Kiểm toán nghi ngờ khả năng hoạt động liên tục, Vạn Phát Hưng lạc quan vẫn xoay được dòng tiền

Sau kiểm toán, Vạn Phát Hưng báo lỗ 800 triệu đồng trong năm 2023, cũng là lần đầu báo lỗ. Trước nghi ngờ về khả năng hoạt động từ phía đơn vị kiểm toán, doanh nghiệp cho biết vẫn đảm bảo khả năng hoạt động liên tục nhờ vào một số chiến lược của ban lãnh đạo.

Một dự án tại Nhà Bè của VPH. (Ảnh tư liệu: Hoàng Huy).

CTCP Vạn Phát Hưng (mã chứng khoán: VPH) vừa công bố báo cáo tài chính hợp nhất kiểm toán năm 2023 với kết quả lỗ sau thuế hơn 800 triệu đồng, trong khi báo cáo trước kiểm toán ghi nhận lãi sau thuế 4,5 tỷ đồng. Đây là lần đầu kể từ năm 2006 doanh nghiệp báo lỗ.

Theo giải trình của VPH, kết quả này do điều chỉnh tăng giá vốn bán hàng bất động sản của khoản chi phí dự án trích trước nay đã thực hiện; điều chỉnh tăng chi phí xây dựng cơ bản dở dang các năm trước hợp lý nhưng không hợp lệ vào kết quả kinh doanh trong kỳ; ngoài ra còn điều chỉnh giảm thuế thu nhập doanh nghiệp tương ứng với giá vốn điều chỉnh tăng. 

So với năm 2022, lợi nhuận của VPH giảm 104%. Lý giải, theo VPH là bởi doanh thu thuần trong năm giảm 55% do chỉ ghi nhận doanh thu còn lại của dự án C.T.C ở phường Long Trường, quận 9 của công ty con (đã ghi nhận phần lớn doanh thu ở năm 2021 và 2022).

Cùng với đó, chi phí tài chính tăng khoảng 90% do doanh thu tài chính tăng, dòng tiền đi vay tăng để bù đắp vốn lưu động trong năm. Chi phí quản lý doanh nghiệp tăng 11% do năm 2022 nhân sự được phân bổ sang bộ phận bán hàng...

Đơn vị kiểm toán báo cáo tài chính hợp nhấp là Công ty TNHH Kiểm toán và Tư vấn UHY đã bày tỏ về khả năng hoạt động liên tục của VPH.

"Tại ngày 31/12/2023, tổng tài sản ngắn hạn trên báo cáo tài chính riêng của công ty mẹ đang thấp hơn nợ phải trả ngắn hạn số tiền là 542 tỷ đồng, chủ yếu là do các khoản vay tổ chức và vay cá nhân, đồng thời dòng tiền từ hoạt động kinh doanh chính của công ty trên cả báo cáo tài chính riêng lẫn hợp nhất đều bị âm.

Những điều này cho thấy có sự tồn tại của yếu tố không chắc chắn trọng yếu có thể dẫn đến nghi ngờ đáng kể về khả năng hoạt động liên tục của công ty. 

Ban quản lý công ty đã lên kế hoạch kinh doanh và kế hoạch dòng tiền trong năm 2024 để cải thiện hoạt động bình thường cũng như khả năng thanh toán cho các khoản nợ khi đến hạn. Do đó, báo cáo tài chính hợp nhất cho năm tài chính kết thúc ngày 31/12/2023 vẫn được lập dựa trên giả thiết công ty hoạt động liên tục", theo UHY.

Trước ý kiến của đơn vị kiểm toán, VPH vẫn bày tỏ yếu tố tích cực trong hoạt động kinh doanh.

"Hiện nay tài sản ngắn hạn của VPH nằm ở các công ty con. Hàng tồn kho tại CTCP Bất động sản Nhà Bè là khu đất 16,7 ha (tại xã Nhơn Đức, huyện Nhà Bè) có giá trị sổ sách 865 tỷ đồng; tại CTCP Đầu tư Định An là khu đất y tế diện tích 2,2 ha (tại Nhơn Đức, Nhà Bè) có giá trị sổ sách 90 tỷ đồng...

Trong khi đó, các khoản vay lớn của VPH đều nằm ở công ty mẹ, vì thế chỉ số tài sản ngắn hạn trên nợ ngắn hạn ở công ty mẹ tương đối thấp, đạt khoảng 0,7 lần".

Tuy nhiên, VPH cho rằng rằng công ty đảm bảo khả năng hoạt động liên tục nhờ vào một số chiến lược của ban lãnh đạo, như gia hạn những khoản vay đến hạn; gia tăng thu hồi những khoản nợ tiềm tàng; nhanh chóng hoàn tất thủ tục pháp lý dự án Nhơn Đức trong quý II/2024; đủ điều kiện chuyển nhượng một phần công ty con là Bất động sản Nhà Bè cho đối tác nhằm tạo dòng tiền trong hoạt động kinh doanh.

Trước đó vào cuối năm 2023, HĐQT của VPH đã thông qua việc bán toàn bộ gần 9 triệu cổ phần, tương đương 99,8% vốn điều lệ tại công ty con là chủ dự án C.T.C, với mức giá mong muốn không dưới 180 tỷ đồng. Tuy nhiên, doanh thu chuyển nhượng vốn từ các công ty con và công ty liên kết trong năm 2023 của VPH chỉ đạt 41,5 tỷ đồng.

chọn
Có hay không tình trạng đẩy giá chung cư?
Dưới góc nhìn của VARS, trong bối cảnh nguồn cung hạn chế, những chủ thể có sản phẩm sẽ có lợi thế trong việc đưa ra giá bán. Việc người bán đẩy giá khi chung cư hay bất kỳ hàng hóa nào khan hiếm trên thị trường là điều không thể tránh khỏi, song khó có thể xác định và xử lý đầu cơ, thổi giá chung cư.