Kinh Bắc lãi 715 tỷ đồng, phải thu tiếp tục tăng lên hơn 8.600 tỷ

Trong quý đầu năm 2021, Kinh Bắc lãi sau thuế gần 715 tỷ đồng, tương ứng thực hiện được 36% kế hoạch năm và tăng mạnh so với cùng kỳ năm ngoái.
Kinh Bắc hoàn thành 35% kế hoạch lợi nhuận năm, tài sản tiếp tục đạt đỉnh - Ảnh 1.

Nguồn: BCTC hợp nhất quý I/2021 Kinh Bắc. (Hoàng Huy tổng hợp).

Tổng Công ty Phát triển Đô thị Kinh Bắc - CTCP (Mã: KBC) vừa công bố báo cáo tài chính hợp nhất quý I/2021 với doanh thu thuần tăng mạnh so với cùng kỳ năm ngoái, từ 556 tỷ đồng lên 2.002 tỷ đồng.

95% doanh thu của Kinh Bắc đến từ hoạt động cho thuê đất và chuyển nhượng bất động sản (1.904 tỷ đồng). Nguồn thu còn lại đến từ cho thuê kho, nhà xưởng, văn phòng (26 tỷ đồng) và cung cấp nước sạch, điện, phí dịch vụ và xử lý nước thải (71 tỷ đồng).

Kinh Bắc cũng ghi nhận gần 42 tỷ đồng doanh thu từ hoạt động tài chính, phần lớn là lãi tiền gửi và cho vay. Con số này ở quý I/2020 là 16,5 tỷ đồng.

Trong kỳ, các chi phí của doanh nghiệp đều tăng, trong đó chi phí tài chính, chi phí bán hàng và chi phí quản lý doanh nghiệp lần lượt là 94 tỷ đồng, 107 tỷ đồng và 80 tỷ đồng.

Kết thúc quý đầu năm, Kinh Bắc lãi sau thuế gần 715 tỷ đồng, trong khi quý cùng kỳ chỉ đạt hơn 94 tỷ đồng. 

Trong năm 2021, Kinh Bắc đặt mục tiêu tổng doanh thu hợp nhất năm 2021 đạt 6.600 tỷ đồng, gấp ba lần doanh thu thực hiện năm ngoái. Lợi nhuận sau thuế mục tiêu 2.000 tỷ đồng, tăng 573%.

Như vậy, doanh nghiệp đã thực hiện được hơn 30% kế hoạch doanh thu và gần 36% kế hoạch lợi nhuận năm.

Tổng tài sản của Kinh Bắc tại cuối kỳ là 25.279 tỷ đồng, tăng 1.493 tỷ đồng so với đầu năm, chủ yếu do tăng hơn 30% các khoản phải thu ngắn hạn, ghi nhận 8.642 tỷ đồng.

Danh mục hàng tồn kho của Kinh Bắc đến hết quý I có giá trị 11.201 tỷ đồng, giảm nhẹ gần 3% so với đầu năm, phần lớn tập trung tại các dự án KCN - KĐT Tràng Cát (7.273 tỷ đồng); KCN Tân Phú Trung (1.005 tỷ đồng); KĐT Phúc Ninh (1.077 tỷ đồng); KCN Nam Sơn - Hạp Lĩnh (671 tỷ đồng); KĐT Tràng Duệ (676 tỷ đồng);...

Danh mục chi phí xây dựng dở dang dài hạn của doanh nghiệp cũng không chênh lệch nhiều so với đầu năm, ở mức 912 tỷ đồng, chủ yếu tập trung tại dự án Viễn Đông Meridian Towers (729 tỷ đồng) và dự án tại khu Ngoại giao đoàn Hà Nội (107 tỷ đồng);...

Nợ phải trả tính đến cuối kỳ của Kinh Bắc tăng nhẹ 6% so với đầu năm, lên mức 13.912 tỷ đồng, chủ yếu do tăng chi phí phải trả ngắn hạn và vay ngắn hạn.

Tại ĐHĐCĐ thường niên năm 2021 mới đây, bà Nguyễn Thị Thu Hương, Tổng giám đốc Kinh Bắc cho biết, cuối năm 2020, doanh nghiệp đã thu hút được 150 ha trên các KCN. 

Tuy nhiên, đây mới là ký thoả thuận biên bản ghi nhớ (MOU) và khách hàng đặt cọc chứ chưa phát sinh doanh thu. Hợp đồng chính thức sẽ được ký trong năm nay.

Bà Hương cũng cho biết, KCN Tràng Duệ 3 ở Hải Phòng (687 ha) vừa được Chính phủ phê duyệt đầu tư. 

Đối với KCN Nam Sơn Hợp Lĩnh (Bắc Ninh), Kinh Bắc đang làm thủ tục mặt bằng để xin giấy phép đầu tư.

Ở KCN Quang Châu (Bắc Giang), Kinh Bắc cũng đã thu hút được đầu tư lớn từ một tập đoàn khi đã thuê 90 ha trong năm ngoái, sắp tới chuẩn bị ký hợp đồng lớn và dự kiến sẽ mở rộng KCN Quang Châu sang các giai đoạn tiếp theo.

Kinh Bắc cũng có kế hoạch đầu tư vào Hưng Yên và Hải Dương. Trong thời gian tới, doanh nghiệp sẽ thu hút được những tập đoàn lớn với diện tích từ 30 - 50 ha.

Ngoài ra, cuối năm 2020, Kinh Bắc đã nộp 3.500 tỷ đồng tiền sử dụng đất KĐT Tràng Cát 581 ha ở ven biển Hải Phòng, toàn bộ khu này đã đền bù giải phóng mặt bằng. Lãnh đạo công ty cho biết, dự án này có tổng mức đầu tư khoảng 8.000 tỷ.

chọn
Hà Nam: Hai doanh nghiệp bắt tay làm khu công nghiệp 2.600 tỷ trên đường nối Vành đai 4 - Vành đai 5
KCN Thanh Bình II giai đoạn 1 có tổng vốn gần 2.700 tỷ, chủ đầu tư là Công ty TNHH Đầu tư Phát triển Hạ tầng Khu công nghiệp Thanh Bình. Đây là doanh nghiệp được góp vốn bởi GMG Việt Nam và Việt Phát.