Nha Trang không chỉ nổi tiếng về du lịch biển đảo mà còn được xem là cái nôi về thể thao mạo hiểm trên biển của Việt Nam. Từ lặn biển, kéo dù trên biển, mô tô nước, canô trượt ván…
Flyboard môn thể thao mạo hiểm được nhiều du khách ưa thích khi đến Nha Trang. (Ảnh: Khải An).
Nhằm đa dạng hóa về sản phẩm, thu hút thêm nhiều đối tượng khách, nhất là người trẻ tuổi thích trải nghiệm cảm giác mạnh, những năm gần đây, Nha Trang đã du nhập thêm các môn flyboard, dù lượn, xe trượt núi, zipline...
Tuy nhiên, trong quá trình hoạt động, bên cạnh những đơn vị tuân thủ các qui định pháp luật, vẫn còn nhiều tổ chức, cá nhân làm "chui" về du lịch mạo hiểm. Phổ biến nhất là tình trạng tổ chức dịch vụ lặn biển, leo núi trái phép đang tiềm ẩn nguy cơ xảy ra tai nạn, ảnh hưởng đến thương hiệu du lịch Khánh Hòa.
Hiện Khánh Hòa là một trong những điểm đến thu hút các phượt thủ và xuất hiện một số cá nhân tự tổ chức các tour mạo hiểm để du khách, đặc biệt là khách quốc tế khám phá các đỉnh đèo, điểm cực Đông…
Đơn cử, thác Tà Gụ ở huyện Khánh Sơn - Khánh Hòa, được xem là một trong những thác nước đẹp nhất ở tỉnh này. Thác cao 70m, đổ xuống mặt hồ rộng khoảng 200m2 và có mỏm núi tách đôi lộ ra một dòng thác phụ đầy vẻ quyến rũ, hùng vĩ và huyền bí.
Thống kê của UBND huyện Khánh Sơn 6 tháng đầu năm 2019, cho thấy đã có gần 2.000 lượt khách đến tham quan thác Tà Gụ, tăng 40% so với cùng kỳ năm trước, trong đó có gần 300 lượt khách nước ngoài. Tuy nhiên, khu vực này chỉ có 1 doanh nghiệp đầu tư khoảng 10 tỉ đồng để xây dựng mô hình nuôi cá tầm, trồng hoa nhằm tạo điểm nhấn cho.
Dịch vụ lặn biển khá phổ biến tại Nha Trang nhưng rất ít đơn vị được cấp phép. (Ảnh: Khải An)
Bên cạnh đó, "tour" chinh phục cực Đông đất liền ở Mũi Đôi – Hòn Đầu, huyện Vạn Ninh - Khánh Hòa được xem là một tour khá mạo hiểm. Bởi để chạm được đến chóp inox tên "Cực Đông", phải qua đủ mọi địa hình từ đồi cát, đồi núi, rừng rậm cho đến vách đá khá mạo hiểm. Thời gian chinh phục cũng mất khoảng 2 ngày 1 đêm.
Hay cung đường chinh phục đỉnh đèo Khánh Lê cũng đang được các phượt thủ và du khách quốc tế quan tâm. Tuy nhiên, tất cả những chuyến đi trên đều không được đăng ký và hoàn toàn tự phát.
Hiện Nha Trang cũng xuất hiện khá nhiều tour lặn biển ngắm san hô trái phép. Lãnh đạo Sở Văn hóa – Thể thao Khánh Hòa cho biết, dịch vụ lặn biển là môn thể thao có tính nguy hiểm nên Sở thường xuyên yêu cầu lực lượng chức năng giám sát chặt chẽ đảm bảo tính mạng du khách.
Lãnh đạo Sở cho biết, theo Nghị định 168/2017/NĐ-CP của Chính phủ qui định chi tiết một số điều của Luật Du lịch 2017 các sản phẩm du lịch được xem là "mạo hiểm" khi có một hoặc một số hoạt động sau đây: bay dù lượn, khinh khí cầu, nhảy dù, đu dây mạo hiểm hành trình trên cao; đi xe đạp, mô tô, ô tô địa hình trên núi, trên đồi cát; đi trên dây, leo núi, vách đá, đu dây vượt thác; lặn dưới nước; chèo thuyền vượt ghềnh thác, đi mô tô nước, lướt ván, ca nô kéo dù bay; thám hiểm hang động, rừng, núi. đã qui định khá cụ thể về các loại hình du lịch mạo hiểm.
Bên cạnh đó, nghị định này còn qui định các biện pháp bảo đảm an toàn khi kinh doanh các sản phẩm du lịch mạo hiểm như: có cảnh báo, chỉ dẫn về điều kiện khí hậu, thời tiết, sức khỏe và các yếu tố liên quan khi cung cấp các sản phẩm du lịch mạo hiểm; có phương án cứu hộ, cứu nạn; bố trí lực lượng cứu hộ khách du lịch và can thiệp, xử lí, ứng cứu kịp thời các sự cố, tai nạn, rủi ro xảy ra; duy trì, bảo đảm thông tin liên lạc với khách du lịch trong suốt thời gian cung cấp sản phẩm; bố trí, sử dụng huấn luyện viên, kỹ thuật viên, hướng dẫn viên có chuyên môn phù hợp…
Đường trượt Zipline tại Vinpearl Nha Trang sở hữu 3 kỷ lục độc đáo gồm đường trượt liền mạch dài nhất, có độ dốc lớn nhất, và có cú nhảy tiếp đất cao nhất Việt Nam chính thức đi vào hoạt động. (Ảnh: Vinpearl Nha Trang).
Hồi đầu tháng 7, ông Lê Thanh Quang - Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Khánh Hòa tại cuộc họp giao ban đã yêu cầu Sở Du lịch và các ngành liên quan cần có các giải pháp chấn chỉnh, siết chặt dịch vụ kinh doanh du lịch mạo hiểm, nhất là hoạt động lặn và thể thao giải trí trên biển.
Đồng thời, thường xuyên kiểm tra việc các doanh nghiệp thực hiện các qui định, khai thác nội dung trò chơi theo qui chuẩn nhằm bảo đảm an toàn tuyệt đối cho du khách.
Để chấn chỉnh tình trạng trên, UBND tỉnh Khánh Hòa đã ban hành văn bản số 6986/UBND-KGVX về việc tăng cường công tác quản lí nhà nước đối với các hoạt động du lịch mạo hiểm trên địa bàn tỉnh
Theo đó, Sở Du lịch chủ trì, phối hợp cơ quan liên quan nghiên cứu, đề xuất các giải pháp nhằm chấn chỉnh và tăng cường công tác quản lí nhà nước đối với hoạt động du lịch mạo hiểm đang có xu hướng phát triển nhanh trên địa bàn tỉnh.
UBND tỉnh Khánh Hòa cũng yêu cầu Sở này cần xác định rõ loại hình để có qui định cụ thể phù hợp với đặc điểm của từng hoạt động; kiên quyết xử lí theo thẩm quyền và theo pháp luật đối với các cơ sở kinh doanh không chấp hành theo các qui định pháp luật.
Đô thị 11:30 | 23/10/2019
Đô thị 07:34 | 23/10/2019
Đô thị 16:14 | 22/10/2019
Kinh doanh 13:25 | 21/10/2019
Đô thị 18:40 | 19/10/2019
Đô thị 11:11 | 19/10/2019
Nhà đất 16:13 | 17/10/2019
Đô thị 16:52 | 14/10/2019