HoREA kiến nghị gỡ vướng cho 32 dự án của 21 doanh nghiệp như Novaland, Him Lam, Phú Long...

Hiệp hội Bất động sản TP HCM (HoREA) vừa có báo cáo gửi Thủ tướng Chính phủ và UBND TP HCM về 32 dự án của 21 doanh nghiệp bất động sản đang gặp vướng mắc chưa được giải quyết trên địa bàn thành phố.

Novaland là doanh nghiệp có nhiều dự án cần được giải quyết vướng mắc nhất. Cụ thể, Novaland hiện có 10 trong tổng số 14 dự án gặp vướng mắc trước đây chưa được giải quyết.

Đầu tiên là dự án Khu chung cư Cô Giang tại số 100 Cô Giang, phường Cô Giang, quận 1 đã được UBND TP HCM giao đất, Sở Xây dựng cấp phép xây dựng. Dự án Trung tâm thương mại, văn phòng, officetel và căn hộ tại số 151-155 Bến Vân Đồn, phường 6, quận 4 đã được UBND TP và Sở Tài nguyên và Môi trường duyệt giá tiền sử dụng đất của dự án.

7 dự án khác của Novaland tại quận Phú Nhuận hiện đang được các ban, ngành TP xem xét giải quyết.

HoREA đề nghị UBND TP HCM và các cơ quan có thẩm quyền sớm giải quyết vướng mắc của các dự án trên nhằm thực hiện tốt chương trình chỉnh trang và phát triển đô thị của thành phố.

32 dự án tại TP HCM của 21 doanh nghiệp BĐS được HoREA kiến nghị gỡ vướng - Ảnh 1.

Ngoài 61 dự án được Sở Xây dựng chuyển sang Sở Kế hoạch Đầu tư, góp ý để thực hiện thủ tục Quyết định chủ trương đầu tư trong năm 2020, vẫn còn 32 dự án khác trên địa bàn TP HCM của 21 doanh nghiệp BĐS được HoREA đề nghị UBND TP HCM tháo gỡ những vướng mắc còn tồn tại. (Ảnh minh họa: Batdongsan.com.vn).

Ngoài ra, một số doanh nghiệp như Công ty TNHH Thương mại Xây dựng Lê Thành hiện có hai dự án nhà ở xã hội đang gặp vướng mắc nhiều năm chưa được tháo gỡ gồm dự án nhà ở cho thuê Lê Thành An Lạc tại quận Bình Tân và dự án nhà ở xã hội Lê Thành Tân Kiên tại huyện Bình Chánh.

Hai dự án này đang gặp vướng mắc về quyết định miễn tiền sử dụng đất và thời hạn sử dụng đất; cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; doanh nghiệp không vay được tiền do không thế chấp được dự án cũng như các chính sách về thuế và chưa được cấp quyết định chủ trương đầu tư của Sở Kế hoạch và Đầu tư.

CTCP Địa ốc Sài Gòn và CTCP Xây dựng và Thương mại Sài Gòn 9 đều có hai dự án đang gặp khó khăn về việc chậm tính tiền đất dự án hoặc vẫn chưa được thực hiện thủ tục hợp thửa đất; chưa được nộp tiền sử dụng đất theo giá thị trường để được cấp Giấy chứng nhận đối với phần diện tích đất.

Các doanh nghiệp bất động sản khác như CTCP Đầu tư Kinh doanh Địa ốc Him Lam, CTCP Địa ốc Phú Long, CTCP Thế kỷ 21, CTCP Kinh doanh và Phát triển nhà Bình Dân, Công ty Xây dựng Địa ốc Xanh,...  đều có một dự án đang gặp khó khăn, vướng mắc về thủ tục hành chính, đề nghị được UBND TP HCM xem xét tháo gỡ.

Ngoài ra, UBND TP HCM cũng ra công văn chỉ đạo các sở ngành phối hợp giải quyết hồ sơ pháp lý 61 dự án bất động sản do Sở Xây dựng chuyển sang trước ngày 15/4/2021. Sở Xây dựng có trách nhiệm cung cấp thông tin đầy đủ cho Sở Kế hoạch và đầu tư thực hiện.

Trước đó vào ngày 27/2, Chủ tịch UBND TP đã có buổi gặp gỡ với đại diện doanh nghiệp bất động sản.

Tại buổi gặp gỡ này, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch HoREA, đề xuất giải quyết nhanh 61 dự án được Sở Xây dựng chuyển sang Sở Kế hoạch và Đầu tư, góp ý để thực hiện thủ tục Quyết định chủ trương đầu tư.

Trong số 61 dự án này, có 56 hồ sơ thuộc trách nhiệm xem xét giải quyết của Sở Xây dựng. Trong đó, 17 dự án đã trình Báo cáo thẩm định lên UBND TP để ban hành Quyết định chủ trương đầu tư; 18 dự án chưa nhận đủ ý kiến của các sở, ngành; 20 dự án đã yêu cầu nhà đầu tư bổ sung nhưng chưa nhận được hồ sơ bổ sung và một dự án được nhà đầu tư rút lại hồ sơ.


chọn
Địa phương được dự báo là 'thủ phủ công nghiệp' mới ở phía nam vừa hút hơn 1,5 tỷ USD vốn ngoại sau một quý
Quý I/2024, Bà Rịa - Vũng Tàu đã thu hút 13 dự án FDI với tổng vốn đầu thu thu hút hơn 1,56 tỷ USD và 10 dự án trong nước với tổng đầu tư thu hút gần 25.000 tỷ đồng.