Người kể chuyện bằng âm nhạc
Âm nhạc từ lâu với tôi là một thứ gì đó rất quan trọng, vì ngay từ nhỏ, bản thân tôi đã có những biểu hiện thiên hướng nghệ thuật. Phần khác có lẽ nhờ vào gia đình, ba mẹ là những người đã nuôi dưỡng tình yêu nghệ thuật trong tôi, từ khi tôi còn rất bé. Ở nhà khi đó có một chiếc máy đĩa than, ba mẹ tôi đều là người gốc Bắc, mẹ lại từng là nghiên cứu sinh tại Nga. Thế là từ nhỏ tôi đã được tiếp xúc với âm nhạc qua những bản nhạc Nga và những bài tuồng chèo Bắc bộ.
Khi hát, tôi có thói quen quan sát xung quanh. Nếu có một ai đó nhìn tôi, tôi sẽ trao đổi ánh mắt với người đó. Sự chăm chú của khán giả là cách mà tôi biết được họ đang lắng nghe và đồng cảm với câu chuyện của mình. |
Cách đây vài năm, tôi từng nói âm nhạc của mình không thích hợp ở sân khấu lớn đối với bối cảnh nền âm nhạc Việt Nam vào thời điểm đó. Thú thật, bất cứ ai có đam mê ca hát nói riêng và nghệ thuật nói chung đều mong muốn mình có thể đứng trên sân khấu lớn, được mọi người lắng nghe mình.
Nhưng với tôi, khi đứng trên sân khấu, tôi không muốn chứng tỏ bản thân là một người hát hay, mà muốn kể những câu chuyện bằng âm nhạc, như một cách tâm sự với các khán giả của mình. Mà đã là tâm sự thì bạn không thể thực hiện ở một nơi quá rộng lớn.
Nghệ sĩ underground, overground hay nghệ sĩ indie?
Những nghệ sĩ trẻ dù là underground hay overground đều muốn bản thân dần dần có tên tuổi nhất định. Đa phần các nghệ sĩ underground sống rất cảm xúc, và giữ cái tôi của mình quá lớn. Thế nên, đôi khi các bạn sẽ không chấp nhận được sự phán xét của dư luận, sự tổn thương của các bạn được thể hiện một cách không tích cực. Đó là vấn đề chung của số ít những nghệ sĩ trẻ underground muốn trở thành nghệ sĩ overground.
Là một người sống rất cảm xúc, tôi cũng từng có lúc như thế, nhưng với những kinh nghiệm mà tôi đúc kết được sau nhiều năm đi theo con đường âm nhạc, tôi nhận ra rằng nếu muốn thành công chúng ta đôi lúc phải dẹp bỏ cái tôi của mình.
Tôi thì chắc chắn không phải là một nghệ sĩ underground. Âm nhạc đối với tôi là một phương tiện để truyền tải cảm xúc đến với mọi người, nên tôi luôn muốn mình tham gia vào toàn bộ quá trình làm nhạc, từ sáng tác cho đến hòa âm phối khí, vì có thế sản phẩm sẽ mang đúng màu của mình hơn. Vậy nên, tôi nghĩ vị trí của mình đang ở giữa hai khái niệm indie và overground.
Người trung gian giữa hai thế hệ
Từ trước đến nay những sản phẩm âm nhạc tôi cho ra mắt đa số là cùng hợp tác với các nghệ sĩ khác và có phần nương theo thị hiếu khán giả. Giữa thị trường âm nhạc đang được đại chúng hóa bởi những bản nhạc dễ nghe dễ thuộc, nên dự án cho ra một album những ca khúc mà tôi tự sáng tác và trình bày vẫn đang trong giai đoạn ấp ủ, vì thật ra âm nhạc của tôi không phải là thể loại âm nhạc mang quá nhiều tính đại chúng.
Nếu là một người yêu thích âm nhạc của tôi, sẽ dễ dàng nhận ra rằng tôi rất chú trọng vào ca từ của các ca khúc. Bản thân tôi rất thích những bài hát ngày xưa, những bài hát mà ca từ của chúng như một áng văn vậy.
Tại sao các bậc cha chú của chúng ta ngày xưa chỉ cần đứng một chỗ và hát cũng có thể truyền tải được cảm xúc đến mọi người? Đó là điều mà tôi muốn lớp khán giả trẻ của mình cảm nhận được.
Việc của tôi giống như một người trung gian giữa hai thế hệ vậy, tôi muốn những khán giả trẻ tuổi hiểu được những giá trị âm nhạc khi xưa, và ngược lại những khán giả lớn tuổi vẫn có thể nghe được thứ âm nhạc của người trẻ.
Có rất nhiều người hâm mộ hỏi rằng: Vì sao tôi không giữ cho âm nhạc của mình một màu sắc u tối như những năm trước đây?
Để giải thích điều này cho từng người một thì lại là một chuyện rất khó. Tôi chỉ muốn người hâm mộ cảm nhận được sự thay đổi, trưởng thành trong âm nhạc của mình bằng cách cho họ thấy được nhiều sự đồng cảm hơn, nhiều tính đại chúng hơn, chứ hoàn toàn không đánh mất màu sắc ban đầu của mình. Cuộc sống lúc nào cũng u tối thì chán lắm.
