Investco rục rịch trở lại kế hoạch lên sàn sau chục năm bỏ ngỏ, mục tiêu tăng vốn gấp 10 trong năm 2022 để đầu tư BĐS

UBCK mới đây đã xử phạt Investco 450 triệu đồng, một trong những nguyên nhân là công ty không đăng ký giao dịch chứng khoán. Cách đây hơn 10 năm, doanh nghiệp này từng lên kế hoạch niêm yết HOSE. Song mãi đến đầu năm 2022, Investco bất ngờ thông tin dự kiến đưa cổ phiếu lên UPCoM, đồng thời đặt mục tiêu huy động vốn gấp 10 lần trong năm nay.

Investco bị UBCK 'tuýt còi' - từng ghi dấu ấn tại công trình cầu Phú Mỹ cùng loạt dự án địa ốc tại TP HCM

UBCK Nhà nước mới đây đã ra quyết định xử phạt CTCP Đầu tư và Phát triển Xây dựng (Investco) số tiền lên tới 450 triệu đồng. Nguyên nhân là doanh nghiệp không báo cáo UBCK các tài liệu, gồm báo cáo tài chính đã kiểm toán, báo cáo thường niên từ năm 2017 - 2020 và các nghị quyết Đại hội đồng cổ đông thường niên từ năm 2017 - 2021, đồng thời công ty không đăng ký giao dịch chứng khoán.

Một trong những dự án nổi bật nhất tại khu vực phía Nam của Investco phải kể đến Cầu Phú Mỹ, cây cầu dây văng lớn nhất TP HCM, nằm trên tuyến đường vành đai 2, bắc qua sông Sài Gòn, nối liền quận 7 và TP Thủ Đức. Cây cầu có chiều dài 2.031 m, chiều rộng 27,5 m với trụ tháp cao 162,5 m, tổng vốn đầu tư trên 2.000 tỷ đồng và được thực hiện theo hình thức B.O.T.

Investco rục rịch trở lại kế hoạch lên sàn sau chục năm bỏ ngỏ, mục tiêu tăng vốn gấp 10  trong năm 2022 để đầu tư BĐS - Ảnh 1.

Cầu Phú Mỹ, một dự án B.O.T do Investco tham gia đầu tư. (Ảnh: Báo Dân trí).

Đây cũng là dự án đầu tay của Investco, khi đó, Investco tham gia vào liên doanh 5 đơn vị cùng Tổng Công ty Xây dựng Hà Nội - CTCP Bê Tông 620 Châu Thới - Công ty TNHH Xây dựng và Thương mại Thanh Danh - CTCP Đầu tư Hạ tầng Kỹ thuật TP HCM (CII). Liên doanh này đã được UBND TP HCM công nhận trúng thầu đầu tư vào năm 2003. Đến năm 2009, cầu Phú Mỹ chính thức được khánh thành và đưa vào sử dụng. 

Investco cũng trúng thầu thi công hàng loạt dự án khác như Chung cư cao cấp The Estella tại TP Thủ Đức, TP HCM với quy mô 4,9 ha, do Keppel Land và Tập đoàn Tiến Phước làm chủ đầu tư; dự án Khu nghỉ dưỡng phức hợp Laguna Lăng Cô (hay Banyan Tree Resort) nằm trong khu kinh tế Chân Mây - Lăng Cô, tỉnh Thừa Thiên Huế với quy mô 280 ha, do Tập đoàn Banyan Tree (Singapore) làm chủ đầu tư hay dự án Bệnh viện Nhi Cần Thơ với quy mô hơn 4,4 ha, do Sở Y tế TP Cần Thơ làm chủ đầu tư.

Bên cạnh việc thi công các gói thầu xây dựng, Investco cũng thực hiện đầu tư hàng loạt dự án bất động sản tại TP HCM với các loại hình cao ốc phức hợp, khu dân cư, khu du lịch nghỉ dưỡng. 

