Indonesia có thể trở thành Italy của Đông Nam Á?

Indonesia hiện là quốc gia Đông Nam Á ghi nhận số ca tử vong cao nhất Châu Á ngoài Trung Quốc với 469 ca và 5.136 người nhiễm virus corona.
Tại thủ đô Jakarta của quốc gia này, hơn 2/3 số ca nhiễm là những người trẻ tuổi thường xuyên hoạt động giao tiếp tại các quầy hàng ăn trên đường phố hoặc ở quán cà phê bất chấp lệnh giãn cách xã hội mà chính phủ áp dụng từ ngày 7/4.

Tổng thống Indonesia Joko Widodo đã ra sắc lệnh cấm tụ tập đám đông trên 5 người và hạn chế người tham gia giao thông. Các khu vực công cộng đều đóng cửa. Tuy nhiên, việc không kiểm soát chặt chẽ các biện pháp này đã làm suy giảm hiệu quả ngăn chặn mức độ lây lan dịch ở đây. 


Theo các nhà phân tích, tình hình có vẻ tương tự giống như Italy, nơi người dân vẫn tiếp tục gặp gỡ tại các quán cà phê và câu lạc bộ hồi tháng 2. Thời điểm này, virus corona đang âm thầm lây lan ở khu vực phía Bắc giàu có của quốc gia Tây Âu này.


Đến tháng 3, số ca nhiễm bệnh đã tăng vọt. Italy đã ghi nhận hơn 165.000 trường hợp nhiệm virus hôm thứ Năm. Khoảng 21.600 người chết, đứng thứ hai trên thế giới sau  Mỹ với 30.985 ca tử vong.


Các chuyên gia Indonesia cảnh báo, nền kinh tế lớn nhất Đông Nam Á đang lặp lại con đường tương tự như Italy khi không nhanh chóng đưa ra các biện pháp nhằm cô lập các khu vực bị ảnh hưởng và hạn chế sự di chuyển của người dân. Thậm chí, tình hình có thể còn nghiêm trọng hơn.


Indonesia có thể trở thành Italy của Đông Nam Á? - Ảnh 1.

Nơi chôn cất nạn nhân Covid-19 tại một nghĩa trang ở Jakarta (Ảnh: AFP).

Số lượng các ca nhiễm virus corona ở Indonesia có thể lên tới 95.000 người trong khoảng từ đầu tháng 5 đến đầu tháng 6, cố vấn của lực lượng đặc nhiệm Covid-19, Wiku Adisasmito cho biết hôm thứ Năm. 


Khoa Y tế Công cộng của Đại học Indonesia cũng cảnh báo, Indonesia có thể sẽ có hơn 140.000 trường hợp tử vong và 1,5 triệu trường hợp nhiễm dịch trên cả nước vào tháng 5 trừ khi chính phủ có hành động cứng rắn hơn.

"Đây có thể là "một nước Italy khác" nếu chính phủ chỉ can thiệp ở mức nhẹ hoặc trung bình, không can thiệp ở quy mô cao", chuyên gia sinh học Iwan Ariawan từ Đại học Indonesia nhận xét. 


Đại dịch cũng đã cướp đi sinh mạng của nhiều chuyên gia y tế ở cả Indonesia và Italy. Tại quốc gia Đông Nam Á này, ít nhất 22 bác sĩ, 10 y tá và 6 nha sĩ đã tử vong vào hôm thứ Hai, trong khi Italy ghi nhận có hơn 100 bác sĩ tử vong do dịch bệnh.


Iwan cho biết, nhóm của ông đang tìm kiếm dữ liệu bổ sung về tổng số trường hợp tử vong ở Indonesia, vì dữ liệu không chính xác sẽ làm sai lệch tác động thực sự của Covid-19. 


Muhammad Habib Abiyan Dzakwan, một nhà nghiên cứu của Trung tâm nghiên cứu chiến lược và quốc tế (CSIS), cho biết: "Indonesia có dân số đông hơn nhiều so với Italy, sẽ góp phần làm số ca nhiễm ở đây có thể cao hơn".


Các nhà khoa học Indonesia cũng cảnh báo, số lượng người nhiễm virus corona trên thực tế cao hơn khoảng 10 lần so với con số chính thức do số lượng người được xét nghiệm khá thấp. Tỉ lệ xét nghiệm ở Indonesia chỉ là 0,01% dân số tương ứng với số dân 270 triệu người và 36.000 người đã được xét nghiệm sau khi chính phủ Indonesia đã tăng số lượng xét nghiệm lên 10.000 người mỗi ngày.


