Kon Tum cảnh báo tình trạng tự ý phân lô, chuyển nhượng đất nông nghiệp bằng giấy viết tay

TP Kon Tum phát hiện một số đối tượng đã mua đất nông nghiệp, thực hiện tách thửa, phân lô trên thực địa và bán lại nhưng không lập Hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất thông qua công chứng, chứng thực của cơ quan có thẩm quyền mà chỉ viết giấy tờ tay, thỏa thuận giữa bên mua, bên bán.

Vừa qua, UBND TP Kon Tum đã có văn bản yêu cầu các cơ quan, đơn vị thuộc thành phố; UBND các xã, phường trực thuộc tăng cường công tác quản lý nhà nước đối với lĩnh vực đất đai, kiểm soát chặt chẽ nhu cầu chuyển đổi mục đích sử dụng đất trên địa bàn.

Theo đó, thông qua các trang mạng xã hội Facebook, Zalo và công tác kiểm tra thực địa trên địa bàn Chư Hreng, Ngok Bay, Đăk Cấm, Đăk Rơ Wa, Hòa Bình, Vinh Quang, Ngô Mây, Trần Hưng Đạo…, TP Kon Tum phát hiện một số đối tượng đã mua đất nông nghiệp, thực hiện tách thửa, phân lô trên thực địa và bán lại nhưng không lập Hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất thông qua công chứng, chứng thực của cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Việc chuyển nhượng chỉ thông qua hình thức viết giấy tờ tay, thỏa thuận giữa bên mua và bên bán.

UBND TP Kon Tum cho biết việc làm này là trái quy định, làm nảy sinh tình trạng tranh chấp, khiếu nại về đất đai, gây ảnh hưởng đến an ninh trật tự và quyền lợi của người dân khi nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất.

Việc thực hiện phân lô, tự ý mở đường giao thông trong thửa đất mà không có ý kiến của cơ quan có thẩm quyền ảnh hưởng đến quy hoạch sử dụng đất thành phố, không phù hợp với quy hoạch đã phê duyệt, ảnh hưởng đến môi trường, cảnh quan và vi phạm về trật tự xây dựng, đất đai tại địa phương.

Kon Tum cảnh báo tình trạng tự ý phân lô, chuyển nhượng đất nông nghiệp bằng giấy viết tay - Ảnh 1.

Nhiều xã, phường trên địa bàn TP Kon Tum đang diễn ra tình trạng tự ý phân lô đất nông nghiệp sau đó chuyển nhượng bằng giấy viết tay. (Ảnh: Báo Kon Tum).

TP Kon Tum yêu cầu các xã, phường khuyến cáo cán bộ công chức, viên chức, người dân nâng cao tinh thần cảnh giác trước các hình thức tư vấn, môi giới, dịch vụ bất động sản nhưng chưa rõ thông tin.

Khi có nhu cầu thông tin, giao dịch về nhà đất, người dân liên hệ các cơ quan chức năng để tìm hiểu kỹ thông tin quy hoạch, tính pháp lý của thửa đất và được hướng dẫn về thủ tục mua bán nhà, đất theo đúng quy định để hạn chế thấp nhất các rủi ro, tránh bị lừa gạt, phát sinh tranh chấp, vi phạm pháp luật.

Bên cạnh đó, các địa phương chấn chỉnh công tác quản lý đất đai, trật tự xây dựng trên địa bàn; không để người dân tự ý san lấp mặt bằng, mở đường trái phép và xây dựng công trình trái phép trên đất không phù hợp quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, quy hoạch xây dựng đã phê duyệt.

Địa phường thường xuyên kiểm tra, phát hiện và xử lý hành vi vi phạm, đặc biệt là hành vi sử dụng đất không đúng mục đích. Không xác nhận hồ sơ đề nghị tách, hợp thửa; hiến đất làm đường đối với các trường hợp tự ý tách, hợp thửa, san lấp mặt bằng, xây dựng công trình khi chưa được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép.

Công chức địa chính khi tiếp nhận hồ sơ phải thẩm tra, thẩm định hồ sơ phù hợp với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất hàng năm và quy hoạch xây dựng. Tiến hành thẩm tra thực tế thửa đất đang chuyển đổi (có tranh chấp không, đất trống hay đã xây dựng công trình...) và chịu trách nhiệm trước pháp luật về các thông tin đã xác nhận.

chọn
Những ông lớn địa ốc hiện diện tại 'Đất Tổ' Phú Thọ
Vài năm trở lại đây, Phú Thọ liên tục đón các doanh nghiệp lớn ngành bất động sản như GP Invest, T&T hay BV Land... Hiện nay, Ecopark và Tasco cũng đang hướng đến dự án bất động sản đầu tiên tại địa phương này.