Các dự án tiêu biểu có thể kể đến như Cao ốc Investco Babylon (0,5 ha), Investco Green City (12,6 ha), Investco Richland (71 ha), Investco Residence (9,41 ha), Investco Đồng Diều, Khu dân cư và du lịch sinh thái Investco Resort,...

Lao dốc từ DN thu nghìn tỷ mỗi năm: Nhiều năm không một đồng doanh thu

CTCP Đầu tư và Phát triển Xây dựng (Investco) có trụ sở tại quận 3, TP HCM, tiền thân là chi nhánh tại TP HCM của Công ty Xây dựng số 4 thuộc Tổng Công ty Xây dựng Hà Nội của Bộ xây dựng, được thành lập vào năm 1990. 

Đến năm 1996, chi nhánh này trở thành Công ty Đầu tư và Phát triển Xây dựng - Invesco và đến năm 2005 thì chuyển hóa theo mô hình công ty cổ phần với tên gọi như hiện tại. Thời điểm đó, vốn điều lệ công ty là 35 tỷ đồng. 

Năm 2007, công ty thực hiện tăng vốn lên 150 tỷ đồng. Sang năm 2011, công ty tiếp tục tăng vốn lên 208 tỷ đồng và không đổi cho đến nay. Tuy nhiên theo báo cáo tài chính hợp nhất năm 2020, khoản lỗ lũy kế hơn 265 tỷ đồng khiến vốn chủ sở hữu doanh nghiệp bị âm gần 6 tỷ đồng.

Giai đoạn 2008 - 2011, doanh thu thuần một năm của Investco đã có lúc đạt hơn 1.000 tỷ đồng với quy mô tổng tài sản đạt trên 1.550 tỷ đồng.

Đặt mục tiêu doanh thu 0 đồng, Investco làm ăn ra sao? - Ảnh 2.

Doanh thu thuần và lợi nhuận trước thuế của Investco qua từng năm trong giai đoạn 2008-2020. (Tổng hợp: Hiền Minh).

Giai đoạn 2012-2014, tình hình kinh doanh của công ty bắt đầu trượt dốc và ghi nhận lỗ trước thuế do giá vốn tăng cao hơn so với doanh thu thuần từ hoạt động kinh doanh mà công ty ghi nhận được

Giai đoạn 2018-2019, đây là hai năm liên tiếp Investco không ghi nhận doanh thu thuần mà chỉ có doanh thu tài chính, doanh thu khác và phải báo lỗ thuần từ hoạt động kinh doanh. Năm 2019, thu nhập từ xóa nợ 84,7 tỷ đồng đã giúp công ty thoát lỗ trước thuế.

Năm 2020, công ty ghi nhận doanh thu thuần 17,5 tỷ đồng nhờ bất động sản, song do giá vốn cao, công ty vẫn báo lỗ thuần và phải nhờ khoản thu 214 tỷ đồng từ việc xóa nợ (ghi nhận ở mục doanh thu khác) để báo lãi trước thuế. Khoản lãi này ghi nhận 218 tỷ đồng, cao gấp 12 lần so với năm 2019.

Ngày 15/12/2021, tại kỳ họp Đại hội đồng cổ đông thường niên, công ty cho biết kế hoạch doanh thu thuần năm 2021 tiếp tục quay về mức 0 đồng, đồng thời kỳ vọng lợi nhuận sau thuế đạt gần 20 tỷ đồng nhờ doanh thu từ hoạt động tài chính hoặc từ các nguồn thu khác. Hiện, Investco vẫn chưa công bố kết quả kinh doanh năm 2021.

Đặt mục tiêu doanh thu 0 đồng, Investco làm ăn ra sao? - Ảnh 3.

Quy mô tổng tài sản qua từng năm trong giai đoạn 2008-2020 của Investco. (Tổng hợp: Hiền Minh).

