Về những dự án PPP, Giám đốc Sở KH&ĐT Đỗ Anh Tuấn đánh giá quá trình triển khai khá phức tạp. Từ những năm 2018 - 2019, dừng thanh toán theo Luật Tài sản công, PPP phải chuyển sang hình thức khác. Do vậy, hồ sơ mời thầu, hồ sơ phát hành hồ sơ mời thầu cũng phải dừng thực hiện, bên cạnh đó một số dự án phải thực hiện, hoàn thành quy hoạch và được cấp có thẩm quyền phê duyệt. Trên cơ sở rà soát, đánh giá thực hiện dự án trọng điểm giai đoạn 2016 - 2020, Sở đã tham mưu Thành phố và HĐND đã quyết nghị 39 dự án trọng điểm.
Trả lời câu hỏi của đại biểu Nguyễn Minh Tuân về một số dự án chậm triển khai vi phạm Luật Đất đai, Giám đốc Sở TN&MT Bùi Duy Cường cho biết hiện 379 dự án chậm triển khai đã có kết luận cụ thể, đề xuất xử lý, trong đó: 30 dự án được kiến nghị thu hồi thì nay đã thu hồi 10 dự án; 35 dự án gia hạn tiến độ theo Luật đất đai; 77 dự án đã được chủ đầu tư tích cực khắc phục, đưa đất vào sử dụng.
Với 63 dự án chậm GPMB, các dự án còn lại vướng một số nội dung, các chủ đầu tư đang tập trung hoàn tất thủ tục.
Phát biểu tại phiên chất vấn, Phó Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Trọng Đông cho biết với 61 dự án chậm triển khai tại huyện Mê Linh, nguyên nhân chính là do khi sáp nhập năm 2008, thành phố tạm dừng các dự án để điều chỉnh quy hoạch. Ngoài ra còn do công tác GPMB, giao đất dịch vụ, năng lực của một số chủ đầu tư không đáp ứng được yêu cầu.
Theo Phó Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Trọng Đông, Sở TN&MT đã lập đoàn thanh tra liên ngành kiểm tra cụ thể các dự án với tinh thần tháo gỡ vướng mắc khó khăn đối với các dự án, quan trọng nhất là đưa đất vào sử dụng. Các dự án nào do nguyên nhân chủ quan của nhà đầu tư không tích cực hợp tác thì kiên quyết phải thu hồi.