Hoạ sĩ Lê Thiết Cương - Ảnh: NVCC |
Vì có điều kiện kinh tế, Lưu Công Nhân mới có khả năng mời mẫu vẽ khỏa thân. Nhiều người cứ nghĩ thời đó khó tìm mẫu vẽ, thực tế không đúng như vậy. Cứ nhìn các bức vẽ có chữ ký của Lưu Công Nhân từ năm 1960 đến 1980 sẽ hiểu. Họa sĩ Lê Thiết Cương |
Báo chí đã trò chuyện với họa sĩ Lê Thiết Cương, giám tuyển tranh cho triển lãm Nét của họa sĩ Lưu Công Nhân đang diễn ra tại Hà Nội.
- Nghe nói anh đã có lời hứa tổ chức triển lãm cho họa sĩ Lưu Công Nhân từ 10 năm trước?
Năm 2006 bác Lưu Công Nhân có nhờ tôi tổ chức một triển lãm tại Hà Nội để "chia tay bạn bè". Cho đến giờ tôi mới biết thời điểm đó bác muốn làm triển lãm vì biết mình không sống được lâu nữa.
Bác có nói sẽ bảo con trai mua một chiếc xe hơi, có giường nằm, toilet, để đi đến đâu nghỉ tới đó, ra tới Hà Nội sẽ triển lãm tại nhà tôi. Mọi thứ đã chuẩn bị hết rồi. Nhưng sau đó bác yếu dần và tới năm 2007 thì qua đời.
- Được biết ban đầu anh định làm triển lãm tranh nude của Lưu Công Nhân, nhưng phút cuối lại là triển lãm gồm cả tranh phong cảnh, chân dung, tĩnh vật và nude. Vì sao vậy?
Nhiều họa sĩ cùng học khóa kháng chiến với bác Lưu Công Nhân có vẽ khỏa thân nhưng với họ đó không phải mảng đề tài chính. Còn với Lưu Công Nhân, khỏa thân là mảng đề tài chính.
Khi tôi thực hiện triển lãm Nét tại VCCA, lại là chuyện giấy phép. Nay đã là năm 2017, nhưng các cơ quan cấp phép vẫn chưa thoải mái với đề tài khỏa thân, cái gì "phiền hà" là họ không thích.
Việc triển lãm tranh hay điêu khắc, gốm về đề tài nude hiện nay, cơ quan quản lý vẫn vịn vào chữ rất mơ hồ là "thuần phong mỹ tục" để không cấp phép. Nhiều triển lãm tranh nude vẫn diễn ra được là triển lãm "lậu".
Tôi nghĩ chưa chắc nhà nước đã muốn cấm triển lãm các tác phẩm nghệ thuật theo đề tài nude, mà do những người làm trong các cơ quan có chức năng cấp phép chỉ muốn an toàn nên họ không cấp phép mà thôi.Triển lãm Nét của họa sĩ Lưu Công Nhân diễn ra tại Trung tâm Nghệ thuật Đương đại Vincom (VCCA) từ 25/8 đến 24/9/2017 tại VCCA, B1-R3 Vincom Royal City, Nguyễn Trãi, Hà Nội. Họa sĩ Lê Thiết Cương |
Triển lãm gồm 57 bức tranh được giám tuyển Lê Thiết Cương tuyển chọn.
Vào 10h30 ngày 16/9 sẽ diễn ra buổi Tọa đàm nghệ thuật: Nude trong mỹ thuật Việt Nam, với diễn giả là họa sĩ Lê Thiết Cương.
- Làm cách nào để những bức tranh nude của họa sĩ Lưu Công Nhân được xuất hiện trong triển lãm lần này?
- Đây là triển lãm có giấy phép của Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm. Trong tổng số 57 bức được trưng bày chỉ có 10 bức tranh nude, số lượng ít thôi.
Ngoài ra, Lưu Công Nhân là một tên tuổi lớn. Chứ bây giờ nếu triển lãm tranh nude của con trai bác Lưu Công Nhân thì chưa chắc đã được làm.
- Hình thức thể hiện tranh nude của Lưu Công Nhân rất tiết chế, mang đậm phong cách Á đông. Liệu phong cách vẽ này có bị chi phối bởi sự kiểm duyệt đề tài vào thời ông sống?
Nếu vẽ phong cảnh, tĩnh vật, hay đơn cử chân dung một anh công nhân mà họa sĩ đi theo bút pháp hiện thực, cực thực hay siêu thực thì chả sao cả.
Nhưng nếu vẽ đề tài khỏa thân mà vẽ bằng 3 phương pháp nói trên thì "hệ lụy" thấy rõ.
