![]() |
Làm thêm quá giờ đã "ăn sâu" vào suy nghĩ của nhiều người lao động Nhật Bản, khiến chính phủ phải tìm mọi cách để giảm tình trạng này. Ảnh minh họa: AP |
Theo AFP, một ủy ban do Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đứng đầu đã đưa ra dự luật giới hạn giờ làm thêm tối đa của người lao động là 100 tiếng mỗi tháng. Ông Abe gọi đây là "bước đi lịch sử để thay đổi thói quen làm việc tại Nhật Bản".
Dự luật này được cho là nhằm xoa dịu cuộc khủng hoảng sức khỏe quốc gia, sau khi giám đốc hãng quảng cáo Dentsu xin từ chức vì sự việc nhân viên Matsuri Takahash tự vẫn vì thường xuyên làm quá 100 tiếng/tháng hồi năm 2016.
Thông tin về cái chết của Takahashi tràn ngập trên các bản tin báo chí, thúc đẩy chính phủ Nhật nhanh chóng tìm cách giải quyết tình trạng làm thêm giờ, vốn được cho là nguyên nhân của hàng trăm vụ tử vong vì đột quỵ, suy tim và tự sát mỗi năm.
Luật mới ra đời sẽ hạn chế số giờ làm thêm và phạt tiền các doanh nghiệp không tuân thủ. Theo kế hoạch ban đầu do Keidanren, tổ chức vận động hành lang uy tín của Nhật và Liên đoàn Công đoàn Nhật Bản (Rengo) đề xuất, thời gian làm thêm tối đa của nhân viên không được vượt quá 45 tiếng mỗi tháng.
Nhưng để phù hợp với luật lao động, đề xuất này được sửa đổi và dự kiến trình lên quốc hội trong năm nay. Theo đó, mức trần cho giờ làm thêm tối đa của người lao động ở Nhật là 100 tiếng/tháng.
Tranh cãi và khó giải quyết
![]() |
Một hình ảnh không hiếm tại Nhật Bản. Ảnh: AFP |
Chủ tịch Hiệp hội Rengo, Rikio Kozu, cho rằng đề xuất mới về giới hạn 100 giờ làm thêm mỗi tháng là “bước đầu nhằm loại bỏ karoshi".
Tuy nhiên, Hifumi Okunuki, một nhà hoạt động và giáo viên tại Đại học Nữ sinh Sagami, cho rằng đề xuất này chưa đủ và số ca tử vong chắc chắn sẽ tăng cao hơn nếu chính phủ không có biện pháp nghiêm ngặt hơn.
Hiệp hội luật sư Nhật Bản gọi đề xuất này là "cực kỳ không phù hợp" và "không thể ủng hộ". "Điều này tương đương với việc thông qua mức thời gian giới hạn có thể dẫn tới những cái chết vì làm việc quá sức".
Trong khi đó, những người có người thân qua đời vì hội chứng karoshi (làm việc quá sức) cũng phản đối đề xuất này. "Điều đó thật quá đáng", Emiko Teranishi, người đứng đầu hiệp hội các gia đình nạn nhân hội chứng Karoshi, cho biết. "Tôi nghĩ chính phủ cuối cùng cũng sẽ giải quyết vấn đề này. Nhưng đề xuất hiện nay là lạc hậu, không phải một bước tiến".
Chồng của Teranishi là quản lý một nhà hàng mì soba ở Kyoto. Ông tự sát vào giữa những năm 1990 do làm việc quá sức trong lúc nhà hàng đang gặp khó khăn. "Chồng tôi làm việc tổng cộng 4.000 giờ một năm mà không nghỉ cuối tuần. Anh ấy chỉ có tối đa hai ngày nghỉ mỗi tháng”, bà Teranishi nói.
Sau giai đoạn chiến tranh, làm việc nhiều giờ, uống rượu với sếp rồi trở về nhà trên chuyến tàu cuối cùng là hình ảnh quen thuộc của một nhân viên ở Nhật suốt nhiều thập kỷ qua. Người Nhật vẫn giữ thói quen dành thời gian làm việc nhiều hơn so với người dân ở các nền kinh tế hiện đại khác.
Hiện tại, các công ty còn để nhân viên làm việc quá 40 tiếng/tuần vào đợt cao điểm. Làm thêm giờ được xem là cách nhân viên cống hiến cho công ty, dù năng suất lao động của người Nhật vẫn xếp dưới các nước như Mỹ hay một vài quốc gia châu Âu.