Gỗ mua thanh lý của Phượng “râu” được tập kết hai bên quốc lộ 14C. |
“Hợp thức hóa” gỗ lậu
Vào năm 2014, Bộ NN&PTNT có chủ trương cho phép trục vớt gỗ trôi dạt theo suối Đắk Đam, thuộc khu vực vành đai biên giới do Đồn biên phòng 747 (ở xã Krông Na, huyện Buôn Đôn, Đắk Lắk) quản lý, sau đó cho bán thanh lý. Lợi dụng chủ trương này, nhiều đối tượng khác đã trục vớt, tận thu gỗ trôi dạt không đúng quy định, lợi dụng việc trục vớt gỗ để hợp thức hóa gỗ khai thác lậu, vận chuyển trái phép ra ngoài.
Đến ngày 25/10/2016, UBND tỉnh Đắk Lắk có quyết định cho bán đấu giá hơn 640m3 gỗ (từ nhóm II đến nhóm VI) trục với dưới suối Đắk Đam. Đến ngày 23/1/2017, toàn bộ hơn 640m3 gỗ này (trong đó Phượng “râu” chỉ đứng tên mua hơn 60m3) đã bán thanh lý thành công cho Công ty TNHH Thảo Trúc (TP Cần Thơ) và ông Phan Hữu Phượng (tức Phượng “râu”) với tổng số tiền hơn 2,7 tỷ đồng. Nguồn tin của Tiền Phong cho hay, Công ty Thảo Trúc dù đứng tên mua khoảng 580m3 gỗ, nhưng thực chất người mua và làm lán trại canh giữ là Phượng “râu”.
Ngày 3/5, một lãnh đạo Hạt Kiểm lâm huyện Buôn Đôn (Đắk Lắk) xác nhận Phượng “râu” đã vận chuyển hết hơn 60m3 gỗ mua thanh lý nói trên vào ngày 5/9/2017. “Đối với gỗ của ông Phan Hữu Phượng, từ ngày 10/4 đến 5/9/2017, Hạt Kiểm lâm huyện Buôn Đôn đã kiểm tra, xác nhận hơn 60m3 hộp gỗ xẻ từ nhóm 2 đến nhóm 6. Như vậy, ông Phượng đã vận chuyển hết khối lượng gỗ mua thanh lý của mình từ ngày 5/9/2017. Còn đối với gỗ của Công ty Thủy Trúc, từ ngày 10/4/2017 đến ngày 12/4/2018, Hạt Kiểm lâm huyện Buôn Đôn đã kiểm tra, xác nhận hơn 434m3 gỗ tròn từ nhóm 2 đến nhóm 7. Như vậy, khối lượng gỗ còn nằm lại ở hai bên Quốc lộ 14C của Công ty Thủy Trúc là hơn 145m3 gỗ tròn từ nhóm 2 đến nhóm 7”, vị lãnh đạo Hạt Kiểm lâm huyện Buôn Đôn cho hay.
Tuy nhiên, vào ngày 27/4, các đơn vị nghiệp vụ Bộ Công an đã bắt giữ 2 xe ô tô BKS 61C-072.70 và 61L-3057 chở khoảng 40m3 gỗ lậu tại thị trấn Ea T’ling, huyện Cư Jút. Các đối tượng khai số gỗ là của ông Phượng, được vận chuyển từ bãi tập kết tại tiểu khu 464, thuộc lâm phần VQG Yok Đôn, gần Đồn Biên phòng 747. Tại tiểu khu 464, công an đã thu giữ nhiều tang vật dùng để phá rừng; ghi nhận nhiều bãi gỗ cũ và mới khai thác, chưa được vận chuyển. Khám xét nhà riêng của Phượng, công an đã thu giữ nhiều tài liệu liên quan đến việc buôn bán, vận chuyển gỗ lậu. Trong đó, có nhiều cuốn sổ nội dung ghi chép chi tiết về việc đường dây của Phượng chung chi cho các cơ quan chức năng với số tiền lên đến hàng tỷ đồng. Kiểm tra các kho, xưởng của Phượng “râu”, bước đầu phát hiện hơn 300m3 gỗ quý. Như vậy, phải chăng Phượng “râu” cố tình dây dưa việc vận chuyển gỗ mua thanh lý ra khỏi rừng là để trà trộn gỗ lậu và hợp thức hóa việc vận chuyển gỗ lậu?
“Kẽ hở cho lâm tặc”
Ngay khi Phượng “râu” bị Bộ Công an bắt vào sáng 27/4, PV Tiền Phong đã vào khu vực lán trại tập kết gỗ của Phượng (nằm cách Đồn Biên phòng 747 chỉ khoảng 100m) thì lãnh đạo Đồn Biên phòng 747 nói rằng gỗ ở những bãi gỗ nằm bên quốc lộ 14C là của ông Phượng mua gỗ trục vớt từ suối Đắk Đam (?).