Mỗi phương pháp sáng tác có một đặc điểm. Đã là hiện thực thì phải tôn trọng hiện thực. Sau hiện thực là siêu thực, tức là phải có những cái phi lý, vô lý thì mới là siêu thực.
Gần đây họa sĩ ở châu Á, nhất là Trung Quốc, Đài Loan, Hong Kong hay họa sĩ gốc Hoa ở Malaysia, Singapore rất thích vẽ cường thực, tranh còn thực hơn cả ảnh.
Với một tấm ảnh chụp một chiếc mặt bàn có bật lửa và chai bia, chưa chắc bạn đã nhìn thấy cái kim rơi bên cạnh. Nhưng tranh cực thực thì bạn sẽ nhìn thấy cả cái kim.
Lưu Công Nhân không vẽ bằng 3 phương pháp đó. Tư duy tạo hình của ông là không vẽ trừu tượng. Ông không buông hình và cũng không theo hình. Cách thức này cực kỳ phù hợp cho tranh khỏa thân. Tranh khỏa thân mà ông vẽ, chỉ gợi bằng vài ba nét chứ không định tả hình. Họa sĩ Lê Thiết Cương |
Hoạ sĩ - giám tuyển Lê Thiết Cương - Ảnh: NVCC |
- Không biết thời kỳ sáng tác tranh khỏa thân "chui" đó, Lưu Công Nhân đã gặp những khó khăn gì không nhỉ?
Sau dăm năm đầu tiên khi ra trường, Lưu Công Nhân bắt đầu vẽ bằng phương pháp hiện thực, tập trung vào đề tài công nông binh.
Ví dụ như buổi cày sớm, những cô gái nông trường, bình dân học vụ. Đến giai đoạn 2, tôi gọi tạm hiện thực và lãng mạn, ông bắt đầu mới vẽ tranh khỏa thân.
Vợ của Lưu Công Nhân làm ở công ty dược rất lớn, bà thường được đi sang các nước xã hội chủ nghĩa và mỗi chuyến công tác bà lại mua cho ông màu vẽ.
Riêng hội họa sơn dầu, thời trước đổi mới (1986) đến năm 1996, họa sĩ rất khó kiếm họa phẩm tại Việt Nam.
Ngoài ra vì có điều kiện kinh tế, ông mới có khả năng mời mẫu vẽ khỏa thân. Nhiều người cứ nghĩ thời đó khó tìm mẫu vẽ, thực tế không đúng như vậy. Cứ nhìn các bức vẽ có chữ ký của Lưu Công Nhân từ năm 1960 đến 1980 sẽ hiểu.
Điểm mạnh của Lưu Công Nhân chính là nét vẽ rất tài. Chỉ vài nét chấm phá, lúc thì liền, lúc thì nét đứt, lúc nét mảnh. Lúc chấm đẫm, lúc cho thêm tí nước làm nhòe. Lúc dùng bút nhỏ chấm vào tạo nét xơ, thanh mảnh. Đó là cái đẹp, người ta phải cực giỏi cơ bản, cực đúng hình rồi mới buông hình được. Họa sĩ Lê Thiết Cương |
- Giá trị của tranh Lưu Công Nhân trên thị trường hiện nay thế nào thưa anh?
Thị trường mỹ thuật Việt Nam hiện nay có 2 kiểu người mua tranh. Một kiểu mua để chờ thời cơ bán với giá cao. Một kiểu mua để sưu tập. Tôi nghĩ cả hai kiểu khách mua tranh này đều đáng được quan tâm vì họ thúc đẩy thị trường nghệ thuật.
Hiện giờ có không quá 20 người ở Việt Nam đang làm công việc này. Họ sẽ tập trung mua tranh của của họa sĩ thế hệ Đông Dương, và mua tranh của những nghệ sĩ đã mất như Lưu Công Nhân.
- Đây có phải triển lãm đầu tiên của Lưu Công Nhân tại Hà Nội không?
Nói chính xác thì đây là triển lãm chính thức đầu tiên của Lưu Công Nhân tại Hà Nội. Còn trước đó họa sĩ đã có triển lãm tại nước ngoài, triển lãm nhóm ở Sài Gòn, Đà Lạt.
Bác từng có triển lãm Cọ ở Hà Nội tại 29 Hàng Bài nhưng không phải triển lãm chính thức.
Bộ sưu tập tranh Lưu Công Nhân lần này phần lớn được tuyển chọn từ bộ sưu tập của anh Nguyễn Phúc Hưởng. Tôi thích anh ấy ở điểm là anh chuyên sưu tập tranh của Lưu Công Nhân, chỉ sưu tập, không bán, và chỉ mua trực tiếp tranh từ gia đình họa sĩ.