Jörg Wuttke, Chủ tịch Phòng thương mại châu Âu tại Trung Quốc, đã ví von như vậy, đặc biệt khi công xưởng lớn nhất thế giới vẫn chưa thể khởi động lại.
Công nhân mắc kẹt ở quê nhà. Các quan chức muốn có kế hoạch y tế chi tiết trước khi các nhà máy hoặc văn phòng mở cửa trở lại. Các dây chuyền lắp ráp của General Motors và Apple thinh lặng. Hơn hai tuần sau khi họ phong tỏa Vũ Hán để ngăn chặn Covid-19, kinh tế nước này vẫn nhàn rỗi như vậy.
Sự bùng phát của dịch viêm phổi và chính nỗ lực ngăn chặn dịch bệnh đã cản trở nền kinh tế nước này. Mặt trái của nỗ lực về y tế là cắt đứt công nhân khỏi công việc và nguyên liệu khỏi nhà máy. Kết quả, sản xuất chậm chạp làm giảm lưu lượng trên các tuyến vận tải thế giới. Sản xuất mọi thứ sụt giảm mạnh, từ ôtô đến điện thoại thông minh.
Chính quyền Trung Quốc đã khóa chặt khu vực miền trung nước này, xung quanh Vũ Hán. Chính quyền địa phương đang có lập trường cứng rắn với giao thông, đồng nghĩa công nhân đang vật lộn để trở lại làm việc. Nhiều thị trấn và thành phố đã bắt đầu áp dụng kiểm dịch bắt buộc trong hai tuần đối với các tài xế xe tải đến, những người chở hàng hóa trong các thành phố có dịch hoặc thậm chí chỉ lái xe qua các khu vực đó.
Wu Lin, Giám đốc tại một công ty quảng cáo ở Thượng Hải, đã trở về Vũ Hán, để ăn Tết hôm 21/1. Cô có một vé tàu cao tốc quay lại Thượng Hải vào ngày 2/2. Nhưng vé bị hủy ngay sau khi Vũ Hán bị phong tỏa. Từ đó, cô thất bại nhiều lần trong việc tìm cách đi khỏi.
Tim Huxley, CEO Mandarin Shipping, một công ty vận tải hàng hóa Hong Kong, cho biết các nhà máy đóng tàu trên khắp đất nước rơi vào tình trạng thiếu lao động. Các công ty đóng tàu và nhà cung cấp sửa chữa tàu đã bắt đầu viện dẫn điều khoản trong hợp đồng về việc thiếu hụt lao động, để chậm hoàn tất các dự án vì sự cố ngoài tầm kiểm soát.
Bên cạnh nỗi lo bệnh tật, đất nước này có gần 300 triệu lao động nhập cư - gần hai phần năm lực lượng lao động - có một lí do khác để miễn cưỡng đi làm xa. Đó là con cái họ vẫn ở nhà. Tùy thuộc vào tỉnh, nhiều trường vẫn cho học sinh nghỉ đến 25/2 hoặc thậm chí là 1/3.
Ngay cả các nhà máy có đủ công nhân cũng gặp vấn đề. Ngành công nghiệp bao bì gần như ngừng hoạt động, vì vật tư gần như cạn kiệt, ông Wuttke nói.
Các nhà quản lí địa phương đang siết chặt nhiều quy định để kiểm soát dịch bệnh. Trước khi doanh nghiệp tại các trung tâm sản xuất lớn như Thượng Hải, Thâm Quyến, Tô Châu hoặc Nam Kinh có thể mở cửa trở lại, họ được lệnh phải xác minh lịch sử du lịch và sức khỏe của mỗi nhân viên trong hai tuần. Họ phải kiểm tra nhiệt độ thường xuyên lực lượng lao động, quy trình rửa tay và kế hoạch cách li và giới thiệu đến bệnh viện bất cứ ai có biểu hiện sốt.
Khó khăn nhất, các doanh nghiệp không thể mở lại mà không có sự chấp thuận về kế hoạch y tế của các quan chức thành phố. Các doanh nghiệp lớn cũng phải chờ một chuyến thị sát bởi một quan chức y tế.
Thâm Quyến đã ban hành các quy tắc an toàn và sức khỏe mới vào chủ nhật. Các nhà máy sản xuất iPhone và các sản phẩm khác của Apple sẽ phải thỏa mãn bộ quy tắc này trước khi vận hành lại. Foxconn Technology cho biết đã đáp ứng tất cả các quy tắc về sức khỏe và vệ sinh nhưng từ chối bình luận khi nào sẽ khởi động lại sản xuất.
Chính quyền Thượng Hải, nơi có hơn 20 triệu người và một loạt các doanh nghiệp, cho biết chỉ 70% các nhà máy đang thực hiện các bước để tiếp tục sản xuất. Keresbs, Chủ tịch của Phòng Thương mại Mỹ tại Thượng Hải, cho biết các doanh nghiệp có thể bảo vệ nhân viên, nhưng cũng không ai muốn bị bắt vì vi phạm luật lao động, hoặc các thông báo hàng ngày từ chính phủ.
