- Điều gì dẫn tới chị - một nhà báo lại trở thành một trong những leader của tổ chức CSAGA – một ngôi nhà chung cho các nạn nhân của bạo hành, và về giới?
- Tôi nghĩ đôi khi công việc nó như một cái duyên nghiệp vậy. Cá nhân tôi đã nghĩ mình sẽ vĩnh viễn gắn với nghề giáo, một nghề mà bố mẹ mình đã làm và luôn tôn vinh nó. (Khi ta quyết định gắn đời mình với cái gì, ta thường nghĩ sẽ là vĩnh viễn). Nhưng rồi bước ngoặt chuyển sang nghề báo rất tình cờ đã khiến tôi phát hiện ra: thế giới rộng lớn này có quá nhiều điều thú vị mà mình có thể khám phá ra bản thân mình ở những thử thách mới. Mười năm làm báo có thể nói là một nền tảng quan trọng giúp tôi hiểu bản thân mình và hiểu xung quanh. Chính nó cũng giúp cho tôi biết dừng lại vào lúc mình không còn hào hứng. Tôi dự định nghỉ ở nhà, tạm thế để thu xếp mọi thứ dù lúc ấy chỉ còn sáu tháng nữa là đủ tuổi nghỉ hưu non. Đã chán thì một ngày cũng không làm, dù không có chuyện gì cụ thể.
Lúc đấy thì công việc tại CSAGA đang bắt đầu nhen nhóm nhưng tôi cũng không hình dung nó có thể phát triển như ngày hôm nay. Và từng bước một khi hỗ trợ những phụ nữ từng có những trải nghiệm đau khổ, tôi hiểu chỗ của mình là ở đây, đây là khao khát của mình, tình yêu của mình. Vừa làm, vừa học vì tôi đâu có ngày nào được đào tạo để làm “leader”. Công việc này vừa mang lại nhiều hạnh phúc nhưng cũng đầy thách thức và căng thẳng. Nhưng tôi học được cách tìm niềm vui từ nó.
Tôi đã họcnhiều khóa về tư vấn do các chuyên gia nước ngoài giảng dạy. Trong đó có một kỹ thuật để không bị stress! |
- Khi xã hội ngày càng hiện đại hơn, theo chị, có nhiều người cần đến CSAGA không, và tình trạng của họ ra sao thưa chị?
- Trên đường dây tư vấn của chúng tôi, hàng ngày có không ít những phụ nữ là trí thức, có chồng là trí thức nhưng phải sống trong cảnh bạo lực và chịu đựng sự gia trưởng. Khi chúng tôi lập trang FB “Yêu thương và chia sẻ”, chúng tôi cũng nhận được hàng trăm câu chuyện từ những phụ nữ văn phòng từng chịu cảnh bạo lực. Đứng truyền thông tại chợ một buổi khoảng 2 tiếng mà cũng bao nhiêu chị em bán cá, bán thịt, người đi chợ nói ra những câu chuyện bạo lực kinh khủng. Giết rồi hiếp, hiếp rồi đền tiền là xong, chồng đánh cả một đời người đến khi lên chức ông chức bà, chồng yếu đi mới thoát…
Hiện đại, văn minh về vật chất có thể thay đổi sau một đêm, nhưng để thay đổi tư tưởng, không dễ dàng như vậy! |
Có thể con người ngày một hiểu biết hơn, nhưng sự bất lực cũng có thể khiến người ta trở nên tăm tối. Trong mớ điện thoại thông minh, các nhà hàng karaoke hào nhoáng, cả trong mớ bằng cấp chức tước loạn xị ngậu và các khu trung tâm thương mại kia, vẫn có thể đầy những định kiến của một thời tăm tối. Không ít những người chồng có vị trí xã hội, có bằng cấp nhưng vẫn là một chúa tể trong nhà và vợ thì dù ra ngoài là cán bộ đấy, nhưng về nhà vẫn chỉ được coi như nhân vật giúp việc. Tôi đã chứng kiến một người đàn ông ở vị trí lãnh đạo không nhỏ bảo vợ: “Em làm gì thì làm, về nhà là phải dọn cái giường, cái phòng cho nó sạch sẽ. Phụ nữ phải làm việc đấy cho ra hồn chứ”. Trong khi đó, vợ anh ta cũng là một lãnh đạo cơ quan khác. Anh ta không cho thuê giúp việc, nhưng không động chân mó tay vào bất cứ việc gì trong nhà. Chúng ta đã từng biết có thạc sĩ, trưởng phòng đấm đá chết người vợ cũng là cán bộ nhà nước. Hiện đại, văn minh về vật chất có thể thay đổi sau một đêm, nhưng để thay đổi tư tưởng, không dễ dàng như vậy.
