Đại diện đặc biệt Hàn Quốc về các vấn đề hòa bình và an ninh trên Bán đảo Triều Tiên Lee Do-hoon (trái) và người đồng cấp Nhật Bản Kenji Kanasugi (phải). (Nguồn: Yonhap/TTXVN)
Ngày 8/1, các đặc phái viên hạt nhân của Hàn Quốc và Nhật Bản đã nhất trí đẩy mạnh hợp tác, cùng nỗ lực để biến những tín hiệu tích cực mới xuất hiện trên Bán đảo Triều Tiên thành giải pháp hòa bình cho vấn đề hạt nhân tại đây.
Đây là nội dung thông cáo báo chí được Bộ Ngoại giao Hàn Quốc đưa ra sau cuộc gặp giữa Đại diện đặc biệt Hàn Quốc về các vấn đề hòa bình và an ninh trên Bán đảo Triều Tiên Lee Do-hoon và người đồng cấp Nhật Bản Kenji Kanasugi tại Seoul.
Hai bên đã nhất trí tăng cường các nỗ lực ngoại giao để "nuôi dưỡng" những điều kiện thuận lợi như cuộc đàm phán liên Triều đầu tiên sau hai năm sẽ diễn ra ngày 9/1 tới tại Bán đảo Triều Tiên, dần tiến tới một giải pháp hòa bình cho vấn đề hạt nhân của Triều Tiên.
Hai bên cũng thỏa thuận duy trì liên lạc và hợp tác song phương về vấn đề này, song song với nỗ lực thúc đẩy Triều Tiên tham gia những thỏa thuận "ý nghĩa."
Cuộc gặp diễn ra chỉ một ngày trước thềm cuộc đàm phán liên Triều đầu tiên sau 2 năm, dự kiến vào ngày 9/1 tới tại làng đình chiến Panmunjeom ở biên giới hai miền Triều Tiên để thảo luận về khả năng Bình Nhưỡng tham gia Thế vận hội (Olympic) mùa Đông PyeongChang, diễn ra từ ngày 9-25/2 tới.
Trước khi tiến hành đàm phán với Triều Tiên, Hàn Quốc đã thúc đẩy sự phối hợp ngoại giao với các nước đối tác nhằm tìm cách giải quyết bế tắc hiện nay trong vấn đề hạt nhân của Bình Nhưỡng.
Trước đó, ông Lee đã điện đàm với người đồng cấp Mỹ và Nhật Bản để chia sẻ thông tin về tình hình hiện nay trên Bán đảo Triều Tiên, và hội đàm trực tiếp với người đồng cấp Trung Quốc Khổng Huyễn Hựu về chương trình hạt nhân của Bình Nhưỡng.
Theo kế hoạch, ông Lee sẽ thăm Mỹ vào ngày 10/1 tới để thảo luận với người đồng cấp Mỹ Joseph Yun về kết quả cuộc đàm phán liên Triều ngày 9/1, cũng như các động thái tiếp theo.
Cùng ngày, Bộ trưởng Ngoại giao Hàn Quốc Kang Kyung-wha cũng bày tỏ hy vọng việc Bình Nhưỡng tham gia đàm phán vào ngày 9/1 sẽ là "chất xúc tác" cho tiến trình hòa giải liên Triều và tháo gỡ những bế tắc trong vấn đề hạt nhân.
Bà khẳng định chính phủ đang nghiên cứu các biện pháp cải thiện quan hệ liên Triều và cộng tác chặt chẽ với cộng đồng quốc tế nhằm tìm ra giải pháp phi hạt nhân hóa Bán đảo Triều Tiên.
Trong một diễn biến liên quan, Đại sứ Mỹ tại Liên hợp quốc Nikki Haley và Giám đốc Cơ quan Tình báo trung ương Mỹ (CIA) Mike Pompeo ngày 7/1 cho rằng lập trường cứng rắn của chính quyền Tổng thống Trump đối với Triều Tiên đang cho kết quả, giúp đưa Bình Nhưỡng trở lại bàn đàm phán.
Phát biểu trong chương trình "Tuần này" của hãng tin ABC, bà Nikki Haley, lưu ý rằng Mỹ sẽ chỉ xem xét khả năng đàm phán với Triều Tiên khi yêu cầu của chính quyền Tổng thống Trump về một Bán đảo Triều Tiên phi hạt nhân được đáp ứng. Trước đó, ngày 6/1, Tổng thống Trump cho biết ông "hoàn toàn sẵn sàng" cho điện đàm trực tiếp với nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un./.
Triều Tiên và Hàn Quốc sẽ chính thức đối thoại vào thứ ba tuần tới
Lần đầu tiên sau 2 năm, Hàn Quốc và Triều Tiên tổ chức các cuộc đối thoại cấp cao vào tuần tới để thảo luận ... |