Khi phim thanh xuân Hong Kong đánh tiếng trở lại

​Im hơi lặng tiếng gần 20 năm, dòng phim thanh xuân của điện ảnh Hong Kong đang đánh tiếng cho sự trở lại.

Giữa tháng 7 vừa qua, phim điện ảnh Những Người Anh Em (House of The Rising Sons) khởi chiếu tại Hong Kong, trở thành đề tài được quan tâm khi tái hiện câu chuyện đẹp đẽ của nhóm nhạc The Wynners nổi tiếng những năm 1970. Trước đó, vào cuối tháng 5, phim ngôn tình học đường Ngày Tháng Nào Đó (When Sun Meets Moon) với bối cảnh năm 1992 cũng tạo được hiệu ứng khá ấn tượng.

Liên tục trong mùa phim hè, hai tựa phim thuộc dòng thanh xuân hoài niệm được phát hành tại Hong Kong. Chưa bàn tới chuyện chất lượng hay hay dở, doanh thu cao hay thấp, chất liệu văn hóa – xã hội đặc trưng bản địa đã là dấu hiệu đáng mừng cho nền điện ảnh đang chịu vòng kiềm tỏa hà khắc từ phía chính quyền Trung Quốc đại lục.

Một thời một phong cách

Nói đến phim thanh xuân, nổi bật nhất vẫn là điện ảnh Đài Loan. Ngoài ra, điện ảnh Trung Quốc cũng mang một phong độ thất thường. Song không mấy ai nghĩ tới Hong Kong – mảnh đất gắn liền với phim hình sự, võ thuật.

Thực tế, phim thanh xuân Hong Kong vốn hiện diện từ thập kỷ 1970, trong lòng làn sóng mới của kinh đô điện ảnh châu Á một thời. Từ bấy đến nay, dòng phim này không ngừng chuyển mình, mỗi niên đại một phong cách.

Những năm 1970, các phim tâm lý, tình cảm gắn liền với hiện thực tàn khốc, tuổi trẻ bi kịch, cá tính nổi loạn và thường kết lại bằng những cái chết. Dòng phim này đổi thành tông màu hoàn toàn đối lập khi bước sang thập niên 1980: nhẹ nhàng, trong lành, mơ mộng và hơi "sến".

khi phim thanh xuan hong kong danh tieng tro lai
Trương Mạn Ngọc và Trương Quốc Vinh - hai gương mặt "bán vé" cho phim ngôn tình thập niên 1980. Ảnh: China Daily.

Phim tình cảm giai đoạn này gắn liền với phong thái thư sinh, hào hoa của hai tài tử quá cố Trương Quốc Vinh và Trần Bách Cường, cùng nhan sắc tinh khôi, đáng yêu của mỹ nhân Trương Mạn Ngọc.

Những năm 1990 là giai đoạn cực thịnh của phim xã hội đen Hong Kong. Thanh xuân biến thành một yếu tố trong các phim khuynh hướng bạo lực. Đó là lý do series Người Trong Giang Hồ (Youth and Danger) làm mưa làm gió suốt thời gian đó. Cảnh phim Lưu Đức Hoa gương mặt bầm dập, chạy moto chở Ngô Thanh Liên trong Thiên Nhược Hữu Tình (A Moment of Romance) sau 28 năm vẫn là một trong những hình ảnh kinh điển.

Đầu thế kỷ 21, phim thanh xuân Hong Kong bắt đầu thoái trào, gần như biến mất trên bản đồ điện ảnh.

Trở lại manh mún

Năm 2007, ông trùm giải trí Tăng Chí Vĩ chi tiền đầu tư cho một dự án điện ảnh đặc biệt của ba khu vực Hong Kong – Đài Loan – Trung Quốc. Tại đây, ba đạo diễn trẻ của ba vùng lãnh thổ được giao chung một đề bài làm phim thanh xuân xoay quanh câu chuyện của chín nhân vật.

Ba tác phẩm Gió Tháng Chín (Winds of September) của đạo diễn Lâm Thư Vũ – Đài Loan, Bầu Trời Cháy Bỏng (High Noon) của đạo diễn Mạch Hy Nhân – Hong Kong và Bản Đồ Chia Cách Em (The Tropic of Cancer) của đạo diễn Hàn Diên – Trung Quốc ra đời từ chương trình này.

Bầu Trời Cháy Bỏng là tựa phim tiêu biểu xác lập sự trở lại của dòng phim thanh xuân trên địa hạt điện ảnh Hong Kong. Tuy nhiên tạm thời, các phim thuộc chủ đề này chưa nhiều, còn manh mún, rải rác, không đủ làm nên dấu ấn.

khi phim thanh xuan hong kong danh tieng tro lai
Bầu Trời Cháy Bỏng đưa phim thanh xuân Hong Kong trở lại. Ảnh: Wordpress.

Tương tự như tại Đài Loan và Trung Quốc, phim thanh xuân của Hong Kong cũng xoay quanh chủ yếu tình yêu đôi lứa, mộng mơ tuổi trẻ. Các cuốn phim thông thường tự sự theo cấu trúc đan xen hiện tại và quá khứ.

Trong đó, thập niên 1990 được xem là thời kỳ lan tỏa đỉnh cao của văn hóa đại chúng Hong Kong, cũng là những tháng năm cuối cùng trước khi Hong Kong được trao trả về cho chính quyền Trung Quốc, mang ý nghĩa lịch sử quan trọng. Các yếu tố đặc trưng Hong Kong cũng được chọn lọc đưa vào phim.

