‘Bố mẹ Việt còn thiếu nhiều tài liệu mới khi dạy con tự kỷ!’ | |
Mẹ đơn thân nuôi con tự kỷ: 'Bảy năm trôi qua mẹ con tôi đã cùng nhau trải qua những cung bậc cảm xúc tột cùng' |
Chị Chu Thị Thu Huyền (Hải Dương), mẹ của em Nguyễn Đăng Minh Hiếu (Bin) đã có 8 năm gắn bó với con mắc hội chứng tự kỷ. Chị là một trong những bà mẹ sẵn sàng từ bỏ công việc kiếm sống, hay để em của Bin cho ông bà để toàn tâm chăm sóc, đưa Bin vào lớp 1 suôn sẻ nhất.
Chị Huyền cùng Bin đã có 8 năm gắn bó với tự kỷ |
Lớp 1 - trang mới cuộc sống của con và mẹ
Nhớ lại những ngày đầu đưa con vào lớp 1, chị Huyền tâm sự. "Khi Bin 6 tuổi, tôi cũng như bao bà mẹ khác, khao khát con được đến trường học chữ. Nhưng ba Bin thì rụt rè sợ hãi, can ngăn 'con không theo được đâu, để con ở nhà đi'. Cảm ơn ba Bin. Nếu không có sự can ngăn ấy có lẽ tôi không mạnh dạn đến trường mua hồ sơ nhập học cho con".
Tôi còn nhớ như in câu hỏi của cô hiệu trưởng: 'Con em có cầm bút được không?'. Bao lo lắng về sự kỳ thị tan biến, tôi mạnh dạn trả lời 'Có cô ạ, cháu thuộc hết bảng chữ cái rồi'. Chỉ vậy thôi là con đã có thể vào lớp 1.
Ngày con nhận lớp, tan buổi tôi lán lại tâm sự với cô chủ nhiệm. Cô còn cảm ơn tôi vì đã không giấu tình trạng của con. Buổi họp đầu năm, tôi đứng lên chia sẻ thẳng thắn về con mình và mong được sự cảm thông từ 36 phụ huynh trong lớp.
Tôi cũng giới thiệu con mình để các bạn trong lớp chịu chơi cùng. Mỗi lần tôi nhìn lén con từ sau cửa lớp học, thấy con được cô giáo cầm tay, uốn nắn viết từng con chữ tôi đều xúc động vô cùng".
Nhìn về kết quả hiện tại đạt được của con, chị tâm sự: "Gia đình tôi phát hiện Bin mắc tự kỷ khi con hơn 2 tuổi. Bin bị rối loạn ngôn ngữ khá nặng nên giao tiếp với bạn vẫn còn kém. Nhưng về nhận thức thì khá tốt, trên lớp con rất ngoan và chăm chú lắng nghe cô giảng bài".
Nguyễn Đăng Minh Hiếu cùng bạn bè trong lớp phá cỗ Trung thu |
"Bin đi học nên tôi cũng rèn ý thức cực cao cho con. Vì vậy mà Bin đi học về lúc nào sách vở cũng sạch sẽ, gọn gàng, không bỏ quên sách vở trên lớp. Về nhà con luôn ý thức làm bài và học bài đầy đủ", chị Huyền chia sẻ.
Bây giờ Bin đã có thể đọc 1 bài tập đọc hay 1 bài khóa tiếng Anh trôi chảy. Trong gia đình, Bin đã có thể giao tiếp bình thường được, với bạn bè và người quen thì chào hỏi nhanh nhẹn nhưng giao tiếp vẫn chưa tốt vì còn nhát. Thậm chí, Bin mới chỉ bắt đầu biết nhai cơm được 4 ngày nhưng chị Huyền vẫn rất hạnh phúc và tự hào mỗi khi nhìn con.
"Nếu tóm tắt về chặng đường suốt 8 năm của hai mẹ con, tôi sẽ chia làm 2 nửa. Nửa đầu là quá khứ đầy nước mắt. Từ khi phát hiện con mắc tự kỷ đến khi con 5 tuổi là quãng thời gian khủng khiếp nhất của hai mẹ con. Quá tuyệt vọng nên đã có lần tôi nghĩ đến cái chết để giải thoát cho bản thân nhưng lại sực tỉnh và thấy mình là một người mẹ vô trách nhiệm. Nửa sau là sự nhen nhóm của hi vọng, có cả nước mắt nhưng đó là nước mắt của niềm hạnh phúc. Từ khi con vào lớp 1, nhất là khi con bắt đầu có ngôn ngữ, tôi cảm thấy có niềm tin hơn vào cuộc sống. Tôi sẽ vẫn tiếp tục đồng hành cùng con dù con đường phiá trước có chông chênh đi chăng nữa. Con nhất định không là gánh nặng của gia đình khi trưởng thành". Chị Chu Thị Thu Huyền |
Chị chia sẻ: "Năm nay Bin học lớp 4 nhưng chưa bao giờ con bị bạn bè trêu chọc mà luôn nhận được sự quan tâm từ thầy cô, thậm chí được ưu ái hơn nhiều bạn khác. Năm lớp 3, Bin được vào đội, tôi nói với cô chủ nhiệm là con chưa xứng đáng và đề bạt bạn khác, nhưng cô giáo lại nói rằng đây là ý kiến nhất trí của cả lớp.
Tôi biết là cô giáo và các bạn trong lớp có giúp đỡ thêm thì con mới được như vậy. Nhưng cũng nhờ được từ khi Bin vào đội con chăm học hơn. Mỗi lần có thái độ lười nhác lại bị mẹ dọa cho ra khỏi đội thiếu niên tiền phong thì con lập tức nghe lời".
