Khu đô thị chậm triển khai hơn chục năm ở Đà Lạt tăng vốn gấp 21 lần, hẹn hoàn thành vào 2029

Khu đô thị mới số 6 Trại Mát tại phường 11, TP Đà Lạt được cấp chứng nhận đầu tư từ 2007, nhiều năm sau đó chậm triển khai do vướng GPMB. Đầu năm 2023, dự án này được khởi công, đến cuối 2023 đã điều chỉnh vốn từ 167 tỷ đồng lên hơn 3.500 tỷ đồng.

Một góc TP Đà Lạt. (Ảnh tư liệu: Hải Quân).

Ngày 18/10/2007, Sở Kế hoạch và Đầu tư Lâm Đồng đã cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư dự án Khu đô thị mới số 6 Trại Mát đối với CTCP Đầu tư và Xây dựng Kiên Trung với diện tích 75,8 ha, mục tiêu hình thành một khu dân cư mới và là nơi tập trung các cơ quan, trường học, nhà văn hóa... cho phường 11, TP Đà Lạt. 

Tháng 5/2008, dự án đã được UBND TP Đà Lạt phê duyệt quy hoạch chi tiết 1/500. Giai đoạn 2009 - 2011, các cơ quan chức năng đã có quyết định thu hồi đất để thực hiện dự án và phê duyệt chi phí bồi thường.

Tuy nhiên, quá trình triển khai giải phóng mặt bằng dự án gặp nhiều bất cập về cơ chế, chính sách, vướng mắc giữa các bên liên quan về đơn giá đền bù, giải phóng mặt bằng. Chủ đầu tư sau đó đã liên tục điều chỉnh dự án vào tháng 2/2009, tháng 12/2010, tháng 8/2012, tháng 8/2013 và tháng 12/2017.

Tháng 11/2021, dự án được điều chỉnh lần thứ 7 với diện tích sau điều chỉnh là 64,88 ha, tổng mức đầu tư 167 tỷ đồng.

Ngày 3/1/2023, Kiên Trung đã chính thức khởi công Khu đô thị mới số 6 Trại Mát. Tính đến thời điểm khởi công, doanh nghiệp đã tạm ứng tiền để cơ quan chức năng thực hiện công tác giải toả, đền bù, giải phóng mặt bằng cho khoảng 180 hộ và 4 tổ chức, còn lại khoảng 70 hộ dân chưa đồng thuận với giá đền bù, để bàn giao mặt bằng cho đơn vị đầu tư.

Tại thời điểm khởi công, Kiên Trung đã nhận được khoảng 20 ha đất từ cơ quan chức năng, trong đó có khoảng 14 ha mặt bằng sạch để triển khai dự án, theo Báo Lâm Đồng.

Tăng vốn gấp 21 lần 

Ngày 19/12/2023, UBND tỉnh Lâm Đồng tiếp tục chấp thuận điều chỉnh chủ trương đầu tư đối với Khu đô thị số 6 Trại Mát với diện tích điều chỉnh là 66,06 ha, quy mô dân số 7.540 người. 

Đáng chú ý, trong lần điều chỉnh này, tổng mức đầu tư của dự án đã tăng gấp khoảng 21 lần, lên thành 3.538 tỷ đồng. Trong đó, vốn góp của nhà đầu tư chiếm 600 tỷ đồng và còn lại là vốn huy động.

Tiến độ góp vốn được tỉnh yêu quy định thành 6 đợt, cụ thể: Tháng 11/2023 - tháng 10/2024 góp 316 tỷ đồng; tháng 11/2024 - tháng 10/2025 (522 tỷ đồng); tháng 11/2025 - tháng 10/2026 (633 tỷ đồng); tháng 11/2026 - tháng 10/2027 (856 tỷ đồng); tháng 11/2027 - tháng 10/2028 (635 tỷ đồng) và tháng 11/2028 - tháng 10/2029 (566 tỷ đồng).

Song song với tiến độ góp vốn, Lâm Đồng cũng yêu cầu tiến độ đi kèm 6 đợt.

Trong đó, tháng 11/2023 - tháng 10/2024 thực hiện công tác bồi thường, hỗ trợ tái định cư, hoàn thành các thủ tục về pháp lý. Từ tháng 11/2024 triển khai hoàn thiện cơ sở hạ tầng kỹ thuật khu tái định cư để bàn giao đất cho các hộ dân, tiến hành xây dựng và đến tháng 10/2029 hoàn thành các hạng mục, đưa vào kinh doanh khai thác.

Tính đến tháng 4/2024, dự án còn 58 trường hợp chưa chi trả được với số tiền là gần 178 tỷ đồng. Hiện nay, Kiên Trung đã tiến hành thi công tại thực địa một số hạng mục công trình và hoàn thiện các thủ tục về giấy phép xây dựng. 

Sẽ xây dựng hơn 700 căn nhà ở

Vị trí dự án Trại Mát nhìn trên bản đồ. (Ảnh: Chủ đầu tư).

Khu đô thị mới số 6 Trại Mát hiên nay tiếp giáp quốc lộ 20 ở phía bắc; phía nam giáp đồi thông cảnh quan; phía đông giáp khu dân cư Trại Mát và đồi trống; phía tây giáp đồi thông và khu dân cư. 

Về hiện trạng, khu đất dự án chủ yếu là đất đồi trọc khô cằn, hiện nay có một số hộ dân sống, giữ đất canh tác và đào ao giữ nước canh tác trồng rau quả và hoa màu. Do nền đất có lẫn nhiều sỏi và cao lanh nên năng suất cây trồng hiệu quả thấp.

