Lạng Sơn là đích ngắm mới của các ông lớn BĐS, hàng loạt doanh nghiệp đổ về trong 4 tháng qua

Từ tháng 4 đến nay, thị trường bất động sản Lạng Sơn bỗng thu hút sự chú ý khi liên tục đón các doanh nghiệp như FLC, IDJ, Sovico... tìm về khảo sát, nghiên cứu đầu tư.
Ông lớn bất động sản ồ ạt kéo lên vùng biên Lạng Sơn - Ảnh 1.

Lạng Sơn là cửa ngõ kết nối Trung Quốc với các nước ASEAN. (Ảnh: Zingnews).

Cách Hà Nội khoảng 150 km, Lạng Sơn là một trong 7 tỉnh biên giới giáp Trung Quốc, nằm ở nút giao kinh tế với các tỉnh Cao Bằng, Thái Nguyên, Bắc Kạn, Quảng Ninh và Bắc Giang, có nhiều tuyến giao thông lớn đi qua như Quốc lộ 1A, 1B, 4A, 4B và tỉnh lộ 279.

Địa phương này cũng là điểm đầu tiên của Việt Nam nằm trên hai tuyến hành lang kinh tế gồm: Nam Ninh (Trung Quốc) - Lạng Sơn - Hà Nội - Hải Phòng và Lạng Sơn - Hà Nội - TP HCM - Mộc Bài, là cửa ngõ kết nối Trung Quốc với các nước ASEAN.

Với vị trí giao thương như vậy, Lạng Sơn có thế mạnh về các ngành kinh tế cửa khẩu và các hoạt động công nghiệp - xây dựng. 

Về bất động sản (BĐS), Lạng Sơn hiện có một số dự án quy mô lớn như Khu tái định cư và dân cư Nam TP Lạng Sơn; Khu tái định cư A Mai Pha; Trung tâm thương mại, khách sạn, nhà phố thương mại của Tập đoàn Vingroup; các KĐT Phú Lộc I, II, III, IV, KĐT Nam Hoàng Đồng...

Địa hình phức tạp với hơn 80% diện tích là đồi núi, thị trường BĐS Lạng Sơn từ trước đến nay nhìn chung ít sôi động hơn so với các tỉnh lân cận như Quảng Ninh, Thái Nguyên hay Bắc Giang. 

Song, vài tháng trở lại đây, địa phương này bỗng nổi lên khi liên tục đón các doanh nghiệp lớn về tìm hiểu, nghiên cứu đầu tư dự án.

Loạt ông lớn tìm về

Vào tháng 4, CTCP Đầu tư IDJ Việt Nam (Mã chứng khoán: IDJ) đã được UBND tỉnh Lạng Sơn cho phép lập quy hoạch dự án KĐT sinh thái Yên Trạch, huyện Cao Trạch. Dự án có diện tích 64 ha, quy mô dân số dự kiến 4.000 - 5.500 người.

IDJ cho biết, doanh nghiệp muốn tài trợ quy hoạch dự án KĐT sinh thái Yên Trạch, đồng thời triển khai thực hiện dự án nếu trúng thầu. 

Hiện nay, IDJ đang đầu tư hai dự án ở TP Lạng Sơn là KĐT APEC Diamond Park Lạng Sơn và APEC Golden Palace Lạng Sơn.

Cũng trong tháng 4, tỉnh nhận được đề xuất hai dự án tại thôn Nhất Hà, xã Hồ Sơn, huyện Hữu Lũng.

Theo đó, CTCP Đầu tư Xây dựng và Phát triển Trường An đề xuất việc nghiên cứu, khảo sát lập quy hoạch khu dân cư - đô thị thôn Nhất Hà. Ngoài ra, CTCP Tư vấn Đầu tư và Phát triển Lavico cũng đề xuất lập quy hoạch đối với dự án khu dân cư Hồ Sơn 1.

Ông lớn bất động sản ồ ạt kéo lên vùng biên Lạng Sơn - Ảnh 2.

Dự án APEC Diamond Park tại Lạng Sơn IDJ đang đầu tư. (Ảnh: APEC Group).

