Kinh Bắc lên kế hoạch vay tối đa gần 2.000 tỷ đồng từ các công ty con

Chỉ sau nửa tháng ra kế hoạch vay tối đa 700 tỷ đồng từ chủ dự án KCN Quang Châu, Kinh Bắc lại tiếp tục muốn vay thêm công ty con này với hạn mức 200 tỷ đồng.

Theo thông tin từ Hội đồng quản trị (HĐQT) Tổng Công ty Phát triển Đô thị Kinh Bắc - CTCP (mã chứng khoán: KBC), công ty sẽ vay tín chấp với hạn mức 200 tỷ đồng từ một công ty con là CTCP Khu công nghiệp Sài Gòn - Bắc Giang (SBG) để phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh.

Thời hạn vay tối đa là 2 năm và lãi suất theo thỏa thuận tại từng hợp đồng, tiền lãi thanh toán một lần khi tất toán.

Nghị quyết trên được Kinh Bắc thông qua chỉ nửa tháng sau khi khoản vay hạn mức 700 tỷ đồng cũng từ công ty con này được phê duyệt hồi cuối tháng 10 trước đó với cùng mục đích và chi tiết khoản vay. 

Liên quan đến SBG, đây là công ty con do Kinh Bắc nắm 92,5% tỷ lệ biểu quyết. Trên thị trường, SBG được biết đến là chủ đầu tư của Khu công nghiệp Quang Châu với tổng diện tích 600 ha.

Trước đó vào giữa tháng 5, Kinh Bắc cũng từng công bố kế hoạch vay vốn một công ty con khác là CTCP Tập đoàn Đầu tư và Phát triển Hưng Yên với hạn mức 1.080 tỷ đồng, bằng với số vốn mà công ty này đã góp để thành lập đơn vị thành viên này hồi tháng 2 đầu năm nay. 

Về công ty con này, đây là doanh nghiệp được Kinh Bắc cùng một thành viên khác là CTCP Khu công nghiệp Sài gòn - Hải Phòng (SHP) (SHP góp 180 tỷ đồng) để đầu tư quần thể Công nghiệp – Đô thị lớn tại Hưng Yên. Tại thời điểm cuối quý III, tỷ lệ biểu quyết của Kinh Bắc ở công ty con này là 70%. 

Bên cạnh vay vốn công ty con, Kinh Bắc cũng đẩy mạnh tăng vốn thông qua kênh trái phiếu, cổ phiếu. Gần đây nhất ngày 2/11, HĐQT công ty đã phê duyệt phương án phát hành lô trái phiếu mới với tổng trị giá tối đa 1.000 tỷ đồng để chi đền bù hạ tầng và thanh toán phí liên quan đến khu công nghiệp, đồng thời rót vốn vào dự án Tràng Duệ mở rộng ở thành phố Hải Phòng.

Trước đó vào đầu tháng 10, Kinh Bắc đã hoàn tất đợt chào bán 100 triệu cổ phiếu riêng lẻ và thu được gần 3.410 tỷ đồng, trong đó hơn phân nửa (53,1% tương đương 1.811 tỷ đồng) sẽ được công ty dùng để tái cơ cấu các khoản nợ, phần còn lại sẽ được dùng để phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh, tăng quy mô vốn và đầu tư vào các đơn vị thành viên. 

Mặc dù quý III công ty ghi nhận mức lỗ sau thuế sâu nhất trong 8 năm qua với lỗ hơn 59 tỷ đồng, lũy kế 9 tháng đầu năm, doanh thu thuần và lãi sau thuế Kinh Bắc vẫn tăng trưởng dương, lần lượt đạt 3.077 tỷ đồng, tăng 231% và 733 tỷ đồng, tăng 660% so với cùng kỳ năm ngoái.

Tồn kho của Kinh Bắc có giá trị lớn thứ 7 trong toàn ngành với 11.515 tỷ đồng, chủ yếu tập trung tại KCN và đô thị Tràng Cát (7.342 tỷ đồng), KCN Tân Phú Trung (1.223 tỷ đồng); KĐT Phúc Ninh (1.091 tỷ đồng);...

chọn
Hà Nam: Hai doanh nghiệp bắt tay làm khu công nghiệp 2.600 tỷ trên đường nối Vành đai 4 - Vành đai 5
KCN Thanh Bình II giai đoạn 1 có tổng vốn gần 2.700 tỷ, chủ đầu tư là Công ty TNHH Đầu tư Phát triển Hạ tầng Khu công nghiệp Thanh Bình. Đây là doanh nghiệp được góp vốn bởi GMG Việt Nam và Việt Phát.