Có người hẳn sẽ cự lại ý niệm trên, rằng: “Cái cây ở trong rừng có cần ai chăm sóc đâu mà nó vẫn cao lớn trưởng thành đấy thôi!”. Tôi thì vẫn cứ bảo vệ quan điểm của mình rằng yêu thương chính là một cái cây, nếu chúng ta đã từng gieo mầm hoặc chăm sóc một cái cây, chúng ta sẽ thấy sự vất vả, kì công và niềm vui lấp lánh của một người thợ làm vườn khi cái cây của mình chăm sóc đơm hoa kết trái như ý nguyện.
Nếu yêu thương là một cái cây thì lời yêu thương chính là cái bình tưới... |
Chẳng phải tự dưng mà cụ Hồ từng dạy: "Trẻ em như búp trên cành...". Vô tư, trong sáng, hồn nhiên, ngây thơ... là những nét tính cách ở những đứa trẻ, “nhân chi sơ tính bản thiện”, hạt giống mà những người mẹ ươm mầm ở trong bụng chín tháng mười ngày luôn luôn là một “hạt giống” thiện lương. Tụi trẻ lớn lên trở thành người tốt hay kẻ xấu, phụ thuộc nhiều vào những năm tháng đầu đời mà người lớn dạy dỗ. Phần lớn trên cuộc đời này, những đứa trẻ được sinh ra với tình yêu thương của cha, của mẹ. Vì vậy, chúng ta thường dạy con với tất cả tình mẫu tử, phụ tử lớn lao của mình.
Nếu yêu thương chính là cái cây, thì lời yêu thương chính là bình tưới, một cái cây mà chúng ta chăm sóc sẽ chẳng thể khỏe mạnh cứng cáp nếu ta không tưới nước hàng ngày. Vậy, bạn có hay nói lời yêu thương con mình?
Có rất nhiều ông bố, bà mẹ “ngại” nói ra lời yêu con mặc dù trong lòng thì ai cũng biết, tình yêu của những bậc làm cha làm mẹ với con mình chẳng mĩ từ nào có thể so sánh. Nhưng vì sao họ không nói, hoặc ít khi nói yêu con mình? Thường thì họ đưa ra lí do: “Khen nó hoài sợ nó hư” hoặc “nói vậy nghe không quen tai”... và vô vàn những lí do khác.
“Khen hoài sợ nó hư” là một ý niệm sai lầm căn bản trong việc giáo dục con trẻ. Xưa nay, chẳng phải chúng ta vẫn yêu thích sự công bằng trong mọi vấn đề ở xã hội này hay sao? Tốt khen - xấu chê, tốt thưởng - sai phạt, chẳng phải quy luật xã hội vẫn vận hành như thế? Vậy thì tại sao khi con bạn làm đúng, bạn lại không khen thưởng? Bạn cảm thấy thế nào khi bạn đi làm, năng lực của bạn rất cao nhưng chẳng ai công nhận, nhưng chỉ cần bạn làm sai một lần, lập tức sếp sẽ kỉ luật bạn? Chúng ta sẽ kêu gào vì điều đó là bất công, đúng không? Vậy thì, hãy công bằng với chính con của bạn trước khi đòi hỏi người khác phải cư xử công bằng với bạn.
Hôm trước, tôi có đọc một vụ tai nạn giao thông trên báo mạng. Người con trai độc nhất của một gia đình không may qua đời trong vụ tai nạn đó. Theo như báo viết thì cậu là một chàng thanh niên ngoan ngoãn và là niềm tự hào của cha mẹ, khi đưa cậu đi an táng, mẹ cậu đã khóc ngất lên ngất xuống và kêu gào thảm thiết, rằng bà yêu cậu hơn bất cứ thứ gì trên đời này, rằng bà xin lỗi, bà rất ân hận vì đã lâu bà không nói bà yêu cậu, bà tự hào về cậu dù cậu rất ngoan. Đọc những lời gan ruột của bà trong bài báo, hẳn là nhiều người sẽ rơi nước mắt chứ đừng nói đến những người có mặt trong đám tang ấy. Nhưng tôi thì không.
Bởi vì, lời yêu thương chỉ còn ý nghĩa khi tai chúng ta còn nghe được, tim chúng ta còn đập và ý thức của chúng ta cảm nhận được lời ấm áp ấy. Khi tim đã chẳng còn nhịp, khi tai đã chẳng còn nghe thấy, khi mắt đã nhắm nghiền và buông bỏ thế gian này thì lời yêu có chăng chỉ còn là nỗi ân hận, dày vò của người ở lại và một linh hồn luôn thiếu thốn yêu thương khi rời xa trần thế. Nói lời yêu khi ấy, phỏng có ích gì...
Chúng ta thường khóc vì quá đau đớn, và cả nỗi ân hận vì những lời yêu thương chưa kịp nói, hoặc "quên mất" là cần phải nói... |
Cũng trên một diễn đàn, một bà mẹ không may mất đi đứa con nhỏ của mình trong một tai nạn đuối nước thương tâm. Bà mẹ đã viết rằng: “ Vì thiên đàng đang thiếu mất một thiên thần nên Chúa đã gọi con về bên Chúa, chúng ta sẽ gặp lại, con yêu ạ! Mẹ đã không phải hối hận điều gì cả khi tạm rời xa con, vì khi chúng ta bên nhau, chúng ta đã rất hạnh phúc khi chúng ta nói yêu nhau mỗi ngày, tạm biệt thiên thần của mẹ...”.
Yêu thương là một cái cây, chắc hẳn một cái cây sẽ cứng cáp, trưởng thành nếu như ta chăm sóc, cắt tỉa, nuôi dưỡng chúng bằng tình yêu và sự tận tâm mỗi ngày. Cây nào rồi cũng lớn, thế nhưng việc chúng phát triển ra sao thì phần lớn phụ thuộc vào sự quan tâm, chăm sóc của người thợ làm vườn. Hãy sử dụng “bình tưới”: “Mẹ yêu con!” mỗi ngày, chắc chắn, bạn sẽ nhận được quả ngọt. Bởi vì, bất cứ điều gì trên cuộc đời này bạn muốn có được, thì việc đầu tiên là bạn phải biết cách cho đi...
Hãy nói: "Mẹ yêu con" mỗi ngày khi bạn còn có thể, bởi vì cuộc sống này vốn rất mong manh, biết đâu ngày mai bạn chẳng thể nói được những lời yêu với bất cứ ai và con bạn có thể chẳng bao giờ nghe được nữa...