Hộ chăn nuôi không còn lợn bán

Thay vì xuất bán lợn, ông Phạm Văn Thịnh (55 tuổi, ở Hà Nam) mua đàn lợn tầm 90 kg mỗi con về vỗ béo, hi vọng gỡ gạc chút đỉnh sau vụ dịch.

Trưa 27/12, vừa buông bát cơm trưa, ông Phạm Văn Thịnh (55 tuổi, ở xã Ngọc Lũ, Bình Lục, Hà Nam) vội vã ra chuồng lợn. Khu chuồng rộng hơn 1.000 m2, từng nuôi 700 con lợn, nay chỉ còn 3 ô với 30 con, cân nặng đều trên 90 kg. Số lợn giống này được nhập nuôi năm ngày trước với giá 92.000 đồng một kg, bằng giá lợn hơi bán cho lò mổ.

30 con lợn giống tổng cộng 250 triệu đồng cũng là những đồng vốn cuối cùng ông Thịnh gom lại từ tiền hỗ trợ thiệt hại dịch tả châu Phi và tiền vay mượn họ hàng. Xã Ngọc Lũ vẫn nằm trong vùng có dịch và ông Thịnh coi việc nuôi lứa lợn này là "chơi tất tay cho canh bạc cuối".

Hơn 20 năm gắn bó với nghề chăn nuôi lợn, ông Thịnh từng đứng vững trong cơn "bão giá" năm 2016-2017, dịch tai xanh, nở mồm long móng năm 2018. Nhưng dịch tả lợn châu Phi đã "hạ gục" ông.

Ngày cuối tháng 5/2019, lợn bắt đầu bỏ ăn, tai tím tái chết dần. Kết quả xét nghiệm dương tính, gia trại của ông là nơi đầu tiên phát hiện virus tả lợn châu Phi trong xã, 260 con lợn thịt bị tiêu hủy. Cơ quan thú y, chính quyền xã khuyến cáo ông không tái đàn và đề nghị kí cam kết tự chịu thiệt hại.

Hộ chăn nuôi không còn lợn bán - Ảnh 1.

Ông Phạm Văn Thịnh (55 tuổi, Ngọc Lũ, Bình Lục, Hà Nam) theo dõi sức khỏe của đàn lợn. (Ảnh: Tất Định).

"Nuôi được thêm ngày nào biết ngày đó, lơ là một chút, cả chục triệu đi tong. Nếu lợn khỏe mạnh, giữ giá thế này, may chăng gỡ gạc được ít vốn", ông Thịnh nói, nhẩm tính nếu vỗ béo lợn lên 120 kg rồi xuất chuồng, mất một tháng, trừ tiền cám có khả năng thu về hơn 50 triệu đồng. Cả ngày lẫn đêm, cứ chốc chốc ông lại ra chuồng ngó lợn, "thấy con nào bỏ ăn phải gọi lái buôn xuất ngay".

Ở xã Ngọc Lũ, không nhiều người dám liều như ông Thịnh. Trước đợt dịch tả châu Phi, xã có hơn 400 hộ nuôi với hơn 45.000 đầu lợn, nay chỉ còn gần 40 hộ nuôi theo hình thức vỗ béo lợn thịt. Ở nơi từng được mệnh danh "thủ phủ lợn miền Bắc" lúc cao điểm cuối năm 2017 có 1.600 hộ nuôi, nay chỉ còn những dãy chuồng rộng thênh thang phủ trắng vôi bột. Nhiều hộ đã phá chuồng trại để trồng cây hoặc sửa lại để nuôi gà vịt.

Ở ngã tư chợ Thượng, xã Ngọc Lũ mới có thêm 6 người phụ nữ ngồi bán hoa quả, đồ nhựa gia dụng, hàng xén. Họ từng là những "đại gia chân đất" sở hữu đàn lợn vài nghìn con nhưng rồi bão giá, dịch bệnh liên tiếp đã vắt kiệt hết vốn.

Sạp hàng hoa quả của chị Nguyễn Thị Nhung mới đóng bằng những thanh sắt phá từ khu chuồng nuôi từng nuôi 1.000 con lợn. Đợt dịch tả châu Phi, gia đình chị thiệt hại gần 1,5 tỷ đồng, mới nhận được một phần hỗ trợ, phải dành trả nợ.

Chị Nhung chưa bao giờ nghĩ đến việc vĩnh viễn bỏ nghề nuôi lợn, nhưng "không biết lấy tiền đâu" để làm vốn tái sản xuất. Vợ chồng chị đang ôm khoản nợ gần 2 tỷ đồng. "Khi phải bán lợn rẻ, người ta gọi là bị lỗ vốn thôi. Nhà tớ bây giờ là phá sản", chị Nhung nói.

Nói về kế hoạch khôi phục đàn lợn sau dịch, Chủ tịch xã Ngọc Lũ, ông Trần Đình Thiện thở dài: "Cái danh hiệu thủ phủ lợn miền Bắc kia có khi phải nhường cho nơi khác. Nuôi lợn quá nhiều rủi ro, chúng tôi đang khuyến khích bà con trước mắt nuôi gia cầm, lâu dài chuyển đổi sang nghề khác".

Thống kê của UBND huyện Bình Lục cuối tháng 12 cho thấy, tổng đàn lợn của huyện từ 147.000 đã giảm xuống 1/3, chỉ còn 58.000 con sau dịch. Trong đó, lợn thịt từ 133.000 giảm xuống còn 53.000 con.

