Heo sạch miền Nam ế ẩm, tiểu thương tạm nghỉ, người chăn nuôi bán không được, giữ không xong

Dịch tả châu Phi dù chưa xuất hiện tại miền Nam nhưng do ảnh hưởng bởi tâm lí chung, người tiêu dùng vẫn ngại dùng thịt heo. Sức mua giảm khiến tiểu thương nghỉ dần, người chăn nuôi trong tình cảnh tiến thoái lưỡng nan.

Do hạn chế các món ăn liên quan thịt heo mà gần hai tuần nay, bà Ngọc Tân (ngụ quận 6, TP HCM), đều phải đau đầu nghĩ ra thực đơn hàng ngày cho gia đình. Theo bà Tân, dù biết dịch tả heo châu Phi không lây sang người nhưng với tâm lí chung nên các thành viên trong gia đình khá ngại dùng.

Do tâm lí ngại dùng thịt heo trong thời gian dịch tả đang diễn biến phức tạp tại miền Bắc, nên tình hình tiêu thụ lẫn chăn nuôi heo tại miền Nam đang hết sức khó khăn.

Sức mua giảm thê thảm khiến tiểu thương nghỉ bán

Đã 9h sáng, ngày 26/3 mà gần chục sạp thịt heo tại chợ Bà Chiểu (quận Bình Thạnh, TP HCM), vẫn còn ê hề. Tại các sạp, thịt đùi, thịt ba rọi, giò heo… của các tiểu thương vẫn còn nhiều trên thớt hoặc móc nhưng lại kém người mua.

Heo sạch miền Nam ế ẩm, tiểu thương tạm nghỉ, người chăn nuôi bán không được, giữ không xong - Ảnh 1.

Gần trưa nhưng quầy thịt heo của các tiểu thương vẫn còn ê hề. (Ảnh: Phúc Huy).

Một tiểu thương cho biết tình hình ế ẩm này đã kéo dài gần một tháng nay kể từ khi có thông tin về dịch tả heo châu Phi. Bà nói nếu như trước đây, chỉ cần hơn 8h sáng là hầu hết các sạp đều bán xong, dọn dẹp để về nhà bởi sức tiêu thụ rất tốt.

Tuy nhiên, với tình hình hiện tại, số lượng thịt mà bà lấy mỗi ngày ít hơn nhưng thời gian bán lại kéo dài, thậm chí đến trưa mới giải quyết hết.

"Lúc mới có tin dịch bệnh, lượng khách đã có dấu hiệu giảm. Khi đó, hầu hết tiểu thương chúng tôi đều đồng loạt giảm 5.000-10.000 đồng để kéo khách. Hiện là giảm lên đến gần 20.000 đồng mỗi kg nhưng lượng khách vẫn không thể nào kéo lên nỗi", bà Loan - một tiểu thương nói.

Bà cũng cho biết thêm, với sức mua giảm hơn một nửa, thậm chí đến 60-70% đã khiến một số tiểu thương chán nản, tạm thời nghỉ bán. Dẫn chứng về điều này, bà chỉ qua sạp thịt trống trơn kế bên. Bà Loan cho biết nếu tình hình này kéo dài phải tính toán cách khác bởi việc mua bán hiện rất thê thảm.

Heo sạch miền Nam ế ẩm, tiểu thương tạm nghỉ, người chăn nuôi bán không được, giữ không xong - Ảnh 2.

Thịt heo tại siêu thị dù có giá đắt hơn nhưng được người tiêu dùng lựa chọn vì an tâm nguồn gốc. (Ảnh: Phúc Huy).

Tương tự, bà Châu, một tiểu thương bán thịt heo tại chợ Bà Hom (quận Bình Tân) cũng đã tạm thời nghỉ vài ngày để xem tình hình thịt heo như thế nào trong những ngày tới.

Bà nói mỗi ngày lấy từ mối chỉ còn nửa tạ nhưng cũng không bán hết. Trong khi đó, các bà nội trợ lại yêu cầu về giấy tờ kiểm dịch dịch tả heo châu Phi.