Trong lúc đó, ông Phạm Tuấn Linh - Phó giám đốc phụ trách VQG Yok Đôn cho biết: Vào ngày 20/3/2018, Vườn đã gửi công văn đề nghị Sở Tài chính Đắk Lắk đôn đốc người mua gỗ thanh lý sớm đưa gỗ ra khỏi rừng trước ngày 10/4/2018 để “tránh đối tượng xấu lợi dụng trà trộn vào khu vực bãi gỗ, thực hiện các hành vi xâm hại rừng”. Sau đó, Sở Tài chính Đắk Lắk cũng đã có văn bản đề nghị ông Phượng và Công ty Thảo Trúc phải vận chuyển gỗ đã mua thanh lý ra khỏi rừng vành đai biên giới trước ngày 10/4/2018. Nhưng sau đó, ông Phượng vẫn không chở gỗ mua thanh lý ra khỏi rừng biên giới như đề nghị của VQG Yok Đôn và Sở Tài chính Đắk Lắk.
Trước đó, vào tháng 9/2015, VQG Yok Đôn và Chi cục Kiểm lâm vùng 4 đã phát hiện điểm tập kết gỗ dưới lòng suối cạn phía bờ Việt Nam (cách đồn biên phòng 747 khoảng 1km). Qua đó cho thấy, khu vực này xuất hiện nhiều điểm, tụ điểm hoạt động vi phạm pháp luật bảo vệ và phát triển rừng nghiêm trọng cần được ngăn chặn sớm. Trong cuộc họp với Tổng cục Lâm nghiệp về việc bảo vệ rừng VQG Yok Đôn, một Phó chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk lúc bấy giờ nhận định: “Chính chủ trương cho trục vớt gỗ trôi dạt là kẽ hở để lâm tặc, đầu nậu lợi dụng. Đây là “bùa hộ mệnh” để lâm tặc hợp thức hóa gỗ khai thác trái phép ở khu vực biên giới, đưa ra ngoài tiêu thụ”.
Tối 3/5, thượng tá Phạm Thanh Bình - Trưởng phòng Tham mưu, người phát ngôn Công an tỉnh Đắk Nông, cho biết: Chiều cùng ngày, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Đắk Nông đã ra quyết định khởi tố vụ án hình sự, khởi tố bị can và ra lệnh bắt tạm giam đối với 5 bị can về hành vi vi phạm quy định về khai thác, bảo vệ rừng và lâm sản xảy ra tại thị trấn Ea T’ling, huyện Cư Jút. Các quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can và lệnh tạm giam của Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh đã được Viện KSND tỉnh Đắk Nông phê chuẩn. Các đối tượng bị khởi tố và bắt tạm giam gồm: Phan Hữu Phượng (SN 1968, trú tại đường Trần Hưng Đạo, thị trấn Ea T’ling); Nguyễn Hoàng Trang (SN 1982, trú tại xã An Thạnh Tây, huyện Cù Lao Dung, Sóc Trăng); Hồ Trọng Dũng (SN 1965, trú phường Thành Công, TP Buôn Ma Thuột, Đắk Lắk); Trần Lưu Lân (SN 1970, trú phường Ea Tam, TP Buôn Ma Thuột) và Dương Quốc Bảo (SN 1990, trú thị trấn Ea T’ling, huyện Cư Jút). Như Tiền Phong đã đưa tin, vào lúc 03h40’ sáng 27/4/2018, Cục Cảnh sát môi trường (C49) và Văn phòng Cơ quan Cảnh sát điều tra (C44) Bộ Công an phối hợp với Công an tỉnh Đắk Nông và Hạt kiểm lâm huyện Cư Jút bắt quả tang 2 xe tải mang biển kiểm soát 61L-3057 và 61C-072.70 do Trần Lưu Lân và Hồ Trọng Dũng điều khiển, đang vận chuyển 40,2m3 gỗ không có giấy tờ hợp pháp. Các đối tượng khai nhận số lượng gỗ trên được vận chuyển từ bãi tập kết gỗ tại tiểu khu 464, thuộc Vườn quốc Yok Đôn (Đắk Lắk) về xưởng của Công ty TNHH một thành viên Long Vũ cho Phan Hữu Phượng. Căn cứ lời khai của các đối tượng và các tài liệu, chứng cứ thu thập được, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Đắk Nông đã tiến hành khám xét khẩn cấp tại 5 địa điểm các đối tượng tàng trữ gỗ tại thị trấn Ea T’linh và xã Trúc Sơn, huyện Cư Jút. Kết quả, thu giữ 210 m3 gỗ tròn không có giấy tờ hợp pháp, 2 xe ô tô tải, 2 xe ô tô du lịch, 6 xe độ chế, 5 xe máy cày, 3 cưa xăng, một số dụng cụ để khai thác, vận chuyển gỗ và tài liệu liên quan khác. LỮ HỒ |
Vụ phúc thẩm ông Hà Văn Thắm: Những lời sau cùng đẫm nước mắt lúc gần nửa đêm ở toà
Phiên toà phúc thẩm đại án Oceanbank được xem là hi hữu vì kéo dài đến lúc gần nửa đêm. Đại diện VKS chia sẻ ... |
Được cho vay 32 tỷ để đủ nộp 3/4 tài sản tham ô cũng không giúp ông Nguyễn Xuân Sơn thoát án tử?
Đại diện VKS nhấn mạnh ngoài yếu tố nộp lại ít nhất 3/4 tài sản còn có vế “và” phía sau nhưng tới thời điểm ... |