Mỹ Tâm, Thanh Lam - Người 'tạo bão' bằng âm nhạc, người 'gây sốc' với phát ngôn nhạy cảm | |
Vũ Cát Tường: 'Tôi muốn nam lẫn nữ đều có thể yêu mình' |
“Cái lý” của Thanh Lam
Thanh Lam sinh ra trong một gia đình nghệ thuật, là một ca sĩ được đào tạo bài bản, được học về âm nhạc chính thống từ bé. Có lẽ chính nền tảng gia đình, nền tảng học vấn âm nhạc vững chắc đã khiến “người đàn bà hát” luôn có quan điểm rất rõ ràng, khắt khe, thậm chí cực đoan trong câu chuyện làm nghệ thuật. Quan điểm được nữ NSƯT đưa ra trong một cuộc phỏng vấn gần đây cũng là một quan điểm khe khắt như thế: “Không có ngành nghề nào không cần phải học cả. Vì khi không có trình độ thực sự thì không khai thác chiều sâu được, nó chỉ hớt váng được lúc đầu thôi”. Kinh nghiệm dạn dày của một giọng ca vài ba thập kỷ qua luôn đứng vững trên vị trí “pa số 1 của làng nhạc Việt” có lẽ là “tiền đề” để Thanh Lam có cho mình quan điểm ấy. Theo quan điểm của riêng Thanh Lam, muốn là nghệ sỹ giỏi thì trước hết phải học, phải trải qua quá trình rèn giũa. Đặc biệt, nghệ thuật theo cô là một chặng đường dài, mà ở đó sẽ không có chuyện "ăn xổi ở thì" như cách nhiều nghệ sĩ trẻ vẫn áp dụng như hiện nay.
Đáng chú ý, nổi tiếng là người bộc trực, cá tính, NSƯT Thanh Lam cũng là chủ nhân của không ít những phát ngôn thẳng thắn về nghề khiến dư luận và không ít đồng nghiệp “nóng mặt”. Năm 2010, khi Uyên Linh được coi là “hiện tượng” của âm nhạc Việt và có khả năng trở thành pa, Thanh Lam thẳng thắn nhìn nhận: “Uyên Linh theo tôi về mặt ca hát thì cũng bình thường thôi và tôi không thích lắm. Cô ấy không được đào tạo bài bản nên vẫn còn nhiều hạn chế như khi hát lên cao xuống thấp rất là kém. Với người được học hành thì không gian âm nhạc sẽ mở hơn nhiều”. Năm 2012, khi được hỏi về giám khảo The Voice, Thanh Lam đáp: “Đàm Vĩnh Hưng và Hồ Ngọc Hà dùng công nghệ rất nhiều. Tôi cũng ngạc nhiên và không thể tưởng tượng ra hai bạn ấy sẽ dạy bằng cái gì? Có bột mới gột nên hồ. Phải có trình độ mới dạy được”. Mới đây trước “lùm xùm” lời qua tiếng lại giữa Hương Tràm - Chi Pu, Thanh Lam không đắn đo lên tiếng: “Các bạn trẻ có điều kiện thì nên học. Không có ngành nào không cần học. Hát tay ngang thì dễ cạn. Làm gì cũng cần phải luyện tập”.
Phát ngôn của NSƯT Thanh Lam đã làm "dậy sóng" các diễn đàn với nhiều luồng ý kiến trái chiều. |
Khi sự “nhạy cảm” bị đẩy đi quá xa
Khi phóng viên Báo Gia đình & Xã hội đem câu chuyện ồn ào xung quanh phát ngôn “nóng” của Thanh Lam trao đổi với một số nhà nghiên cứu âm nhạc, nhạc sĩ, nghệ sĩ,... đa số đều nhận định rằng, nếu xét về tổng thể nội dung bài trả lời phỏng vấn thì những đánh giá của Thanh Lam khá ổn, đảm bảo được sự thẳng thắn nhưng vẫn đúng đắn, có chăng, sự “nhạy cảm” ở đây chính là yếu tố vùng miền. Báo Gia đình & Xã hội dẫn lời một nhà nghiên cứu âm nhạc (đề nghị không nêu tên) cho rằng: “Giả sử Thanh Lam thay cách diễn đạt “nhiều ca sĩ miền Nam” thành “nhiều ca sĩ” chung chung thì mọi chuyện sẽ là bình thường, chẳng đụng chạm đến ai, chẳng ai tự ái. Nhưng một khi đụng đến giới hạn vùng miền hay cá nhân nào đó thì câu chuyện sẽ khác. Việc tiếp nhận thông tin đương nhiên không còn phụ thuộc vào nội dung, mục đích của người nói ra mà chính ở cách nghe, cách hiểu”.
Tác giả Tuấn Chiêu, trong bài viết về sự việc này trên vietnamnet.vn cũng cho rằng: Xét về mặt ngữ cảnh trong buổi phỏng vấn, khi được đặt câu hỏi về sự phân biệt khoảng cách vùng miền trong âm nhạc, Thanh Lam đã nhìn nhận bằng góc độ cá nhân để từ đó chia sẻ về quan điểm của mình. Nữ pa cũng không đánh đồng tất cả các ca sỹ miền Nam đều không học hành. Cái cô muốn nhấn mạnh là sự lệ thuộc vào truyền thông, scandal của một bộ phận nghệ sỹ trẻ mà vô tình làm biến tướng nền nghệ thuật. Việc tập trung vào câu chữ trên tiêu đề bài báo, thiếu đi sự lưu tâm về quan điểm giải thích của Thanh Lam trong bài đã khiến sự việc bị đẩy đi quá xa.
