"Hai lúa" chơi trội
Hai lúa Út Huy bên vườn chuối triệu USD của minh. |
Nhắc đến ông Võ Quan Huy (ngụ huyện Đức Hòa, tỉnh Long An), nhiều người nghĩ ngay đến một lão nông với cái biệt danh Huy “khùng”, Huy “ngông” vì cách trồng chuối của ông không giống ai. Ông từng cầm cố toàn bộ gia sản để đầu tư 2 triệu USD vào trang trại chuối ở thời điểm giá chuối trong nước lên xuống thất thường. Ông cũng là người đầu tiên qua tận châu Âu học cách làm chuối, đồng thời thuê hẳn chuyên gia nước ngoài về phục vụ cho trang trại chuối của mình.
Ông Huy kể: “Trước đây, tôi thấy nông dân vùng Long An khổ cực quá, đất thì rộng nhưng chật vật vì phèn, trồng cây gì năng suất cũng thấp nên tôi tìm hiểu khắp nơi và thấy cây chuối có thể phát triển tốt ở đây. Tuy vậy, người dân do chưa hiểu biết nên chỉ trồng nhỏ lẻ và chưa đúng kỹ thuật nên hiệu quả không cao. Do vậy, tôi đã mạnh dạn đầu tư hơn 40 tỉ đồng vào cải tạo đất và xây dựng một mô hình chuối sạch theo quy chuẩn quốc tế. Lúc đó, ai cũng nói tôi “khùng” vì ngành chuối Việt còn đang chật vật tìm chỗ đứng trong nước thì làm sao xuất khẩu được".
"Lúc đó, tôi cũng tìm hiểu và thấy ở nước ta, mặt hàng chuối chiếm vai trò quan trọng trong kinh tế nông nghiệp. Theo đề án quy hoạch phát triển đến năm 2020 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, chuối là cây chủ lực ở nhiều địa phương. Bộ Công Thương cũng xem việc xuất khẩu chuối là một mặt hàng quan trọng mà Việt Nam có nhiều lợi thế nên tôi bàn bạc cùng gia đình và quyết định trồng thêm cây chuối. Sau gần 4 năm cải tạo, học hỏi kinh nghiệm tôi đã trồng được những quả chuối “sạch” và có thể xuất đi nhiều thị trường quốc tế như Nhật Bản, Canada, Hồng Kông…”, ông Út Huy chia sẻ.
Chuyên gia Philippines được ông Huy mời về làm việc. |
Vừa trồng thử nghiệm vừa đi các nước tìm hiểu thị trường, ông Huy biết Philippines là nước xuất khẩu chuối hàng đầu thế giới. Khí hậu, thổ nhưỡng của nước này có nhiều điểm tương đồng với Việt Nam. Họ có những chuyên gia cả cuộc đời gắn với cây chuối nên ông đã mời chuyên gia Frederick I. Silvero(có hơn 20 năm kinh nghiệm trồng chuối) từ Philippines về Việt Nam. Chuyên gia Silvero lo khâu kỹ thuật, đồng thời truyền đạt kinh nghiệm cho toàn bộ nhân công người Việt trong trang trại của mình.
Hiện, trang trại chuối của Út Huy đã được mở rộng hơn 100ha với quy trình “sạch”. Ông cũng nhiều năm liền được Bằng khen “Nông dân xuất sắc” của Bộ Nông nghiệp và UBND tỉnh Long An.
Để có được thành công như ngày nay, ông cũng đã trải qua nhiều thất bại cay đắng. Có những lúc ông tưởng chừng đã phá sản toàn bộ gia tài của mình. Tuy vậy, với tinh thần ham học hỏi và nghị lực muốn làm giàu ông đã vượt qua.