Vì Bin vẫn còn nhiều khó khăn trong việc học tập và vui chơi với các bạn nên đây cũng là năm thứ 4 chị Huyền cùng con đến trường. Chị học cùng con, chơi cùng con và các bạn trong lớp 2 buổi vào sáng và đầu giờ chiều mỗi ngày. Cho dù điều này rất mất công và đòi hỏi sự kiên trì, bền bỉ nhưng chị cho rằng đây là cách để có thể hiểu được Bin và hiểu được hết 45 bạn trong lớp con hiện tại.
Sau 8 năm ròng rã theo con từ trẻ tự kỷ điển hình, bây giờ Bin đã biết giúp mẹ việc nhà như nấu cơm, quét sân, đổ rác,… Bin còn làm tốt trách nhiệm của một người anh, yêu thương và giúp đỡ em trong việc học bài.
Chị Huyền rưng rưng: "Bin được như bây giờ là nhờ vào sự yêu thương, giúp đỡ của ban giám hiệu, thầy cô giáo và bạn bè. Cảm ơn thầy cô và bạn bè đã mở rộng vòng tay với con, cho con được hòa vào môi trường học tập và vui chơi bổ ích".
Cha mẹ giúp con hoà nhập môi trường mới
Khi chia sẻ về nguyên nhân khiến trẻ tự kỷ dễ bị khủng hoảng khi bước vào lớp 1, chị Huyền cho rằng điểm chính là do sự thay đổi về môi trường học tập.
Bin đã có thể giúp mẹ giúp một số công việc trong nhà. |
"Với 1 trẻ bình thường khi bước vào lớp 1 cũng dễ có nhiều bỡ ngỡ chứ đừng nói chỉ trẻ tự kỷ mới vậy. Lạ thầy cô, lạ bạn bè, không được chơi thỏa thích nữa mà ngược lại phải làm quen với việc học, phải viết, làm toán nhiều hơn mầm non,... tuân thủ mọi quy tắc của trường lớp", chị cho biết.
Bởi vậy, trước khi Bin chính thức bước vào lớp 1, chị Huyền đã bỏ ra 3 tháng, ngày nào cũng cùng với con đến trường mới để làm quen, giới thiệu với con về bảng đen, phấn trắng,... và tất cả những thứ xung quanh để con không quá bỡ ngỡ.
"Trước khi vào học phải để con làm quen trước với lớp, đồng thời cũng phải chủ động trình bày rõ hoàn cảnh của mình để mọi người biết và thông cảm chứ tuyệt đối không nên giấu nhẹm vì sợ bị kỳ thị. Hằng ngày, mẹ cũng cần phải đến lớp chơi và nói chuyện với các bạn. Mong con nhận được sự nhún nhường từ các bạn nếu như con có lỡ nổi xung và đánh lại bạn", chị Huyền chia sẻ.
Khi phát hiện con mắc tự kỷ, chị đã nghỉ việc ở nhà để theo Bin mọi lúc mọi nơi. "Khi trống vào lớp, tôi lấp sau cánh cửa để theo dõi xem con có quậy phá trong lớp không. Nhưng chủ yếu vẫn là học phương pháp dạy của cô giáo để tối về nhà tôi giảng y hệt như vậy. Nếu cô dạy 1 kiểu, mẹ dạy 1 kiểu tôi sợ rằng con sẽ càng không theo được", chị kể lại.
Bố mẹ không thể bắt người khác chấp nhận con mình! "Trẻ tự kỷ, hay các bố mẹ và các nhà chuyên môn gọi là trẻ VIP vì đòi hỏi chế độ ăn uống, nghỉ ngơi, học tập đặc biệt và cầu kỳ hơn bình thường. Vì vậy, bố mẹ không thể bắt người khác phải chấp nhận con mình, mà phải khiến mọi người cảm thấy sẽ chấp nhận và yêu thương con mình. Điểm cốt yếu là bố mẹ lựa chọn môi trường học cho con như thế nào. Lớp học chỉ có 1 trẻ tự kỷ khác với lớp học có 1 nhóm trẻ tự kỷ. Trước khi quyết định cho con đi học, bố mẹ nên tìm hiểu trước để lựa chọn thầy cô giáo nghiêm khắc hay dịu dàng. Các thầy cô chăm sóc, quan tâm đến con mình thì bố mẹ cũng nên chủ động quan tâm đến các thầy cô. Chọn bạn hiền cho con cũng là điều quan trọng. Bố mẹ quan sát bạn ngồi gần con trong lớp, nhờ bạn để ý nhiều hơn đến con, cùng con ăn, ngủ, hay đi vệ sinh cũng rủ nhau đi. Thỉnh thoảng bố mẹ VIP cũng nên mua quà cho bạn bè của con, nhất là dịp Trung thu hay đầu năm học. Quà đơn giản chỉ là cái bút, quyển vở hay kẹo bánh nhưng các trẻ đều thích. Quan tâm đến những bạn có thái độ kỳ thị với con, giải thích để bạn hiểu hơn về hòan cảnh của con. Tuy nhiên, nếu như môi trường nào đó quá khắc nghiệt, con bị kỳ thị, ác cảm nhiều thì bố mẹ nên lựa chọn môi trường khác phù hợp hơn", chị Hoàng Tú Anh (Hà Nội) có con tự kỷ 10 tuổi, chia sẻ. |
‘Bố mẹ Việt còn thiếu nhiều tài liệu mới khi dạy con tự kỷ!’ | |
Mẹ đơn thân nuôi con tự kỷ: 'Bảy năm trôi qua mẹ con tôi đã cùng nhau trải qua những cung bậc cảm xúc tột cùng' |