Về phần tổng tài sản doanh nghiệp, năm 2014, bất chấp doanh thu thuần giảm và báo lỗ trước thuế, tổng tài sản của Investco đã chạm mức đỉnh 1.558 tỷ đồng. Song, từ sau năm 2015, giá trị này liên tục trượt dốc và ghi nhận 561 tỷ đồng tại thời điểm cuối năm 2020. Bên cạnh đó, trong suốt giai đoạn 2018-2020, vốn chủ sở hữu của công ty ghi nhận giá trị âm do khoản lỗ sau thuế chưa phân phối. 

Rục rịch trở lại kế hoạch lên sàn sau chục năm 'bỏ ngỏ', muốn tăng vốn gấp 10 lần trong năm 2022  

Cuối năm 2011, Investco từng được Sở giao dịch chứng khoán TP HCM (HOSE) chấp thuận nguyên tắc cho niêm yết 17,69 triệu cổ phiếu với mã chứng khoán ING. Song sau 10 năm, doanh nghiệp không thông tin thêm về việc hoàn thiện hồ sơ để chính thức niêm yết cổ phiếu lên HOSE.

Gần nhất vào tháng 1 năm nay, doanh nghiệp bất ngờ trở lại với kế hoạch đưa cổ phiếu lên thị trường chứng khoán, tuy nhiên đổi hướng sang thị trường UPCoM.

Hiện, công ty đang có kế hoạch phát hành 180 triệu cổ phiếu để nâng mức vốn điều lệ từ 208 tỷ đồng lên 2.008 tỷ đồng. Số tiền thu được từ đợt phát hành này sẽ được rót vào các dự án bất động sản, dự kiến giải ngân trong năm 2022. 

Chân dung Investco, doanh nghiệp lâu đời sở hữu hàng loạt bất động sản tại TP HCM - Ảnh 1.

Tổng hợp: Hiền Minh.

Trước thông tin trở lại kế hoạch lên sàn, ngay cuối năm 2021, công ty công bố thay đổi ngành nghề kinh doanh với ngành nghề chính là xây dựng nhà để ở, thay cho xây dựng công trình kỹ thuật dân dụng khác như trước đó, đồng thời kinh doanh và tư vấn, môi giới bất động sản.

Năm 2022, Investco có kế hoạch rót thêm 240 tỷ đồng đầu tư dự án Investco Green City. Bên cạnh đó, công ty cũng cho biết sẽ rót tổng cộng 1.530 tỷ đồng để hợp tác đầu tư kinh doanh 8 dự án khu công nghiệp (KCN) thành phần thuộc KCN Đức Hòa III, tỉnh Long An.

Chân dung Investco, doanh nghiệp lâu đời sở hữu hàng loạt bất động sản tại TP HCM - Ảnh 3.

Dự án Investco Green City của Investco, thuộc Khu chức năng số 7, Khu đô thị mới Nam Thành phố, tại huyện Bình Chánh, TP HCM. (Ảnh: Investco).

Các dự án thành phần bao gồm KCN Minh Ngân - Đức Hòa III, KCN Đức Hòa III - Mười Đây, KCN Đức Hòa III - Liên Thành Long An, KCN Đức Hòa III - Long Đức, KCN Đức Hòa III - Long Việt, KCN Đức Hòa III - Resco, KCN Đức Hòa III - Slico và KCN Long Tân - Đức Hòa III. 

Tag:
chọn
ĐHĐCĐ KSF: Hướng đến thành cổ đông chiến lược của SCG, dồn lực cho siêu dự án Wonder Tower tại Ciputra
Tại ĐHĐCĐ thường niên 2024, lãnh đạo KSF cho biết, trong ba năm tới sẽ tập trung hoàn thành ba dự án Golden River, Sky City và Wonder Tower. Trong ba năm tới doanh nghiệp cần tổng mức đầu tư khoảng 35.000 tỷ đồng, doanh thu dự kiến trên 50.000 tỷ đồng.