Vụ cháy lớn xảy ra vào khoảng 2h chiều 1/11 đã thiêu rụi 4 căn nhà mặt phố Trần Thái Tông (Cầu Giấy, Hà Nội) |
Khi xảy ra cháy, hỏa hoạn, điều quan trọng nhất là phải giữ bình tĩnh. Chỉ khi bình tĩnh, mới có thể xử lý tình huống và kịp thời thoát nạn, tự cứu mình và những người xung quanh. Theo cán bộ thuộc Cảnh sát PCCC TP Hà Nội, mọi người cần trang bị kỹ năng thoát nạn khi xảy ra cháy, hỏa hoạn. Cụ thể khi xảy ra cháy, cần thực hiện theo các bước sau.
1. Báo động với mục đích cho mọi người xung quanh biết là có cháy xảy ra.
2. Cắt điện để tránh hiện tượng chập cháy sang các khu vực lân cận.
3. Gọi điện báo cho lực lượng Cảnh sát PCCC (số điện thoại 114).
4. Tổ chức chữa cháy và di chuyển tài sản ra khỏi đám cháy. Nếu đám cháy quá to không thể khống chế thì mới bắt đầu tổ chức thoát nạn.
Khi xảy ra cháy, hỏa hoạn, công tác thoát nạn được ưu tiên đặt lên hàng đầu. Để thoát nạn, cần chú ý đến lối thoát nạn và có kỹ năng tổ chức thoát nạn.
Lối thoát nạn là gì?
Lối thoát nạn an toàn là lối ra không bị khói, bụi, sản phẩm cháy che phủ, không bị các tác động nguy hiểm của đám cháy gây uy hiếp tới tính mạng con người. Các lối thoát nạn phải dễ nhận thấy và đường dẫn tới lối đi phải được đánh dấu rõ ràng bằng ký hiệu hướng dẫn. Đó có thể là cửa đi, hành lang dẫn tới các khu vực an toàn hoặc lối đi dẫn tới cầu thang bộ, lối đi ngang dẫn sang công trình liền kề…
Sử dụng thang máy là điều cấm kị khi thoát khỏi nơi có xảy ra hỏa hoạn. |
Những điều nên và cấm kị khi thoát nạn
Khi thoát nạn, cần thực hiện các việc sau đây:
- Thật bình tĩnh và thông báo cho mọi người cùng biết để thoát nạn.
- Không sử dụng thang máy để thoát nạn, chỉ thoát theo các đường hành lang, cầu thang bộ, mái nhà và ban công ở tầng thấp.
- Không nên giúp đỡ người khác thoát nạn khi bản thân cũng đang bị khói, lửa đe dọa đến tính mạng.
- Không vào nhà vệ sinh vì nghĩ rằng trong đó có nước, khi vào nhà vệ sinh thì chúng ta sẽ không thoát được ra ngoài, và thường chết vì ngạt khói trước.
- Trong quá trình thoát nạn phải tuân thủ theo đúng sự hướng dẫn của người chỉ huy hoặc nhân viên hướng dẫn thoát nạn của tòa nhà, siêu thị.
Nên làm gì khi bị kẹt trong đám cháy nhiều khói
Cúi thấp người khi di chuyển vì khói luôn bay lên cao. |
Khi bị kẹt trong đám cháy nhiều khói, phải tuân thủ các nguyên tắc sau:
- Cúi thấp người khi di chuyển vì khói luôn bay lên cao.
- Nếu lượng khói tập trung nhiều, để tránh ngạt cần bò dưới sàn rồi thoát ra ngoài.
- Để chống nhiễm độc khói, nên lấy khăn thấm nước che kín miệng và mũi để lọc không khí khi hít thở hoặc sử dụng mặt nạ chống khói.
Kỹ năng thoát nạn, tự cứu mình và người xung quanh
Muốn thoát ra khỏi đám lửa, dùng chăn, mền nhúng nước trùm lên người và chạy nhanh ra ngoài, tránh để lửa bén vào trang phục.
Nếu có khói lửa đang lan đến gần, phải dùng vải, quần áo chèn vào các khe hở để không có khói, lửa tràn nhanh vào nhà.
Khi thoát ra ngoài cửa sổ hay hành lang phải dùng mọi cách để lực lượng CS PCCC nhận ra bằng cách vẫy tay, la hét, dùng đèn pin, sử dụng khăn, quần áo sẫm màu.
Nếu thấy an toàn để thoát thân và có một cửa lớn đang đóng, trước khi thoát ra bằng lối đó phải kiểm tra độ nóng của cửa bằng cách đặt mu bàn tay lên cửa. Không mở cửa nếu thấy cửa ấm hoặc nóng.
Nếu thấy cửa không bị tác động nhiệt thì mở cửa từ từ và đè sát người vào cửa. Nếu thấy có lửa và khói phía bên kia thì đóng lại ngay lập tức đồng thời chèn kỹ các khe hở không cho khói, lửa lan vào phòng.
Nếu không có lửa và khói tiến đến thì nhanh chóng thoát ra ngoài đồng thời đóng cửa lại nhưng không được khóa cửa. Trên đường thoát nạn tìm mọi cách báo động cho mọi người cùng thoát nạn an toàn.
Xử trí thế nào khi bị lửa bén vào người
Khi bị lửa làm cháy quần áo, phải ngưng chuyển động, che mặt nếu có thể. Sau đó nằm xuống và lăn qua, lăn lại cho đến khi lửa được dập tắt.
Không được chạy vì gió có thể làm lửa cháy bùng thêm. Không được nhảy vào hồ bơi, bể chứa hay thùng nước vì nước có thể bị nấu sôi khi bị lửa tác động. Đặc biệt không vào nhà vệ sinh vì nghĩ rằng trong đó có nước, khi vào nhà vệ sinh thì chúng ta sẽ không thoát được ra ngoài, và thường chết vì ngạt khói trước.
Khi thấy người khác bị cháy, hãy giúp người đó dừng lại, nằm xuống và lăn người qua lại. Dùng chăn, mền, quần áo choàng lên người để dập tắt lửa.
Báo cháy kịp thời cho cơ quan Cảnh sát PCCC và CNCH theo số điện thoại 114 để được hỗ trợ trong công tác chữa cháy, thoát nạn, cứu nạn khi có người bị kẹt trong đám cháy.
Khi thoát nạn ra ngoài an toàn nên tập trung ở một nơi và kiểm tra lại danh sách xem còn có người bị kẹt lại trong đám cháy không, từ đó có các biện pháp cứu người bị kẹt trong đám cháy ra ngoài an toàn.