Như vậy, phim thanh xuân Hong Kong vừa cho thấy sự hòa nhịp vào dòng chảy chung của điện ảnh Hoa ngữ, vừa tạo dựng dấu ấn cá nhân.

Với bối cảnh năm 1992, Ngày Tháng Nào Đó của đạo diễn Lưu Vĩ Hằng tái hiện lại đời sống vừa hiện đại vừa cổ kính của Hong Kong 26 năm trước. Những hình ảnh mang tính biểu tượng của thành phố này như chung cư nghèo, xe điện, âm nhạc, đồng phục học sinh hay kiểu tóc “bổ luống” thịnh hành thời đó gợi nhắc nhiều hoài niệm.

Tương tự, Những Người Anh Em tái hiện sinh động đời sống âm nhạc máu lửa cùng gout thời trang đặc trưng tại Hong Kong thập niên 1970. Bộ phim này còn mang một ý nghĩa đặc biệt khi kể câu chuyện có thật, nhóm nhạc The Wynners nguyên bản cũng góp mặt trong phim với vai diễn khách mời, đạo diễn của phim - Trần Hữu cũng là một trong số họ.

Chưa đủ sức lan tỏa

Được khởi tạo bởi không ít nỗ lực của người làm phim, song dòng phim thanh xuân của Hong Kong vẫn chưa làm nên sức ảnh hưởng sâu rộng như của Đài Loan. Bình luận về điều này, chuyên trang điện ảnh M Time cho rằng, phim Hong Kong phản ánh thực tế đời sống vội vã với vòng xoay cơm áo, không có đất cho chất mộng mơ phấn hồng như phim Đài Loan.

Cô Gái Năm Đó Chúng Ta Cùng Theo Đuổi (You Are The Apple Of My Eye) Thời Đại Thiếu Nữ Của Tôi (Our Times) khép lại với không khí lạc quan, các nhân vật ít nhiều thực hiện được ước mơ thời niên thiếu. Hay được đem ra so sánh với hai phim này, nhưng Ngày Nào Đó Chúng Ta Sẽ Tung Cánh Bay (She Remembers, He Forgets) khiến nhân vật đối diện với hiện thực nhiều thương tổn.

Trang tin HK 01 cũng đồng tình với quan điểm này. Họ cho rằng phim thanh xuân Hong Kong thiếu yếu tố hoài niệm, sa đà vào hiện thực, khai thác không khí học đường chưa đến nơi đến chốn.

Blog Hong Kong Film thì nhận định, phim thanh xuân Hong Kong không đủ trẻ. Bởi nền công nghiệp giải trí tại đây quá khan hiếm gương mặt trẻ thực lực, kéo theo những sự sắm vai đầy tréo ngoe. Thang Di 31 tuổi vào vai nữ sinh trung học trong Ngày Tháng Nào Đó. Các nhân vật trong Những Người Anh Em thuộc lứa tuổi 20 nhưng được thể hiện bởi dàn diễn viên tuổi đời U40…

khi phim thanh xuan hong kong danh tieng tro lai
Thang Di 31 tuổi đóng cặp với Daichi Harashima 21 tuổi trong phim Ngày Tháng Nào Đó. Ảnh: Stand News.

Cá nhân người viết cho rằng, phim thanh xuân Hong Kong mang nhiều dấu ấn văn hóa bản địa, đó vừa là ưu điểm, vừa là nhược điểm. Bởi nó tạo nên tính khu biệt, chủ yếu hướng tới khán giả Hong Kong hoặc những người ngoại quốc yêu thích thành phố này.

Tại đêm trao giải Kim Tượng hồi tháng 4, Chủ tịch Hiệp hội nghệ sĩ Hong Kong Cổ Thiên Lạc và diễn viên gạo cội Huỳnh Thu Sinh ngầm vạch rõ ranh giới của điện ảnh Hong Kong với điện ảnh Trung Quốc, đồng thời cổ vũ giới làm phim tích cực tạo ra nhiều sản phẩm mang thương hiệu quê nhà. Sự tái xuất của phim thanh xuân Hong Kong là một dấu hiệu đáng ghi nhận cho tinh thần của họ.

XEM THÊM

khi phim thanh xuan hong kong danh tieng tro lai Giá quảng cáo giờ vàng trên VTV của phim Việt và game show bao nhiêu?

Phim "Quỳnh búp bê" gây bão ở thời điểm phát sóng nhưng chỉ có giá quảng cáo là 100 triệu/ 30s. Trong khi Gương mặt ...

khi phim thanh xuan hong kong danh tieng tro lai Bi hài cảnh sao Việt bị 'ném đá' vì vào vai phản diện quá xuất sắc

Không ít sao Việt đã phải hứng chịu hàng tá “gạch đá” từ cư dân mạng chỉ vì họ đã vào những vai phản diện ...

khi phim thanh xuan hong kong danh tieng tro lai Đổ xô làm phim tuổi thanh xuân

Thành công lớn về doanh thu của các bộ phim có đề tài học đường, tuổi thanh xuân thời gian qua đã khiến các nhà ...

chọn
Toàn cảnh đường Lương Định Của mở rộng sắp thông xe tại TP Thủ Đức
Dự án nâng cấp, mở rộng đường Lương Định Của tại TP Thủ Đức có chiều dài khoảng 2,5 km. Đây là một trong 10 công trình giao thông dự kiến thông xe trước Tết Nguyên đán của TP HCM.