Hà Nội, địa phương có đàn lợn lớn thứ hai cả nước (sau Đồng Nai) với hơn một triệu con cũng thiệt hại nặng nề do dịch tả lợn châu Phi, với 540.000 con tiêu hủy và hiện khoảng 50 xã có dịch. Toàn thành phố hiện còn 850.000 con lợn thương phẩm. Trong đó, lợn của các công ty là 650.000 con, số lợn của người dân còn khoảng 205.000.

Theo Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội Chu Phú Mỹ, mỗi ngày nguồn cung thịt lợn của thành phố Hà Nôi ra thị trường 350 tấn, so với nhu cầu hiện nay thiếu khoảng 5%. Ngày giáp Tết Nguyên đán dự báo nhu cầu tăng cao hơn nên khả năng thiếu khoảng 15% lượng thịt lợn.

Tại Đồng Nai, ông Nguyễn Trí Công, Chủ tịch Hiệp hội chăn nuôi Đồng Nai, cho biết ngay trang trại của gia đình ông lợn cũng không có nhiều. Các trại chăn nuôi đa phần phải xuất chuồng lợn nhỏ, tầm 60-80 kg một con. Bác bỏ thông tin người nuôi giữ lợn chờ giá cao, ông Công nói: "Nếu găm hàng, tại sao họ không để lợn đủ trọng lượng 100-120 kg mới xuất chuồng".

Theo ông Công, dịch tả lợn châu Phi lan rộng, nếu người nuôi găm hàng giữ giá rất nguy hiểm. Trong chăn nuôi, đàn càng đông thì nguy cơ mất an toàn sinh học càng cao, dịch tả lợn châu Phi dễ bùng phát, lúc đó lợi bất cập hại. Bằng chứng là giá đang hấp dẫn nhưng người nuôi vẫn chưa dám tái đàn.

Lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Đồng Nai thông tin, năm ngoái tổng đàn lợn xuất chuồng tại tỉnh này đạt 2,4 triệu con, nhưng năm nay vì dịch tả lượng lợn chỉ còn khoảng 1,3 triệu con, giảm 46%.

Hộ chăn nuôi không còn lợn bán - Ảnh 2.

Diễn biến giá lợn hơi năm 2019. (Đồ họa: Tiến Thành).

Tại TP HCM, lãnh đạo một doanh nghiệp chăn nuôi và kinh doanh lợn cho biết, thực tế nguồn cung lợn ra đang ngày càng ít đi. Ngay tại doanh nghiệp ông, trước đây liên kết với hộ nuôi để cung ứng ra thị trường thì lượng lợn ở các hộ nuôi này năm nay giảm mạnh, nhiều nơi "vét" không ra lợn. Do đó, doanh nghiệp buộc phải mua lợn từ các doanh nghiệp lớn. Tuy nhiên, vì giá lên cao nên doanh nghiệp cũng chỉ mua cầm chừng để tồn tại.

Lãnh đạo Công ty Việt Nam Kĩ nghệ Súc sản (Vissan) cho rằng nguồn lợn trong dân đang thiếu hụt thực sự. Nhiều trang trại nuôi lợn bị tác động bởi dịch, phải tiêu hủy số lượng lớn, nguồn hàng ngày càng giảm. Trong khi đó, muốn có hàng bán, doanh nghiệp phải trả giá cao và có nguy cơ thua lỗ.

"Hiện, mỗi ngày trang trại nuôi của Vissan cung cấp ra thị trường khoảng 110 con lợn thịt. Tuy nhiên, nhu cầu cung ứng lên tới 1.200-1.300 con. Do đó, công ty vẫn phải mua từ các doanh nghiệp đối tác với giá cao", lãnh đạo Vissan nói.

Là đầu mối lớn trên thị trường, đại diện công ty C.P Việt Nam cho biết, mỗi ngày công ty cung ứng ra thị trường 13.000-16.000 con lợn thịt trên cả nước, nhưng chỉ đáp ứng được một phần nhu cầu thị trường. Đến nay, tổng đàn lợn thịt của doanh nghiệp này vào khoảng 300.000 con.

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, tổng số lợn tiêu hủy do bệnh dịch tả lợn châu Phi gần 6 triệu con với tổng trọng lượng 343.000 tấn, chiếm khoảng 9% tổng trọng lượng lợn của cả nước. Sản lượng thịt lợn cả năm 2019, giảm 13,5% so với năm 2018.

Tại cuộc họp Tổ điều hành thị trường trong nước ngày 26/12, Thứ trưởng Công thương Đỗ Thắng Hải cho biết, nguồn cung thịt lợn đến Tết Nguyên đán 2020 sẽ thiếu khoảng 200.000 tấn, khiến giá mặt hàng này tăng cao. Phó thủ tướng Vương Đình Huệ đã giao Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với doanh nghiệp nhập khẩu khoảng 100.000 tấn thịt lợn.


chọn
Hà Nam: Hai doanh nghiệp bắt tay làm khu công nghiệp 2.600 tỷ trên đường nối Vành đai 4 - Vành đai 5
KCN Thanh Bình II giai đoạn 1 có tổng vốn gần 2.700 tỷ, chủ đầu tư là Công ty TNHH Đầu tư Phát triển Hạ tầng Khu công nghiệp Thanh Bình. Đây là doanh nghiệp được góp vốn bởi GMG Việt Nam và Việt Phát.