"Chắc chắn số lượng người mắc Covid-19 cao hơn rất nhiều, 85% những người mắc Covid-19 không có triệu chứng và họ không thể được phát hiện với hệ thống xét nghiệm hiện tại", ông Iwan cho biết . Việc thực hiện xét nghiệm được ưu tiên cho những người có triệu chứng hoặc có tiền sử tiếp xúc với người dương tính với Covid-19.


Theo ông Habib, nhiều người dân Indonesia đã không tuân thủ quy định giãn cách xã hội chủ yếu vì không có biện pháp trừng phạt nào nếu họ vi phạm. Trên hết, mọi người vẫn tụ tập để cầu nguyện trong các nhà thờ Hồi giáo.


Mối quan tâm cấp thiết nhất đó là dịch bệnh sẽ lây từ Greater Jakarta (bao gồm thủ đô Jakartar và các khu vực đô thị xung quanh), nơi sinh sống của 30 triệu người đến các tỉnh của Indonesia. Tổng thống Widodo đã không áp dụng lệnh cấm chính thức các hoạt động di chuyển từ thủ đô về các tỉnh. Thay vào đó, ông chỉ yêu cầu người dân ở lại.


"Thách thức lớn nhất đối với việc áp dụng giãn cách xã hội quy mô lớn ở Indonesia là Mudik ", ông Iwan nói, đề cập đến một tục lệ truyền thống ở đây. Người dân sẽ di chuyển từ Jakarta về quê hương vào cuối tháng Ramadan của người Hồi giáo. 


Trong khi một số thống đốc tỉnh lị yêu cầu người dân ở lại Jakarta, người đứng đầu Hiệp hội Giao thông Indonesia Agus Taufik Mulyono hôm thứ Ba cho hay, 900.000 người đã quay trở lại các tỉnh và bày tỏ lo ngại rằng họ có thể làm lây lan dịch bệnh.


Indonesia có thể trở thành Italy của Đông Nam Á? - Ảnh 2.

Những người đi làm tại một nhà ga đường sắt ở Bekasi, Tây Java vào ngày 15 tháng 4 (Ảnh: AFP).


Năm ngoái, khoảng 19,5 triệu người đã tham gia Mudik, theo chính phủ Indonesia. Số người tử vong cũng có thể tăng do các bệnh viện lớn có trang thiết bị đảm bảo chữa trị cho bệnh nhân Covid-19 nặng đa phần nằm ở Greater Jakarta. 


Chính phủ Indonesia cũng đang phân bổ tiền cho hệ thống an sinh xã hội như một phần trong nỗ lực thuyết phục người dân không đi du lịch. Theo đó 4 triệu người đã nộp đơn xin trợ cấp thất nghiệp. Covid-19 đã khiến 2,8 triệu người Indonesia thất nghiệp, dẫn đến tình trạng nhiều người trở về quê nhà.


Dự báo tồi tệ hơn có thể thấy đó là ước tính 1,1 triệu người sẽ rơi vào tình trạng nghèo đói. Con số này có thể tăng lên tới 3,78 triệu người với khoảng 5,2 triệu người thất nghiệp theo kịch bản tồi tệ nhất. "Dịch của Covid-19 sẽ đẩy Indonesia vào tình trạng suy thoái", Bộ trưởng tài chính Sri Mulyani Indrawati cho biết hôm thứ Ba.


Ông Habib cũng chỉ trích chính quyền trung ương Indonesia vì đã từ chối yêu cầu của một số chính quyền địa phương thực hiện việc giãn cách xã hội ở quy mô lớn: "Chính phủ nên nghĩ trước một bước, các khu vực này không có các bệnh viện tiên tiến và nhiều cán bộ y tế", ông nói.


Theo luật của Indonesia, tất cả các chính quyền địa phương hoặc tỉnh cần phải được Bộ Y tế phê duyệt trước khi có thể thực hiện các biện pháp giãn cách xã hội nghiêm ngặt trong phạm vi quyền hạn của mình.

chọn
BĐS Hồ Gươm đang tiến vào khu đô thị hơn 126 ha ven Vành đai 4 sau thương vụ 45 tỷ đồng
Sau khi cổ phần hóa, Viwaseen cùng đối tác DAF đã nhượng lại quyền phát triển khu đô thị hơn 126 ha ven Vành đai 4 Hà Nội cho Công ty CP Đầu tư Bất động sản Hồ Gươm với khoản tiền 45 tỷ đồng.