Người chăn nuôi giữ không được, bán không xong

Không riêng các tiểu thương đang khóc ròng trước tình hình dịch tả heo châu Phi mà người chăn nuôi cũng đang mắc trong vòng vây bán không được, giữ lại cũng không xong.

Trao đổi với phóng viên ngày, ông Nguyễn Kim Đoán - Phó Chủ tịch Hiệp hội chăn nuôi tỉnh Đồng Nai, cho hay hiện tình hình chăn nuôi tại địa phương này đang rất khó khăn.

Heo sạch miền Nam ế ẩm, tiểu thương tạm nghỉ, người chăn nuôi bán không được, giữ không xong - Ảnh 3.

Hiện người chăn nuôi heo tại miền Nam cũng đang tiến thoái lưỡng nan. (Ảnh: Tuổi Trẻ).

Ông Đoán khẳng định dịch bệnh chưa lan vào các tỉnh miền Nam, và thịt heo từ Đồng Nai là heo sạch, heo không bệnh nhưng sức tiêu thụ lại rất thê thảm.

Cụ thể, hiện giá heo hơi tại đây đã xuống mức dưới 40.000 đồng/kg, một số hộ chỉ bán ra ở mức 35.000 đồng mỗi kg. Dù có giá thấp nhưng vẫn khó bán ra bởi sức tiêu thụ của thị trường đã giảm mạnh và không có dấu hiệu phục hồi.

"Người chăn nuôi đang trong tình trạng tiến thoái lưỡng nan trước cơn bão dịch tả heo châu Phi. Giá bán ra hiện rất thấp, trong khi đó, nếu nuôi mãi thì không đủ tiền mua cám, thức ăn", ông Đoán nói.

Theo ông Đoán, nguyên nhân chủ yếu là do tâm lí ngại dùng thịt heo dù dịch tả không lây sang người. Trong đó, không ít trường hợp hoang mang trước thông tin heo bệnh.

Hiện Đồng Nai được xem là thủ phủ heo của miền Nam với tổng đàn lên đến 2,5 triệu con.

Theo ông Đoán, sau đợt giá heo giảm mạnh vào năm ngoái, rất khó khăn mới có thể tăng trở lại. Ông nói nếu không có biện pháp phù hợp, rất có thể thị trường thịt heo trong nước sẽ "bị sập" sau đợt dịch bệnh này.

Phó Chủ tịch Hiệp hội chăn nuôi tỉnh Đồng Nai kiến nghị cơ quan chức năng phải minh bạch thông tin hỗ trợ những hộ có heo bị dịch tả châu Phi. Minh bạch về chi phí lẫn công tác hỗ trợ như xử lí tiêu hủy.

Theo ông, có như vậy mới nhận được sự đồng thuận của các hộ chăn nuôi để không xảy ra tình trạng bán chui heo, vứt heo bệnh ra môi trường hay thậm chí bán heo chết cho các cơ sở làm heo quay.

Ngày 21/3, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đã ban hành quyết định thành lập Ban chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch tả heo châu Phi trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh.

Theo Cục Thú y, tính đến hết ngày 25/3, dịch tả heo châu Phi đã xảy ra tại 447 xã, 84 huyện của 21 tỉnh, thành phố với tổng số heo bệnh và tiêu hủy là 64.879 con.

Các tỉnh có dịch tả heo châu Phi gồm: Hưng Yên, Thái Bình, Hải Phòng, Thanh Hóa, Hà Nội, Hải Dương, Hà Nam, Hòa Bình, Điện Biên, Thái Nguyên, Quảng Ninh, Ninh Bình, Nam Định, Lạng Sơn, Bắc Kạn, Sơn La, Nghệ An, Bắc Ninh, Thừa Thiên - Huế, Lai Châu và Bắc Giang. Nơi phát hiện ổ dịch đầu tiên là tỉnh Hưng Yên.


chọn
Những ông lớn địa ốc hiện diện tại 'Đất Tổ' Phú Thọ
Vài năm trở lại đây, Phú Thọ liên tục đón các doanh nghiệp lớn ngành bất động sản như GP Invest, T&T hay BV Land... Hiện nay, Ecopark và Tasco cũng đang hướng đến dự án bất động sản đầu tiên tại địa phương này.