Ông cũng nhiều lần thất bại với mô hình chuối sạch. |
“Lúc đầu thực hiện mô hình chuối sạch, tôi cứ nghĩ làm theo những kiến thức được học hỏi là sẽ thành công. Khi áp dụng mẻ chuối đầu tiên tôi đã thất bại hoàn toàn và có nguy cơ mất toàn bộ số tiền đã đầu tư. Tôi cũng nhận ra rằng, nếu mình có đầy đủ kiến thức thì việc làm giàu trên quê hương mình là điều không hề khó. Hiện hàng trăm ha chuối của tôi đã phát triển tốt và có thể xuất đi những thị trường khó tính. Mặc khác, tôi cũng tạo điều kiện cho hàng ngàn lao động tại địa phương với thu nhập từ 3 – 10 triệu đồng/tháng. Tôi cũng hướng dẫn, chia sẻ kinh nghiệm cho nhiều nông dân muốn làm giàu từ chính vườn chuối của mình”, ông Út Huy tâm sự.
Chuối Việt xuất ngoại
Mô hình trồng chuối khép kín được hai lúa Út Huy đầu tư. |
Mặc cho giá chuối trong nước lên xuống thất thường, trang trại chuối của ông Huy lúc nào cũng trong tình trạng “sẵn sàng xuất ngoại”. Chuối từ trang trại sẽ được dán nhãn FOHLA, sau đó đóng hộp giấy cùng thương hiệu này. Lý giải cho cái tên FOHLA, nông dân Út Huy hóm hỉnh: “Chuối đi Tây nên lấy cái tên giống Tây. Mà “Phô - la” thì tây hay ta cũng dễ nhớ dễ đọc. Ngoài viết tắt với ý nghĩa Fruit of Huy Long An (trái cây của Huy Long An).
Do trang trại quá rộng, để đảm bảo trái chuối không bị va đập trong quá trình vận chuyển vào nhà đóng gói, ông Huy cho xây dựng hệ thống ròng rọc treo dài hàng km bao quanh trang trại. Các buồng chuối khoảng 40kg sẽ theo hệ thống treo “bò” nhẹ nhàng từ trại về khu xử lý. Để tưới chuối, có đến 50km đường ống được xây dựng. Toàn bộ trang trại được đầu tư theo quy trình khép kín, từ khâu giống đến trồng, thu hoạch và đóng gói với chi phí đầu tư khoảng 300 triệu đồng/vụ.
Hệ thống ròng rọc tự động để di chuyển chuối về khu xử lý. |
“Để có được những quả chuối đẹp, mình phải chăm từ lúc cây non đến khi trổ bông và ra trái. Sau khi chuối lớn tương đối, từng buồng chuối được “mặc áo” để chống mọi loại sâu bệnh, côn trùng gây hại, nếu mình để chuối trổ hết thì ra rất nhiều nải, cây nuôi không đủ sức, chuối sẽ không đẹp. Do đó, bông chuối cứ trổ khoảng 10 nải là mình phải bẻ luôn bông, không cho ra trái nữa", ông Huy chia sẻ kinh nghiệm.
Ông Huy cho biết thêm: "Khi chăm sóc chuối thì phải chăm từng trái. Đến khi thu hoạch cần phải qua qúa trình lựa chọn cuối rất kỹ. Những quả không đạt chất lượng sẽ được loại bỏ ngay. Tiếp đến chúng tôi khử khuẩn rồi đưa vào túi nylon, hút chân không và xếp vào hộp".
Chuối được chăm sóc kỹ từ khâu giống đến lúc ra trái. |
Để tiện cho việc xuất khẩu, ông Huy xây dựng hệ thống diệt khuẩn, nhà đóng gói và kho lạnh ngay trong trang trại. Hàng ngày, các nhân công người Việt, dưới sự hướng dẫn của chuyên gia Philippines chăm sóc chuối theo quy trình hoàn toàn hữu cơ.
Khu xử lý chuối trước khi đưa vào thùng xuất khẩu. |
“Tôi đặt mục tiêu đến năm 2017 sẽ xuất khẩu ổn định 10.000 tấn/năm và đang nỗ lực hết sức để đạt được mục tiêu đó. Hiện nay giá chuối tại vườn được các công ty nhập khẩu trả từ 8.000 - 10.000 đồng/kg, ngoài việc xuất khẩu, tôi cũng đang tìm bước đi thích hợp để tăng lượng tiêu thụ từ thị trường nội địa”, ông Huy khẳng định.