Chiến lược của Kai Chieh là tận dụng vị trí cửa khẩu để xây dựng các khu nhà ở thương mại; áp dụng mô hình casino ở Macau để xây dựng khu du lịch nghỉ dưỡng casino Lạng Sơn; xây dựng sân golf để làm trung tâm giải trí cho người dân hai bên biên giới.

Cụ thể, doanh nghiệp này muốn phát triển 100 ha nhà ở, dịch vụ thương mại; 68 ha xây dựng sân golf và 18 ha cho các mục đích khác.

Đến tháng 6, thị trường BĐS Lạng Sơn thu hút sự chú ý trước thông tin CTCP Tập đoàn Sovico sẽ tham gia hồi sinh Khách sạn - Sân golf Hoàng Đồng tại TP Lạng Sơn. 

Dự án Hoàng Đồng được cấp phép lần đầu vào tháng 3/2004, tổng mức đầu tư 61 triệu USD, bị chậm tiến độ suốt 17 năm.

Kai Chieh International Investment Ltd, ông chủ đứng sau dự án Hoàng Đồng cũng cho biết, doanh nghiệp này muốn phát triển hơn 186 ha BĐS ở Lạng Sơn.

Ở huyện Hữu Lũng, CTCP Đầu tư và Phát triển Hạ tầng Phú Hưng Phát đề xuất nghiên cứu, khảo sát lập dự án đầu tư khu đô thị, khu dân cư mới tại thị trấn Hữu Lũng và xã Minh Sơn.

Ngày 29/7, ông lớn CTCP Tập đoàn FLC (Mã chứng khoán: FLC) đã có văn bản đề xuất nghiên cứu, tài trợ kinh phí lập quy hoạch KĐT phía Nam Yên Trạch tại huyện Cao Lộc.

Cùng ngày, CTCP Kosy, doanh nghiệp được biết đến với loạt dự án BĐS ở Thái Nguyên, Bắc Giang và Lào Cai đã đề xuất tỉnh cho phép lập riêng đồ án điều chỉnh quy hoạch KĐT Hoàng Đồng tại TP Lạng Sơn.

Đến tháng 8, CTCP Đầu tư và Phát triển Đô thị Thành Nam đã đề xuất nghiên cứu, khảo sát dự án đầu tư hạ tầng Cụm công nghiệp Hồ Sơn 2 tại xã Tân Thành, xã Hồ Sơn, xã Cai Kinh, huyện Hữu Lũng.

Sau đó không lâu, CTCP Tập đoàn SM (SM Group) cũng đề nghị tỉnh cho phép khảo sát, nghiên cứu, tài trợ lập hai quy hoạch và đề xuất dự án trên địa bàn huyện. SM Group hiện có 12 đơn vị thành viên, chuyên hoạt động trong lĩnh vực bất động sản, du lịch, đầu tư tài chính và xây dựng.

Mời đầu tư 10 dự án nhà ở, du lịch gần 10.000 tỷ đồng

Để sẵn sàng đón làn sóng đầu tư từ các doanh nghiệp, giai đoạn đến năm 2025, Lạng Sơn sẽ mời đầu tư 10 dự án nhà ở, du lịch quy mô lớn với tổng mức đầu tư khoảng 10.000 tỷ đồng, trong đó có 7 dự án tại TP Lạng Sơn.

Tại xã Mai Pha, TP Lạng Sơn, tỉnh tìm chủ cho 4 dự án, gồm KĐT sinh thái Nà Chuông (393 ha, 3.000 tỷ đồng); KĐT Bình Cằm (126 ha, 1.000 tỷ đồng); KĐT sinh thái ven sông Kỳ Cùng (50 ha, 700 tỷ đồng); Khu liên hợp thể thao TP Lạng Sơn (48 ha, 1.112 tỷ đồng).

