Vingroup đã chi bao nhiêu tiền mua lại Fivimart, Viễn Thông A, GM Việt Nam?

Năm 2018, doanh nghiệp của tỉ phú Phạm Nhật Vượng có hàng loạt thương vụ mua bán và sáp nhập đình đám trong lĩnh vực bán lẻ, dược phẩm, sản xuất điện thoại, ôtô với tổng giá trị hàng nghìn tỉ đồng.

Báo cáo tài chính hợp nhất sau kiểm toán năm 2018 do Tập đoàn Vingroup (mã chứng khoán: VIC) vừa công bố tiết lộ nhiều thương vụ mua bán và sáp nhập (M&A) quan trọng có giá trị hàng nghìn tỉ đồng mà tập đoàn thực hiện trong năm qua.

Năm 2018, ngoài các thương vụ về bất động sản, Vingroup còn gây chú ý khi thâu tóm một số doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực bán lẻ, ôtô, dược phẩm để sáp nhập vào các mảng kinh doanh chính của mình.

Tuy đình đám với các thương vụ M&A nhưng giá trị thực sự của nó vẫn chưa được tiết lộ ở thời điểm đó.

Chi 1.450 tỉ thâu tóm Fivimart và Viễn Thông A

Báo cáo tài chính hợp nhất sau kiểm toán của Vingroup tiết lộ, năm qua, doanh nghiệp chi khoảng 1.450 tỉ đồng để mở rộng mảng bán lẻ.

Vingroup đã chi bao nhiêu tiền mua lại Fivimart, Viễn Thông A, GM Việt Nam? - Ảnh 1.

Vingroup đã chi 39 tỉ đồng mua lại hệ thống bán lẻ điện thoại Viễn Thông A trong năm 2018.

Cụ thể, tập đoàn của tỉ phú Phạm Nhật Vượng đã chi 1.412 tỉ đồng để mua lại 100% cổ phần tại doanh nghiệp sở hữu hệ thống siêu thị Fivimart: Công ty CP Đầu tư Nhất Nam. Đây là công ty hoạt động trong lĩnh vực kinh doanh chuỗi siêu thị bán lẻ. Sau hợp nhất, Nhất Nam sáp nhập vào hệ thống công ty con Vincommerce của Vingroup.

Trong khi đó, phần còn lại của tổng số tiền chi cho thương vụ M&A về bán lẻ là thâu tóm chuỗi Viễn Thông A.

Cụ thể, Vingroup đã bỏ ra 39 tỉ đồng để mua lại 100% cổ phần tại doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực bán lẻ điện thoại di động, máy tính và các phụ kiện điện tử này. Sau thâu tóm, Viễn Thông A được sáp nhập vào hệ thống VinPro. Tuy nhiên, hiện trên thị trường, Viễn Thông A vẫn còn hoạt động dưới hình thức của công ty cũ mà chưa thay đổi hoàn toàn thành chuỗi VinPro.

Theo báo cáo tài chính của Vingroup, tổng tài sản của Fivimart đến lúc mua lại là hơn 765 tỉ đồng, còn Viễn Thông A là hơn 600 tỉ đồng.

Thâu tóm GM Việt Nam và Mundo Reader với giá trị gần 2.000 tỉ

Một thương vụ đáng chú ý của Vingroup trong năm 2018 là mua lại 100% cổ phần của General Motors Việt Nam (GM Việt Nam) với tổng giá trị gần 920 tỉ đồng. Theo thỏa thuận, VinFast tiếp quản toàn bộ hệ thống GM tại Hà Nội và đầu tư năng lực để sản xuất dòng xe ôtô cỡ nhỏ hoàn toàn mới được mua bản quyền từ GM.

Vingroup đã chi bao nhiêu tiền mua lại Fivimart, Viễn Thông A, GM Việt Nam? - Ảnh 2.

Vingroup mua lại 100% cổ phần của GM Việt Nam với giá 920 tỉ đồng.

Đồng thời, VinFast cũng tiếp nhận hệ thống đại lí ủy quyền hiện tại của thương hiệu Chevrolet và trở thành nhà phân phối độc quyền các sản phẩm và dịch vụ mang thương hiệu Chevrolet tại thị trường Việt Nam.

Ngoài GM Việt Nam, doanh nghiệp của tỉ phú Phạm Nhật Vượng chi khoảng hơn 900 tỉ đồng, để sở hữu 51% phần vốn góp của Mundo Reader - công ty chủ quản của BQ, một thương hiệu smartphone của Tây Ban Nha.

Bước đi này của Vingroup được đánh giá nhằm rút ngắn thời gian gia nhập lĩnh vực sản xuất điện thoại. Không lâu sau khi ra mắt tại Việt Nam, Vingroup đã đưa điện thoại Vsmart sang phân phối tại thị trường Tây Ban Nha.

Thâu tóm dược phẩm VinFA với giá gần 450 tỉ đồng

Ở lĩnh vực dược phẩm, đầu năm ngoái, Vingroup cũng đã chi hơn 443 tỉ đồng để sở hữu 96,4% cổ phần tại Công ty VinFA, chuyên về hoạt động nghiên cứu, sản xuất và kinh doanh dược phẩm. Tổng tài sản VinFA đến lúc Vingroup mua lại là 650 tỉ đồng.

Sau thâu tóm, đầu tháng 11/2018, hệ thống cửa hàng bán thuốc VinFA đã được tích hợp tại chuỗi các cửa hàng Vinmart+.

Báo cáo tài chính hợp nhất sau kiểm toán của Vingroup cũng ghi nhận doanh thu thuần năm 2018 của doanh nghiệp này đạt hơn 120.000 tỉ đồng, lợi nhuận trước thuế gần 14.000 tỉ đồng, tăng lần lượt 36% và 52% so với năm 2017.

chọn
Nơi quy hoạch tổ hợp nhà ở của HanoiHouse tại ngã tư Nguyễn Phong Sắc - Tô Hiệu
Tại góc ngã tư Nguyễn Phong Sắc - Tô Hiệu có một khu đất hơn 0,2 ha, được quy hoạch cho dự án nhà ở thấp tầng và cao tầng. Chủ cũ của dự án này trước đây là Indeco, sau nhiều năm chậm triển khai đã chuyển giao cho chủ mới là HanoiHouse.