Lần điều chỉnh quy hoạch giúp Aeon có hơn 9 ha đất ở chuỗi đô thị trung tâm tây Hà Nội

Trong hai ngày, Hà Nội hoàn tất việc điều chỉnh quy hoạch, chuyển 9,5 ha đất Y tế sang Thương mại dịch vụ giúp Aeon Việt Nam có thể xây trung tâm thương mại trên nền dự án Bệnh viện Quốc tế Hà Đông cũ.

Trung tâm thương mại (TTTM) Aeon Mall Hà Đông được xây dựng với tổng vốn đầu tư khoảng 192,5 triệu USD tại khu đất rộng hơn 9,5 ha ở phường Dương Nội, quận Hà Đông, TP Hà Nội.

Đây là khu đất có vị trí đẹp với việc nằm ở phía bắc Phân khu đô thị S4, thuộc chuỗi đô thị mở rộng phía tây Hà Nội. Những năm qua, tốc độ đô thị hóa khu vực này diễn ra khá nhanh với hàng loạt dự án nhà ở, khu đô thị lớn đã và đang xây dựng như: Khu đô thị mới Dương Nội, khu nhà ở Dương Nội, khu đô thị Geleximco, khu đô thị Vinhomes Smart City, khu đô thị Nam An Khánh, khu đô thị Nam Cường…

Trước khi Aeon Việt Nam tìm tới, mảnh đất hơn 9,5 ha nói trên là một phần dự án Bệnh viện quốc tế Hà Đông do Công ty TNHH Đầu tư Phát triển Sản xuất Hạ Long (Công ty ĐTPTSX Hạ Long) làm chủ đầu tư.

Bệnh viện quốc tế Hà Đông được duyệt quy hoạch từ năm 2008

Dự án Bệnh viện quốc tế Hà Đông được UBND tỉnh Hà Tây trước đây (khi chưa sáp nhập vào Hà Nội) phê duyệt quy hoạch chi tiết (tỷ lệ 1/500) vào ngày 25/4/2008. Bệnh viện dự kiến được xây dựng trên khu đất có diện tích khoảng 16,7 ha (167.217 m2).

Căn cứ theo Luật đất đai năm 2003, Luật Đầu tư năm 2005, Nghị định số 108/2006/NĐ-CP Quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật đầu tư… thì việc thành lập các bệnh viện như trường hợp Bệnh viện quốc tế Hà Đông thuộc "lĩnh vực ưu đãi đầu tư". Một trong những chính sách ưu đãi mà nhà đầu tư đầu tư được hưởng là "miễn, giảm thuế sử dụng đất, tiền sử dụng đất, tiền thuê đất"...

Hành trình nắm giữ những mảnh đất đẹp của Aeon Việt Nam (Bài 3): Lần điều chỉnh quy hoạch thần tốc giúc Aeon có 9 ha đất ở chuỗi đô thị trung tâm tây Hà Nội - Ảnh 1.

Aeon Mall Hà Đông là TTTM thứ hai của Aeon tại Hà Nội. (Ảnh: Aeonmall-vietnam.com).

Phần lớn diện tích thuộc dự án Bệnh viện quốc tế Hà Đông khi đó là đất nông nghiệp (308 hộ dân đang sử dụng, còn lại là của Công ty TNHH MTV Đầu tư Phát triển Sông Đáy). Bởi vậy, chi phí giải phóng mặt bằng tại dự án khá thuận lợi.

Theo văn bản của Chi nhánh Phát triển quỹ đất Hà Đông, Trung tâm Phát triển quỹ đất Hà Nội, gửi hộ ông Dương Văn Hà (khu La Nội, phường Dương Nội) về việc thông báo nhận tiền bồi thường, hỗ trợ giải phóng mặt bằng dự án này thì mức tiền bồi thường về đất là 201.600 đồng/m2, tiền hỗ trợ ổn định sản xuất là 35.000 đồng/m2, tiền hỗ trợ chuyển đổi nghề là 30.000 đồng/m2, tiền hỗ trợ bàn giao mặt bằng đúng quyết định là 3.000 đồng/m2.