Dùng cảm xúc bù đắp khiếm khuyết kỹ thuật
Người yêu nhạc của tôi và cả những bạn bè đồng nghiệp đều nói rằng nhạc của Hakoota thì chỉ có Hakoota hát được thôi, nhưng tôi lại nghĩ không phải như vậy. Mọi người nghe nhạc của tôi thường nghĩ rằng tôi sử dụng kỹ thuật gì vào bài hát. Còn tôi khi nghe nhạc lại tự hỏi người nghệ sĩ đang kể câu chuyện gì. Tôi là một người sống cảm xúc, âm nhạc của tôi không thiên về kỹ thuật, và tôi thường dùng cảm xúc của mình để bù đắp những khiếm khuyết trong âm nhạc.
Mọi người nghe nhạc của tôi thường nghĩ rằng tôi sử dụng kỹ thuật gì vào bài hát. Còn tôi, khi nghe nhạc lại tự hỏi người nghệ sĩ đang kể câu chuyện gì. |
Những nghệ sĩ trẻ khi xin phép được thể hiện ca khúc của tôi, đa phần họ đều hiểu sai tinh thần mà tôi mang đến cho sản phẩm âm nhạc của mình. Những bài hát tôi viết ra, phải là những người từng trải, có kinh nghiệm và cảm xúc về những vấn đề đó thì mới có thể truyền tải được đúng tinh thần của bài hát. Cảm xúc của mỗi người ở mỗi vấn đề nhất định là khác nhau, nhưng nếu bạn vốn là một người luôn lạc quan trong tất cả mọi chuyện, luôn luôn vui vẻ yêu đời thì đối với những bài hát có phần u tối đương nhiên là không hợp để thể hiện.
Gần đây có một bạn thí sinh trong một cuộc thi âm nhạc sử dụng ca khúc của tôi để dự thi. Sau khi nghe nhiều bạn bè đề cập, tôi mới tìm hiểu thử và thấy vô cùng bất ngờ vì bạn ấy sử dụng quá nhiều kỹ thuật và điều đó chính là nguyên nhân khiến ca khúc trở nên không hoàn hảo.
Ái Phương, Hakoota Dũng Hà gây sốt với ca khúc lấy cảm hứng từ phim La La Land
Ca khúc "Cám ơn vì đã nói câu từ chối" đã không chỉ lấy được sự đồng cảm của nhiều khán giả bởi ca từ ... |
Mọi thứ đến đều là duyên
Khoảng thời gian trước, tôi nhận được rất nhiều lời mời hợp tác trong âm nhạc, nhưng bản thân tôi lại là một người khá cẩn trọng chọn lọc trong việc hợp tác với ai.
Đối với nhiều người, họ muốn hình ảnh của mình xuất hiện dày đặc để khán giả không quên. Còn với tôi, tôi nghĩ rằng nếu bản thân thật sự xuất sắc thì những sự hợp tác. Đó sẽ phát triển theo hướng tích cực, còn nếu những gì bản thân có chỉ mới ở mức dưới 100% thì đôi khi những sự hợp tác lại đi theo hướng ngược lại. Đó là điều tôi không muốn.
Lại nhắc đến vấn đề cảm xúc, đó cũng là một nguyên nhân quan trọng. Ví dụ như với Vũ Cát Tường, tôi đã từng quen biết Tường từ lâu và cũng đã từng được Tường ngỏ lời hợp tác, nhưng vì lúc đó tôi không có cảm xúc gì cả nên tôi từ chối. Gần đây nhất tôi nhận lời hợp tác với Tường trong sản phẩm mới của em ấy. Đơn giản vì tôi cảm nhận được trong ca khúc “Em ơi” có một màu sắc giống như những bài hát của những thập niên 90. Điều đấy làm tôi cảm thấy thú vị và nhận lời mời hợp tác này.
Em Ơi - Vũ Cát Tường ft. Hakoota Dũng Hà
Còn với Ái Phương, trước khi hợp tác với nhau tôi và Ái Phương cũng từng gặp gỡ và trao đổi để có thể hiểu nhau hơn mới bắt đầu làm việc chung. Dự án “City of Star” phiên bản Việt giống như là cơ duyên đầu tiên đưa chúng tôi đến với dự án sau này đó là “Cảm ơn vì đã nói câu từ chối”.
Sự kết hợp với Ái Phương hay với bất cứ nghệ sĩ nào khác, Hakoota cũng đều cho đó là một cái duyên |
Ban đầu, nhạc sĩ của bài hát này đề nghị với tôi một bạn ca sĩ nữ khác trẻ trung hơn, nhưng tôi lại trình bày quan điểm của mình rằng, bài hát này cần có hai giọng hát thực sự đã từng trải thì mới có thể diễn đạt chính xác tinh thần của ca khúc, và rồi tôi đề nghị được song ca cùng Ái Phương. Khi Ái Phương biết đến dự án này, cô ấy cũng rất phấn khích và cho đến thời điểm hiện tại, “Cảm ơn vì đã nói câu từ chối” đã nhận được những phản hồi khá tốt.
Cảm ơn vì đã nói câu từ chối - Ái Phương, Hakoota Dũng Hà
Tất cả mọi thứ đến với tôi, tôi đều cho đó là một cái duyên mà mình không cần phải gượng ép. Mọi thứ đôi lúc sẽ đến rất tự nhiên và tốt đẹp, nhiệm vụ của chúng ta chỉ đơn giản là đón nhận mà thôi.
Ảnh: Quốc Hoàng