Khu đất dự án hiện có 57,1 ha đất trồng cây hoa màu; 1,7 ha đất ở; 4,6 ha đất trống; 1,7 ha đất giao thông; 0,7 ha đất mặt nước và 0,2 ha đất công cộng. Trong khu vực dự án có một số công trình như trạm y tế phường 11; UBND phường 11; Vườn ươm Trại Mát...

Về công trình nhà ở, khu đất hiện có 68 căn nhà tạm, 87 căn nhà xây, 15 căn nhà mái bê tông. Khu vực dự án có khoảng 120 - 140 hộ dân sống rải rác không tập trung, nằm dọc trục Quốc lộ 20, một số hộ còn lại nằm rải rác trên trục đường Lâm Văn Thạnh. Để trển khai, dự án cần thực hiện tái định cư cho khoảng 109 hộ dân với số lượng khoảng 1.686 người dân.

Trong cơ cấu sử dụng đất, dự án sẽ bố trí hơn 25,7 ha đất xây dựng nhà ở; 13,9 ha đất giao thông; 11,3 ha đất cây xanh; 5,9 ha đất công cộng; 5,1 ha đất chỉnh trang; 1,2 ha xây công trình hỗn hợp và 2,9 ha đất thương mại dịch vụ.

Riêng với hạng mục nhà ở, toàn dự án sẽ có hơn 700 căn nhà ở.

Trong đó, nhà ở tái định cư sẽ có 281 căn, gồm: 129 căn nhà liền kề (cao 4 tầng, mật độ xây dựng 80%, rộng 50 - 197 m2); 152 căn nhà biệt lập (cao 3 tầng, mật độ xây dựng 60%, rộng 276 - 435 m2).

Nhà ở thương mại tại dự án sẽ có 592 căn, bao gồm: 111 căn nhà biệt thự (3 tầng, mật độ xây dựng 45%, rộng 305 - 528 m2); 203 căn biệt lập (3 tầng, mật độ xây dựng 60%, rộng 260 - 433 m2); 278 căn nhà liền kề (4 tầng, mật độ xây dựng 80%, rộng 105 - 192 m2).

Đất nhà ở xã hội sẽ được bố trí thành 10 lô đất (hơn 1,5 ha), mỗi lô rộng 1.545 m2, xây dựng công trình nhà ở cao 7 tầng, mật độ xây dựng 30%.

Đất thương mại dịch vụ sẽ có 4 lô đất, được xây công trình cao 3 - 4 tầng, mật độ xây dựng 40%. Công trình hỗn hợp được xây cao 7 tầng, mật độ xây dựng 40%.

Về quy hoạch giao thông, dự án sẽ lấy quốc lộ 20 làm tuyến đường trục chính, rộng 27 m. Trục đường Lâm Văn Thạnh sẽ nối quốc lộ 20 vào nội khu dự án. Hệ thống giao thông đối nội sẽ mở rộng đường Lâm Văn Thạnh lên 19 m và xây mới trục đường nối Lâm Văn Thạnh với khu dân cư phường 11...

Kiên Trung làm ăn ra sao?

Lãi sau thuế và nợ phải trả của Kiên Trung giai đoạn 2021 - 2023. (Đồ hoạ và tổng hợp: Hoàng Huy).

Về chủ đầu tư, Xây dựng Kiên Trung trước đây là Công ty TNHH, được thành lập vào tháng 4/2003, đến tháng 7/2016 chuyển đổi thành mô hình CTCP. Tính đến tháng 4/2021, vốn điều lệ của Kiên Trung là 600 tỷ đồng, Tổng Giám đốc kiêm đại diện pháp luật là ông Cao Tất Thành. 

Theo tìm hiểu của người viết, tính đến cuối năm 2023, Kiên Trung có vốn điều lệ hơn 618 tỷ đồng. Năm 2023, doanh nghiệp chỉ lãi sau thuế 153 triệu đồng, trong khi cùng kỳ lãi hơn 16 tỷ đồng. 

Hệ số nợ phải trả/vốn chủ tại 31/12/2023 là 2,15 lần, tương ứng với nợ phải trả là 1.329 tỷ đồng, cao hơn gấp đôi so với năm 2022 (655 tỷ đồng). Dư nợ trái phiếu/vốn chủ tính đến cuối 2023 là 0,32 lần, tương ứng dư nợ trái phiếu khoảng 198 tỷ đồng.

Vào tháng 10/2019, Kiên Trung từng phát hành lô trái phiếu mệnh giá 600 tỷ đồng với kỳ hạn 36 tháng, trong năm 2022, doanh nghiệp đã hoàn thành tất toán. Tiếp đó, tháng 11/2021, Kiên Trung tiếp tục huy động lô trái phiếu 300 tỷ đồng với kỳ hạn 36 tháng, hiện giá trị lưu hành còn khoảng 200 tỷ đồng. 

Tháng 11/2023 vừa qua, Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước đã có quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với Xây dựng Kiên Trung do công bố thông tin không đúng thời hạn theo quy định đối với báo cáo tài chính năm 2020, 2021; báo cáo tài chính bán niên 2021 và 2022; tình hình thanh toán gốc, lãi trái phiếu 2020, 2021, bán niên 2021 và 2022; báo cáo tình hình sử dụng nguồn vốn từ phát hành trái phiếu 2020, 2021, bán niên 2021 và 2022; báo cáo tình hình thực hiện các cam kết đối với người sở hữu trái phiếu năm 2022; báo cáo việc hoàn tất mua lại trái phiếu trước hạn.