Thời gian đầu, việc giải phóng mặt bằng cho dự án cũng rất nhanh. Cụ thể, ngày 18/8/2009, UBND TP Hà Nội có quyết định thu hồi 167.217 m2 giao cho Công ty ĐTPTSX Hạ Long thực hiện dự án thì đến ngày 15/10/2010, chủ đầu tư đã được hội đồng bồi thường, hỗ trợ, tái định cư quận Hà Đông bàn giao mặt bằng phần đất đã thực hiện công tác bồi thường, hỗ trợ giải phóng mặt bằng để thực hiện dự án (đợt 1) với diện tích 158.151,7 m2 (khoảng 94 % tổng diện tích dự án).

Tuy nhiên, nhiều năm sau đó, dự án không có dấu hiệu xây dựng. Trong một văn bản trả lời ý kiến, kiến nghị cử tri vào tháng 3/2016, UBND quận Hà Đông cho biết, cử tri trên địa bàn kiến nghị thu hồi dự án này vì đã để đất hoang hóa nhiều năm.

Theo UBND quận Hà Đông, thời điểm đó chỉ còn tồn tại diện tích 3.806,7 m2 của 11 hộ gia đình chưa nhận tiền, chưa bàn giao mặt bằng.

Ngày 29/2/2016, Phòng Tài nguyên và Môi trường Hà Nội phối hợp với các đơn vị liên quan tiến hành kiểm tra hiện trạng quản lý, sử dụng đất của Công ty ĐTPTSX Hạ Long. Kết quả cho thấy, chủ đầu tư đã dựng hàng rào tôn bao quanh khuôn viên khu đất; mặt bằng đã san lấp cơ bản xong; trên khu đất có một lán tạm khung sắt, mái tôn, diện tích khoảng 150 m2 làm trụ sở của ban quản lý dự án; ngoài ra không có thêm công trình xây dựng nào khác, không có hoạt động đầu tư xây dựng.

Điều chỉnh hơn 9,5 ha sang thương mại

Theo tìm hiểu, khoảng thời gian cuối năm 2016, đầu 2017, Chủ tịch UBND TP Hà Nội có buổi làm việc với Công ty ĐTPTSX Hạ Long và Tập đoàn Aeon của Nhật Bản liên quan đến dự án xây dựng bệnh viện và trung tâm thương mại kết hợp nhà ở tại quận Hà Đông. Ngày 23/1/2017 thì UBND TP Hà Nội có thông báo kết luận về buổi làm việc.

Ngày 24/3/2017, UBND quận Hà Đông đã có văn bản phê duyệt phương án cưỡng chế thu hồi đất đối với 7 hộ gia đình, cá nhân cuối cùng chưa nhận tiền bồi thường, hỗ trợ và chưa bàn giao mặt bằng với diện tích 2.890,8 m2. Ngày 3/4/2017, Chi nhánh Phát triển quỹ đất Hà Đông đã gửi thông báo lần cuối cho các hộ dân còn lại về việc nhận tiền bồi thường, hỗ trợ giải phóng mặt bằng dự án.

Đến ngày 7/4/2017, cơ quan chức năng đã tiến hành cưỡng chế thu hồi đất đối với 7 hộ dân nói trên. Trong suốt quá trình này, chưa có thông tin chính thức nào về việc khu đất hơn 16,7 ha làm bệnh viện sắp được chuyển đổi một phần thành đất xây trung tâm thương mại.

Trong văn bản cuối cùng gửi các hộ dân kể trên, thì tên dự án vẫn là "Dự án đầu tư xây dựng Bệnh viện Quốc tế Hà Đông".

