Chiều 31/10, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc đã có phát biểu giải trình về một số vấn đề các đại biểu Quốc hội đặt ra.
Bộ trưởng khẳng định, công tác thực hành tiết kiệm trong thời gian qua đã đạt được những kết quả rất tốt, được thể hiện bởi những thành tựu đã đạt được trong nhiệm kỳ vừa qua. Đơn cử như tăng trưởng kinh tế bình quân đạt 6,8%, thu ngân sách tăng gấp 1,66 lần của nhiệm kỳ trước, nợ công giảm từ 63,7% xuống còn 55,9% vào năm 2020, tỷ trọng chi đầu từ 22,9% lên đến 29%... Bộ máy tinh gọn, tinh giản biên chế tại các đơn vị sự nghiệp công lập có chuyển biến mạnh mẽ: các đơn vị sự nghiệp công lập giảm 13,85%, công chức giảm 10,1%, viên chức giảm 11,2%…
Tuy nhiên, Bộ trưởng nhấn mạnh, đất nước đang trong quá trình phát triển, quy định pháp luật thường đi sau thực tiễn. Do vậy, hệ thống pháp luật cần phải được hoàn thiện nhanh chóng để tạo đà cho sự phát triển và làm nền tảng cho việc tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc.
Lấy ví dụ về vướng mắc trong Luật Đất đai, Bộ trưởng cho biết không dễ để triển khai thu hồi các dự án chậm sử dụng đất, để hoang hoá vì thiếu cơ chế đền bù hay bồi thường cho những nhà đầu tư đã đầu tư trên đất.
“Hiện nay những quyết định thu hồi ấy mới chỉ nằm ở trên giấy chứ không triển khai được ở thực địa”, Bộ trưởng cho biết.
Ngoài ra, Bộ trưởng Bộ Tài chính cũng đặt ra những vướng mắc pháp luật về thủ tục giải quyết những dự án còn dang dở đang được thanh tra, kiểm tra, kiểm toán và dự án BT.
“Dự án đầu tư theo hình thức BT đã được triển khai rất lâu với hệ thống các nghị định. Tuy nhiên, bây giờ có quá nhiều quan điểm, cho nên những dự án BT bị chững lại… Cần phải có quy định luật ở cấp cao nhất để giải quyết vướng mắc này”, Bộ trưởng cho rằng nếu làm được sẽ giải phóng được một nguồn lực rất lớn, giúp chống được lạm phát, suy thoái kinh tế và tiếp tục tăng trưởng.
Vướng mắc trong Luật Đầu tư công là cũng là nguyên nhân khiến các dự án chậm tiến độ, phải điều chỉnh tổng mức đầu tư nhiều lần.
Theo đó, Luật Đầu tư công quy định dự án phải được phê duyệt trước ngày 30/10 thì mới được bố trí vốn. Nhưng luật này cũng quy định phải bố trí vốn thì mới lập được dự án và thiết kế.
“Khi được bố trí vốn rồi mới bắt đầu lập dự án sẽ mất khoảng một năm, đền bù giải phóng mặt bằng mất một năm nữa. Như vậy mất hai năm chưa giải ngân được. Trong khi Luật Đầu tư công lại quy định việc giải phóng mặt bằng nằm trong dự án đầu tư”.
Bộ trưởng cho rằng cần tách riêng giải phóng mặt bằng thành một tiểu dự án.
“Giải phóng mặt bằng đi trước một bước, còn lại phần xây lắp là một dự án riêng. Chúng ta giải phóng mặt bằng xong sau khi đấu thầu, nhà thầu sẽ nhận mặt bằng và thi công ngay. Như vậy chúng ta vừa có khối lượng, vừa có thể giải ngân được.
Tránh hiện tượng hiện nay, tiền đã được giải ngân xong mà chưa có mặt bằng để thi công. Đồng tiền ấy có khi đi vào bất động sản, đi vào chứng khoán khi chúng ta cho nhà thầu ứng tiền”, Bộ trưởng cho hay.