- Gần đây, có trường hợp nào mà chị cảm thấy cần phải nêu lên như một ví dụ điển hình của tâm lý bị giày vò và bị tra tấn về thể xác mà chị có thể kể lại?
- Gần đây tôi có viết trên trang FB cá nhân về một trường hợp nghiêm trọng. Chị Minh (tên tôi tự đặt cho chị ấy để giấu danh tính thật). Cô ấy bán hoa quả ở chợ và tôi tình cờ biết câu chuyện cuộc đời cô ấy. Chồng Minh làm thợ xây, thỉnh thoảng bảo kê cho quán karaoke và thường xuyên cờ bạc, trai gái. Minh phải tiếp cơm cả bồ của chồng, phải cung cấp tiền cho chồng và phải phục vụ các nhu cầu tình dục mang tính làm nhục của chồng. Cô ấy yếu đuối, chỉ khóc cầu cứu chứ không nghĩ ra cách gì để tự giúp mình. Trong trường hợp này cô ấy đã bị bạo hành quá nhiều năm, sợ hãi và mất toàn bộ nhuệ khí, lại không biết bấu víu vào đâu. Hệ thống trợ giúp nạn nhân bạo lực của Việt Nam còn quá yếu và thiếu về mọi mặt. Minh-nhân vật bị bạo lực nghiêm trọng đã không còn đơn độc nữa vì cảnh sát và Hội Phụ nữ các cấp đã vào cuộc.
- Tiếp xúc với rất nhiều nỗi buồn, “ca nào cũng thấm đẫm nước mắt”, chị làm thế nào để mình không bị cuốn theo những nỗi buồn ấy, và không bị mệt mỏi chán nản khi mãi phải đi giải quyết chuyện đời người khác?
- Tôi không phải là robot chứ. Nhưng tôi đã họcnhiều khóa về tư vấn do các chuyên gia nước ngoài giảng dạy. Trong đó có một kỹ thuật để không bị stress. Cuộc đời của khách hàng thuộc về họ, và tôi chỉ là một chuyên gia phân tích, hỗ trợ, tôi không nhập các cuộc đời ấy vào mình. Cảm xúc với mỗi câu chuyện đều mạnh và không dễ buông nó ra, nhưng coi nó là một trải nghiệm quý giá thì nó sẽ mang ý nghĩa tích cực và làm đời sống mình sâu sắc nhưng nhẹ nhõm hơn.
Sống và hưởng thụ vẻ đẹp của cuộc sống này chứ không phải để chết đi vì bất kỳ ai đó! |
- Chị có lời khuyên nào với các chị em đang lâm vào tình trạng bế tắc, câm nín, chưa dám giải thoát mình?
- Cha mẹ, trời đất sinh mình ra, mình có một cuộc đời để sống với tình yêu, niềm vui, khát vọng. Sống và hưởng thụ vẻ đẹp của cuộc sống này chứ không phải để chết đi vì bất kỳ ai đó. Cuộc đời ngắn ngủi và chỉ có một, đừng lãng phí nó vì những kẻ không ra gì. Hãy luôn tin vào những điều tốt đẹp ở phía trước, và hãy làm tất cả để tiến đến nó.
- Cuối cùng, sự vinh danh của Forbes có đem cảm xúc gì với chị không?
- Cũng vui chứ, được ghi nhận thành quả tôi nghĩ ai cũng vui. Nhưng cũng hơi phiền một tí khi trong một số bối cảnh bị coi là nhân vật quan trọng. Tôi sợ sự long trọng. Tôi là người sống thật và ít khi phải cố gắng để đóng vai hoàn hảo lắm. Mà hoàn hảo thì không phải là thứ hấp dẫn với tôi.
Chị Nguyễn Vân Anh – với 20 năm kinh nghiệm vận động cho quyền của các nạn nhân bạo lực gia đình, nạn nhân bị buôn bán và quyền của nhóm LGBT cho biết: Nếu một ngày nào đó, bạn cảm thấy vô phương hướng, bế tắc, bị bạo lực gia đình, hãy gọi theo đường dây 0437759339 để trợ giúp. Hoặc có thể bạn là người phải sống trong môi trường gia trưởng, có người bị hành hạ tinh thần, có người thể xác, và có người thì tất cả các hình thức bạo lực. Chúng tôi sẽ tùy mức độ khẩn cấp để tư vấn hay kết nối với cảnh sát, luật sư, nhà tạm lánh để giải quyết.