Hành trình nắm giữ những mảnh đất đẹp của Aeon Việt Nam (Bài 3): Lần điều chỉnh quy hoạch thần tốc giúc Aeon có 9 ha đất ở chuỗi đô thị trung tâm tây Hà Nội - Ảnh 2.

Khu đất dự án Bệnh viện Quốc tế Hà Đông. (Ảnh: Hạ Vũ).

Hơn một tháng sau ngày cưỡng chế thu hồi đất, khu đất dự kiến xây Bệnh viện quốc tế Hà Đông đã được phê duyệt quy hoạch chi tiết mới trên cơ sở kết hợp điều chỉnh quy hoạch chi tiết dự án cũ. Việc điều chỉnh quy hoạch này, từ thời điểm ra quyết định phê duyệt nhiệm vụ lập quy hoạch tới khi phê duyệt quy hoạch diễn ra trong hai ngày.

Cụ thể, ngày 25/5/2017, UBND TP Hà Nội có Quyết định số 3241/QĐ-UBND "phê duyệt nhiệm vụ quy hoạch chi tiết Bệnh viện Quốc tế Hà Đông và Trung tâm Thương mại, tỷ lệ 1/500 (Điều chỉnh tổng thể quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 Bệnh viện Quốc tế Hà Đông)". Cùng ngày, Sở Quy hoạch - Kiến trúc thành phố có tờ trình liên quan đến vấn đề này.

Ngày 26/5/2017, Chủ tịch UBND TP Hà Nội đã ký Quyết định số 3251/QĐ-UBND phê duyệt quy hoạch chi tiết Bệnh viện Quốc tế Hà Đông và Trung tâm thương mại nói trên.

Theo văn bản này, quy mô dự án khoảng 16,65 ha (khoảng 166.494 m2). Trong đó, diện tích đất y tế (để xây Bệnh viện Quốc tế Hà Đông) giảm xuống còn khoảng 71.124 m2. Phần diện tích còn lại, khoảng 95.370 m2, là đất công cộng đô thị để xây trung tâm thương mại.

Trên bản đồ kế hoạch sử dụng đất quận Hà Đông năm 2018, khu đất 16,65 ha đã được tách làm hai phần, một phần là đất y tế (mã DYT), phần còn lại là đất thương mại dịch vụ (mã TMD).

Tháng 3/2018, Công ty TNHH Aeon Việt Nam đã khởi công xây dựng trung tâm thương mại với tên gọi Aeon Mall Hà Đông trên phần diện tích 95.370 m2 nói trên. Năm 2020, trung tâm thương mại của doanh nghiệp Nhật Bản đã đi vào hoạt động.

HĐND nhắc tên từ năm 2012

Trong văn bản số 57/BC-HĐND, ngày 17/7/2018, báo cáo kế quả giám sát về tình hình quản lý các dự án sử dụng đất chậm triển khai, vi phạm Luật Đất đai trên địa bàn Hà Nội, HĐND TP Hà Nội cho biết, dự án Bệnh viện Quốc tế Hà Đông của Công ty ĐTPTSX Hạ Long thuộc nhóm các dự án đã được đoàn giám sát kiến nghị từ năm 2012 nhưng chưa khắc phục, xử lý dứt điểm.

Theo ghi nhận của chúng tôi, tính đến thời điểm này, phần đất y tế để xây Bệnh viện Quốc tế Hà Đông sau điều chỉnh quy hoạch vẫn chưa xây dựng.

Từ tháng 4 vừa qua, HĐND TP Hà Nội đã tiến hành tái giám sát đối với các dự án sử dụng đất chậm triển khai, vi phạm Luật Đất đai trên địa bàn mà đơn vị này đã giám sát năm 2018. Ngày 28/7, HĐND TP Hà Nội đã có báo cáo kết quả tái giám sát. Ngày 13/8, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Trọng Đông đã ký văn bản chỉ đạo các sở ngành liên quan thực hiện kết luận tái giám sát của HĐND thành phố.