Cũng bởi sự việc đi quá xa, nhiều nghệ sĩ đã quên mất cái dấu chấm hỏi của Thanh Lam trong câu chuyện “ca sĩ “chẳng học hành gì” vẫn có thể thành công”, cũng tạm quên “câu chốt” của Thanh Lam “chứ theo tôi không nên phân biệt vùng miền” để lên tiếng chứng minh cho cái gọi là “chả cứ cần học hát mới hát hay được” và “chả nên phân biệt Bắc Nam”. Ca sĩ Tuấn Hiệp chia sẻ: “Âm nhạc là môn năng khiếu, có những nghệ sĩ chẳng phải học gì nhưng cất tiếng hát đã đi vào lòng người rồi. Theo quan sát của tôi, ca sĩ phía Nam họ lao động, làm việc chuyên nghiệp hơn ngoài Bắc nhiều. Có lẽ môi trường ở đó tính cạnh tranh cao hơn. Ngoài Bắc, chỉ cần đoạt giải trong một cuộc thi hát chuyên nghiệp rất dễ để có thể sống khỏe đến cả đời”. Nhạc sĩ Phạm Phương cũng chia sẻ: “NSƯT Thanh Lam nói có lý, nhưng trong âm nhạc việc không học qua trường lớp chính quy hoàn toàn có thể được thừa nhận như một nghệ sĩ chuyên nghiệp. Điều đó phụ thuộc vào năng khiếu, lòng đam mê của người nghệ sĩ… Mỗi vùng miền có một đặc trưng riêng”.
Khi “Sự thật và hoa hồng đều có gai”
“Sự thật và hoa hồng đều có gai” (Truths and roses have thorns about them)- có lẽ câu danh ngôn của nhà văn, nhà thơ và triết gia người Mỹ Henry David Thoreau đúng trong câu chuyện tranh cãi này. Phát ngôn của một nghệ sĩ cá tính và nhiều bản năng như Thanh Lam có thể chưa chuẩn xác, mang tính đụng chạm nhưng rõ ràng nó chứa đựng một sự thật trong đó: đã có cái gọi là âm nhạc Việt thiếu chiều sâu, mang đậm tính chất “hớt váng”, chạy theo một bộ phận thị hiếu giải trí mang tính trào lưu nhất thời.
Cũng chính từ câu nói của Thanh Lam, dù thích hay không thích, người ta hoàn toàn không thể phủ nhận thực tế rằng âm nhạc Việt giờ đây đã tồn tại rất nhiều trường hợp ca sĩ trẻ không cần qua đào tạo chính quy, lơ mơ về nhạc lý, nhưng nhờ hỗ trợ từ những ông bầu giỏi vận dụng các chiêu trò truyền thông mà “một bước thành sao”. Tác giả Trương Công Lương trong một bài báo đã cho biết: Chưa có con số thống kê chính xác bao nhiêu phần trăm ca sĩ hoạt động chuyên nghiệp hiện nay có trình độ đại học. Nhưng theo những người trong giới, con số này chỉ là hàng chục trên tổng số hàng ngàn ca sĩ. Đây chính là lỗ hổng lớn nhất của đội ngũ ca sĩ Việt. Điều này cũng góp phần lý giải vì sao thị trường nhạc Việt xuống cấp về chất lượng nghệ thuật.
Những giọng ca thảm họa, những chiêu trò, những thị hiếu dễ dãi nhất thời lên ngôi… tất cả đã đẩy âm nhạc Việt vào thảm họa của những “giá trị ảo”.
Cũng chính bởi “Sự thật và hoa hồng đều có gai”, bởi câu nói của Thanh Lam không thể phủ nhận đã “gãi đúng chỗ ngứa” của thị trường âm nhạc Việt bấy lâu có phần dễ dãi, mà trong nhiều “phát ngôn nóng mặt” đáp trả lại ý kiến của “nữ hoàng nhạc nhẹ", sự bức xúc cũng có mà sự “té nước theo mưa”, suy diễn để “chụp mũ” cũng không phải là hiếm.
Và như vậy, nói như tác giả Long Phạm (Tri thức trẻ): Nỗi đau của Thanh Lam nhìn rộng ra là nỗi đau của toàn thể nhạc Việt, khi những ý kiến đóng góp đúng đắn lại bị hắt hủi. Dần dần, sẽ không còn ai dám lên tiếng nói thẳng, nói thật nữa. Trong khi nền âm nhạc của bạn bè láng giềng ngày một phát triển thì chỉ riêng nhạc Việt vẫn dậm chân tại chỗ. Chúng ta sẽ mãi ngủ quên trong những lời khen vô thưởng vô phạt.
“Đối với nghệ sĩ nào tôi đều muốn được chia sẻ mong chờ của khán giả ở chúng ta là chất lượng tác phẩm, muốn vậy thì dù hình thức hay phương pháp nào cũng phải nâng cao trình độ bản thân. Lúc đó chúng ta sẽ tạo ra sự cạnh tranh cũng như động lực lành mạnh cho sự phát triển của một nền âm nhạc”. Phát ngôn “không hề gây sốc” của Thanh Lam cho thấy rõ, đã đến lúc, hãy dẹp bỏ những tự ái nghệ sĩ, những “đưa đẩy câu chữ” mà cùng chung tay, vì một nền âm nhạc Việt “tốt cả gỗ” chứ không chỉ “tốt nước sơn”, trở về giá trị thực, phát triển lành mạnh.
Nhạc sĩ Phú Quang: Nếu người ta thích thì có nghĩa là bolero hay | |
Nhạc sĩ Trần Tiến: 'Lam rất tài năng nhưng tôi lại không thích nghe Lam hát' |