Sở KH&ĐT tỉnh Thừa Thiên-Huế vừa tổ chức cuộc họp giải quyết vướng mắc dự án khu nghỉ dưỡng Nama (Nama Resort) tại 85 Nguyễn Chí Diểu, phường Thuận Thành, TP Huế. Dự án do Công ty TNHH Đầu tư du lịch Kinh Thành làm chủ đầu tư.
Dự án có mô hình sinh thái hài hòa?
Theo ghi nhận của PV, ngay trước khu đất của dự án còn treo tấm bảng khoanh vùng bảo vệ di tích Khâm Thiên Giám - Bộ Học. Theo bản công bố, dự án Nama nằm trong một khu vực bảo vệ di tích, là vùng có các yếu tố gốc cấu tạo thành di tích nên việc xây dựng công trình ở đây không được làm ảnh hưởng đến yếu tố gốc cấu thành di tích, cảnh quan thiên nhiên và môi trường sinh thái.
Hơn 10 năm trước, Công ty CP Du lịch Hương Giang (hiện nắm giữ trên 50% cổ phần Công ty Kinh Thành) đã có chủ trương đổi lấy khu đất này với mục đích xây dựng khu khách sạn, nhà hàng. Thời điểm này, dự án gặp phải nhiều phản ánh của người dân và báo chí lo ngại công trình sẽ ảnh hưởng đến cảnh quan của khu vực kinh thành.
Năm 2007, từ yêu cầu của Bộ Văn hóa - Thông tin, đoàn khảo cổ học Bảo tàng Lịch sử Việt Nam phối hợp với Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế tiến hành khai quật khảo cổ học khu di tích này. Việc khai quật nhằm thu thập thông tin khoa học và các giai đoạn văn hóa hiện đang nằm sâu trong lòng đất để giải phóng mặt bằng giao cho Công ty Du lịch Hương Giang. Đến năm 2015 tỉnh Thừa Thiên-Huế mới đồng ý cho Công ty Kinh Thành đầu tư xây dựng khu nghỉ dưỡng đẳng cấp sáu sao thì tiếp tục vấp phải nhiều sự phản đối.
Tại cuộc họp đầu năm 2019, ông Phan Thanh Hải, khi đó là giám đốc Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế (nay là giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao), khẳng định quá trình khai quật khảo cổ học cho thấy các dấu tích phát hiện được khá mờ nhạt, không đủ để phản ánh công trình ngày xưa.
Đồng thời, ông Hải cho rằng dự án này có mô hình sinh thái hài hòa, phù hợp tổng thể di tích, bổ trợ khai thác dịch vụ du lịch hiệu quả. Hiện nay, chủ đầu tư dự án đang yêu cầu giao quyền thuê đất ít nhất 49 năm theo luật quy định nhưng khu vực triển khai dự án lại nằm trong khoanh vùng bảo vệ di tích nên không thể giao đất với thời hạn như yêu cầu. Để gỡ vướng, UBND tỉnh Thừa Thiên-Huế đã giao nhiệm vụ cho Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế chủ trì, phối hợp với các cơ quan khác tiến hành nghiên cứu, điều chỉnh khu đất trên.
Dự án Nama nằm trong khoanh vùng bảo vệ di tích Khâm Thiên Giám - Bộ Học. Ảnh: NGUYỄN DO
Chưa cấp phép xây dựng
Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, ông Hoàng Việt Trung, Phó Giám đốc Sở KH&ĐT tỉnh Thừa Thiên-Huế, cho biết do dự án nằm trong vùng di sản nên sở vừa tổ chức cuộc họp nhằm rà soát lại những vấn đề về quy hoạch, đất đai liên quan đến dự án. Tại buổi làm việc, đại diện nhà đầu tư mong muốn sớm hoàn thành các thủ tục để thực hiện dự án.
Để tìm hiểu thêm thông tin về dự án, PV đã liên hệ, đặt lịch làm việc nhưng chưa nhận được câu trả lời từ phía chủ đầu tư. |
Theo Sở Xây dựng, phương án kiến trúc đã được Sở tổ chức họp góp ý hồi tháng 7/2017 với sự tham gia của nhiều cơ quan, đơn vị. Trong đó có Sở Văn hóa - Thể thao, Sở Du lịch, UBND TP Huế, Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế, Viện Quy hoạch xây dựng tỉnh, đại diện các hội nghề nghiệp cùng các chuyên gia nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực quy hoạch kiến trúc.
Dự án được thiết kế theo xu hướng truyền thống, sử dụng mái dốc lợp ngói, thấp tầng, mật độ xây dựng khoảng 40%, chiều cao công trình từ cốt mặt đất đến đỉnh mái khoảng 9,5 m (tương đương các công trình kiến trúc xung quanh như điện Long An, Di Long Đường…), đảm bảo hài hòa với không gian kiến trúc cảnh quan khu vực kinh thành Huế và phù hợp với tính chất dự án.
Ngày 4-10, Sở Xây dựng thông tin dự án khu nghỉ dưỡng Nama đã được sở thẩm định thiết kế cơ sở vào tháng 4-2018 và thẩm định thiết kế kỹ thuật vào tháng 8/2018. Tuy nhiên, trên thực tế dự án vẫn chưa được cấp phép xây dựng vì nhà đầu tư chưa hoàn tất các thủ tục liên quan.
Nhà nghiên cứu văn hóa Nguyễn Xuân Hoa, nguyên Giám đốc Sở Văn hóa - Thông tin tỉnh Thừa Thiên-Huế, cho rằng khu vực này nằm trong hồ sơ công nhận di tích cấp quốc gia đặc biệt, di sản văn hóa thế giới nên mọi hoạt động ở đây phải tuân thủ theo Luật Di sản. Trong đó có quy định khu vực bảo vệ một di tích phải phục hồi nguyên trạng về kiến trúc. Bất cứ dự án gì cũng phải thận trọng, luật không cấm hẳn việc khai thác di tích nhưng không được xâm phạm. Dự án triển khai phải tuân thủ yếu tố gốc đã có với hai cách. Thứ nhất là từ yếu tố gốc để khôi phục công trình nhưng bên trong được thiết kế nhằm sử dụng như một resort. Cách thứ hai là có thể làm mới nhưng phải tuân thủ yếu tố kiến trúc, giới thiệu địa điểm lịch sử Khâm Thiên Giám bởi ở đây vẫn còn cổng và nhà chính của di tích này. Ông Hoa cũng cho rằng khu vực đường Đoàn Thị Điểm là không gian văn hóa, lịch sử tiếp giáp Hoàng thành Huế, là điểm ra của du khách sau khi tham quan di tích. Vì vậy, địa phương nếu muốn khai thác thì nên quy hoạch lại không gian đường Đoàn Thị Điểm - Lê Thánh Tôn đoạn từ đường Mai Thúc Loan đến đường 23 Tháng 8. Việc quy hoạch phải thể hiện ý đồ không gian về kiến trúc, sinh hoạt, dịch vụ, kinh tế để tạo ra không gian văn hóa lịch sử, góp phần thu hút khách, tôn tạo vẻ đẹp kinh thành. “Yếu tố cần lưu ý là dự án này có địa chỉ tại 85 Nguyễn Chí Diểu. Khu đất này trước kia không thuộc tuyến đường này, việc cho phép như vậy dễ dẫn đến việc nhà đầu tư triển khai xây dựng công trình có hướng quay lưng với các công trình di tích kinh thành Huế, đối mặt với khu di tích Lục Bộ nếu khu này được khôi phục” - ông Hoa lo lắng. |