Số liệu mới cho thấy Trung Quốc vẫn còn một chặng đường dài trước khi dịch bệnh được đẩy lùi. Tỉ lệ nhiễm nCoV vẫn đang tăng. Ngày càng rõ rằng việc khởi động lại Trung Quốc - nhà sản xuất lớn nhất thế giới, gã khổng lồ thương mại toàn cầu - sẽ khó khăn ngay, dù cho họ có những bước tiến lớn để ngăn chặn dịch viêm phổi trong vài ngày tới chăng nữa.
Thiệt hại vẫn đang lan rộng. Hôm thứ hai, Nissan cho biết họ sẽ đóng cửa nhà máy tại Kyushu (Nhật Bản) trong 4 ngày, bắt đầu vào cuối tuần này, do thiếu nguồn cung phụ tùng từ Trung Quốc. Các nhà sản xuất ôtô khác, như FCA (Italy) và Hyundai (Hàn Quốc), cảnh báo việc thiếu linh kiện từ Trung Quốc có thể buộc họ phải cắt giảm sản lượng tại thị trường quê nhà.
Diễn đàn Phát triển Trung Quốc, nơi tập hợp hàng đầu của các nhà lãnh đạo doanh nghiệp và nhà kinh tế nước này, cho biết hội nghị thường niên, vốn sẽ diễn ra vào tháng tới, đã bị hoãn vô thời hạn.
Các trung tâm kinh doanh lớn, như Bắc Kinh, Thượng Hải và các tỉnh Quảng Đông, Sơn Đông đã hoạt động lại từ đầu tuần. Tuy nhiên, hoạt động kinh doanh như thường lệ vẫn chưa hồi phục. Giao thông ở Bắc Kinh thông thoáng hơn nhiều so với bình thường. Các cửa hàng vẫn đóng và nhiều người làm việc tại nhà hoặc hoàn toàn không làm việc.
Daimler, nhà sản xuất ôtô Mercedes của Đức, cho biết đã bắt đầu tăng cường sản xuất tại các nhà máy Trung Quốc vào thứ hai. Nhưng các công ty lớn khác nói nhà máy của họ vẫn đóng cửa, hoặc hoạt động chậm hơn bình thường. Ford cho biết liên doanh của họ với một trong những công ty nhà nước lớn nhất của Trung Quốc, đã khởi động lại một số hoạt động sản xuất. Nhưng công suất sẽ phải dần được nâng lên vào những tuần tới.
General Motors cho biết sẽ mở lại nhà máy lắp ráp đầu tiên tại Trung Quốc vào thứ bảy, và sẽ dần mở các nhà máy tiếp trong hai tuần tới, "dựa trên nhân viên địa phương, sẵn sàng về an toàn, sẵn sàng về chuỗi cung ứng và nhu cầu tồn kho sản phẩm".
Chưa rõ sự chậm lại của Trung Quốc sẽ ảnh hưởng đến Mỹ như thế nào. Các doanh nghiệp phụ thuộc vào việc lắp ráp nhiều bộ phận khác nhau, từ các nhà cung cấp khác nhau có thể gặp khó nhất. Đứng đầu danh sách là ngành công nghiệp ôtô. Một chiếc xe có thể cần tới 30.000 bộ phận từ nhiều nhà cung cấp.
Các doanh nghiệp Mỹ đã cố gắng đa dạng hóa khỏi Trung Quốc khi cuộc chiến thương mại của Tổng thống Trump với Bắc Kinh nổ ra. Tuy nhiên, rất nhiều bộ phận điều khiển, thiết bị điện tử và thậm chí bản lề cánh cửa của Mỹ vẫn phải nhập từ Trung Quốc. Ông Razat Gaurav, Giám đốc điều hành Llamasoft, một công ty hậu cần chuỗi cung ứng cho các nhà sản xuất ôtô và hàng không vũ trụ ở Bắc Mỹ, xác nhận điều này.
"Nếu cuộc khủng hoảng Covid-19 tiếp tục ảnh hưởng đến năng lực sản xuất ở Trung Quốc", ông nói ,"nó rồi sẽ tác động đến các nhà máy lắp ráp ôtô ở Mỹ và Mexico".
Tiêu dùng 11:18 | 15/06/2020
Tiêu dùng 16:54 | 14/06/2020
Tiêu dùng 09:30 | 14/06/2020
Kinh doanh 06:37 | 14/06/2020
Kinh doanh 15:51 | 13/06/2020
Kinh doanh 06:35 | 13/06/2020
Kinh doanh 16:27 | 11/06/2020
Tiêu dùng 17:00 | 10/06/2020