Hình ảnh các 'tiếp thị sữa' quay được có phải là căn cứ xử phạt người vi phạm?

Theo luật sư, đến nay vẫn không có qui định nào về việc sử dụng hình ảnh, thiết bị ghi âm,… của công dân để làm chứng cứ xử phạt vi phạm hành chính.

Những ngày gần đây, mạng xã hội lan truyền đoạn video dài khoảng 13 phút với hình ảnh một nhóm thanh niên ở TP HCM "rình" bắt một người được cho là có hành vi quay phim người vi phạm giao thông để cung cấp cho các tổ cảnh sát giao thông (CSGT) trên quốc lộ 51, tỉnh Đồng Nai. Người ghi hình được nhóm thanh niên gọi là "tiếp thị sữa"

Trong clip, "tiếp thị sữa" ú ớ khi được nhóm thanh niên từ TP HCM hỏi "Ông có phải CSGT không mà quay". Bị giữ máy, đề nghị làm rõ mục đích quay phim, "tiếp thị sữa" tự nhận là người trong tổ CSGT, bảo sẽ gọi cho cấp trên.

Thế nhưng, không có "cấp trên" nào xuất hiện sau cuộc gọi mà chỉ có một nhóm thanh niên đi xe máy bịt khẩu trang đến hiện trường. Nhóm này phản ứng và quay phim lại nhóm người rình bắt.

Nhóm thanh niên nghi rằng nhóm người quay phim là "tiếp thị sữa". Họ nghi ngại CSGT dùng người ngoài ngành và tổ chức ghi hình gài bẫy các xe vi phạm trên đường  Tuy nhiên, một lãnh đạo Phòng Cảnh sát giao thông đường bộ, đường sắt Công an tỉnh Đồng Nai cho biết không có ai trong lực lượng CSGT ở trong clip được phát tán.

Hình ảnh các tiếp thị sữa quay được có phải là căn cứ xử phạt người vi phạm? - Ảnh 1.

Nhóm thanh niên hỏi người mặc thường phục (đội nón) quay phim có phải cảnh sát giao thông thì người này cho rằng nằm trong tổ công tác. Ảnh: Cắt từ Clip

Vấn đề đặt ra là hình ảnh mà "nhóm tiếp thị sữa" đã thu thập có hay không được sử dụng làm chứng cứ để xử phạt người vi phạm giao thông?

Theo luật sư Trần Minh Hùng (Đoàn Luật sư TP HCM), Điều 79 Nghị định 46/2016/NĐ-CP đã qui định về xử phạt Vi phạm hành chính trong lĩnh vực giai thông đường bộ và đường sắt.

Cụ thể: "Sử dụng kết quả thu được từ phương tiện, thiết bị kĩ thuật nghiệp vụ do các tổ chức được giao quản lí, khai thác, bảo trì kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ, đường sắt cung cấp làm căn cứ để xác định vi phạm hành chính và xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt.

Người có thẩm quyền xử phạt quy định tại Điều 71, Điều 72 và Điều 73 của Nghị định này được sử dụng kết quả thu được từ thiết bị cần kiểm tra tải trọng xe cơ giới, máy đo tốc độ có ghi hình ảnh, thiết bị ghi âm và ghi hình, thiết bị đo tải trọng trục bánh toa xe do các tổ chức được giao quản lí, khai thác, bảo trì kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ, đường sắt cung cấp làm căn cứ để xác định vi phạm hành chính và xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt".

Như vậy, theo qui định của Nghị định 46/2016/CP người có thẩm quyền xử phạt được quyền sử dụng chứng cứ do các tổ chức quản lí, khai thác, bảo trì kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ, đường sắt cung cấp làm căn cứ để xác định vi phạm hành chính và xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt. 

"Ngoài ra, không có qui định nào về việc sử dụng hình ảnh, thiết bị ghi âm,… của công dân để làm chứng cứ xử phạt vi phạm hành chính", luật sư Hùng nhấn mạnh.

chọn
Hà Nam: Hai doanh nghiệp bắt tay làm khu công nghiệp 2.600 tỷ trên đường nối Vành đai 4 - Vành đai 5
KCN Thanh Bình II giai đoạn 1 có tổng vốn gần 2.700 tỷ, chủ đầu tư là Công ty TNHH Đầu tư Phát triển Hạ tầng Khu công nghiệp Thanh Bình. Đây là doanh nghiệp được góp vốn bởi GMG Việt Nam và Việt Phát.