Tiếp đến là KĐT Hoàng Sơn - Hoàng Đồng tại xã Hoàng Đồng, TP Lạng Sơn (100 ha, 1.000 tỷ đồng); Khu liên hợp triển lãm quốc tế và thể thao phía Đông Bắc TP Lạng Sơn (80 ha, 1.500 tỷ đồng); Khu du lịch sinh thái nghỉ dưỡng Hồ Nà Tâm tại TP Lạng Sơn (35 ha, 200 tỷ đồng).

Các dự án còn lại là khu thương mại dịch vụ tại xã Quang Lang, huyện Chi Lăng (24 ha, 174 tỷ đồng); khu thương mại dịch vụ tại xã Yên Trạch, huyện Cao Lộc (98 ha, 697 tỷ đồng); khu thương mại dịch vụ tại xã Hợp Thành và Gia Cát, huyện Cao Lộc (53 ha, 377 tỷ đồng).

Ngày 26/8 vừa qua, tỉnh đã duyệt nhiệm vụ quy hoạch KĐT Green Garden tại xã Mai Pha, TP Lạng Sơn và xã Yên Trạch, huyện Cao Lộc. 

Dự án có diện tích gần 38 ha, quy mô dân số khoảng 2.500 người, phía tây giáp Quốc lộ 1A.

Trước đó không lâu, tỉnh phát thông báo tìm chủ đối với dự án Khu dân cư phố Đức Tâm II tại thị trấn Văn Quan, huyện Văn Quan. Dự án có quy mô 15 ha, tổng mức đầu tư khoảng 146 tỷ đồng.

Trong lĩnh vực hạ tầng giao thông, Lạng Sơn đang triển khai cải tạo nâng cấp Quốc lộ 4B với tổng mức đầu tư 988 tỷ đồng và xây dựng đường giao thông Khu phi thuế quan huyện Văn Lãng (255 tỷ đồng).

Đến năm 2025, địa phương này sẽ xây dựng đường nối từ Quốc lộ 1 (xã Yên Trạch) đến trung tâm xã Quảng Lạc, TP Lạng Sơn. Dự án này có bề ngang 13 - 17 m, tổng mức đầu tư 239 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, tỉnh sẽ xây dựng tuyến đường nối KĐT sinh thái, du lịch nghỉ dưỡng, vui chơi giải trí hồ Lẩu Xá thuộc xã Mai Pha, TP Lạng Sơn đến Công viên nghĩa trang TP Lạng Sơn.

Sẽ mở rộng TP Lạng Sơn thêm gần 10.000 ha

Ở diễn biến mới nhất, ngày 28/8, UBND tỉnh Lạng Sơn đã duyệt nhiệm vụ điều chỉnh quy hoạch chung TP Lạng Sơn đến năm 2045.

Diện tích nghiên cứu quy hoạch của đồ án khoảng 17.554 ha. Trong đó TP Lạng Sơn khoảng 7.794 ha, khu vực mở rộng khoảng 9.760 ha (bao gồm thị trấn Cao Lộc, xã Hợp Thành, xã Yên Trạch, xã Gia Cát và xã Tân Liên). Quy mô dân số TP Lạng Sơn đến năm 2045 dự kiến 450.000 - 500.000 người.

Về định hướng, TP Lạng Sơn sẽ được quy hoạch là trung tâm thương mại, dịch vụ, du lịch của vùng Đông Bắc, thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội của Khu kinh tế cửa khẩu Đồng Đăng - Lạng Sơn.

Đồng thời, là hạt nhân phát triển của toàn tỉnh Lạng Sơn, là đô thị cửa ngõ - cầu nối giữa Thủ đô Hà Nội với tỉnh Quảng Tây (Trung Quốc).

chọn
Thông tin quy hoạch nổi bật tuần qua (11/1 - 17/1): Thủ tướng yêu cầu khởi công toàn bộ cao tốc Ninh Bình - Hải Phòng trong quý I
Thủ tướng yêu cầu khởi công cao tốc Ninh Bình - Hải Phòng; Hà Nội khởi công đường Tây Thăng Long qua Đan Phượng; gần 4.000 tỷ đồng bồi thường, TĐC cao tốc Gia Nghĩa - Chơn Thành qua Bình Phước... là những thông tin quy hoạch nổi bật tuần qua.