Đã 2 tháng ảnh hưởng của dịch Covid-19 cũng là thời gian mà nhiều nhà hàng, quán ăn ở TP HCM từ tiệm thức ăn nhanh, quán cà phê, trà sữa… chịu cảnh vắng tanh, ế ẩm ngay cả cuối tuần.
Cùng chung cảnh với các trung tâm mua sắm, địa điểm du lịch, nhiều quán xá, nhà hàng tại TP HCM đều chịu vắng tanh, nhất là 2 tuần nay, khi dịch Covid-19 có nhiều diễn biến phức tạp. Các nhà hàng, quán ăn lớn đến nhỏ đều trở nên ế ẩm chưa từng thấy vì dịch bệnh.
Nhà hàng này nằm trong trung tâm thương mại Vincom (quận 1). Diện tích nhà hàng khá rộng nằm ngay lối đi, bàn ghế sắp xếp ngay ngắn, không ống đũa, không khăn ăn, không có lấy một khách hàng. Thoạt nhìn, nhiều người cứ tưởng nhà hàng đang đóng cửa. Thực tế, bảng hiệu vẫn sáng đèn. Không có khách nên nhân viên cũng không có mặt ở quầy, mà tập trung ngồi trong khu vực bếp.
Ngay bên cạnh, một nhà hàng khác chuyên phục vụ món Huế cũng không có một thực khách. Nhân viên đứng trước cửa để chào mời, nhưng trung tâm thương mại mùa dịch Covid-19 rấtvắng nên việc tiếp thị này cũng không hiệu quả.
Tháng trước, các nhà hàng dù ế nhưng vẫn có lượng khách ra vào tương đối. Các điểm kinh doanh ẩm thực vẫn hoạt động hiệu quả vào cuối tuần. Tuy nhiên, hai tuần vừa qua, phần lớn đều trở nên bất động.
Thậm chí, có cửa hàng còn cho biết, mỗi ngày, họ chỉ có thể đón được đợt khách.
Ngoài những doanh nghiệp cho người lao động làm việc tại nhà trong thời gian dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, một số doanh nghiệp vẫn duy trì làm việc tại công sở khuyến cáo lao động mang theo thức ăn để hạn chế nơi đông người, cũng khiến các nhà hàng bị giảm doanh thu. Số lượng nhân viên văn phòng đến ăn trưa gần như không có.
"Đầu tháng 3, giới kinh doanh nhà hàng, ẩm thực chúng tôi mới thấy có chút phấn chấn hơn bởi khách bắt đầu đi ăn trở lại. Nhưng nhà hàng mới bán được được chưa đến 1 tuần thì Hà Nội có ca nhiễm Covid-19, khách vắng dần, đến giờ thì không còn ai đi ăn bên ngoài luôn", quản lí một nhà hàng ẩm thực trong trung tâm thương mại cho biết.
Trên đường Mạc Đĩnh Chi (quận 1), King Buffet và Hotpot Story cũng trong tình cảnh ế ẩm chưa từng thấy. Trước đây, buổi tối, hai nhà hàng nàythường phải đặt trước mới có chỗ.
Quầy thức ăn tự chọn lúc 19h của King Buffet không có bóng khách.
Đang chạy hàng loạt chương trình khuyến mãi giảm giá 50%, mỗi miếng gà chỉ còn 18.000 đồng hoặc với hoá đơn 89.000 đồng, sẽ được mua miếng gà với giá chỉ 1.000 đồng, nhưng chuỗi thức ăn nhanh Lotteria, KFC đều không thể thu hút khách giữa mùa dịch.
Các thương hiệu cà phê, trà sữa vốn rất "hot" của giới trẻ nhưng những ngày qua đều vắng chưa từng thấy. Quán trà sữa này chỉ có duy nhất 2 khách hàng ngày cuối tuần.
Cộng Cà phê cũng chưa bao giờ vắng như thế này.
Giữa mùa dịch, các cửa hàng cà phê, trà sữa đều có trang bị nước rửa tay sát khuẩn cho khách. Dù đưa ra nhiều hình thức để cùng chung tay phòng dịch Covid-19 nhưng cũng không thể kéo được khách hàng.
Hàng loạt các cửa hàng nằm tại những khu vực đắt đỏ quận 1 như Lý Tự Trọng, Lê Thánh Tôn hay Phan Xích Long (quận Phú Nhuận) đã quyết định trả mặt bằng và số lượng các điểm kinh doanh F&B đóng cửa cũng chưa có dấu hiệu dừng lại.
Buôn bán ảm đạm giữa mùa dịch, cùng với áp lực chi phí mặt bằng đắt đỏ, nhiều vị trí vốn được xem là "đất vàng" của giới kinh doanh nhiều ngày qua vẫn không có người thuê.