Hiện nay, nhiều doanh nghiệp bất động sản (BĐS) niêm yết đã hoàn thành tổ chức ĐHĐCĐ thường niên năm 2024.
Mùa đại hội diễn ra năm nay khá đặc biệt khi thị trường vừa trải qua một năm 2023 đầy biến động, trong bối cảnh đó ba luật sửa đổi lớn là Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh Bất động sản và Luật Đất đai đã được thông qua và đang chờ có hiệu lực.
Với luật mới, Không ít doanh nghiệp địa ốc tiếp cận năm 2024 một cách thận trọng. Một số công ty lại đưa ra dự báo lạc quan về sự phục hồi và một chu kỳ mới của thị trường.
Dưới góc nhìn của ông Nguyễn Minh Hoàn, Chủ tịch Nhà và Đô thị Nam Hà Nội (mã chứng khoán: NHA), Luật Đất đai sửa đổi đã được thông qua, có hiệu lực từ 1/1/2025. Với luật mới, việc GPMB dự án sẽ rất vất vả khi thực hiện theo thoả thuận, đơn giá đền bù cho người dân sẽ cao, nhất là dự án đô thị, nhà ở. Thuận lợi trước mắt là Nam Hà Nội đã cơ bản GPMB xong các dự án.
Đồng quan điểm, ông Nguyễn Văn Kha, Chủ tịch HĐQT của Nhà Từ Liêm (Lideco, mã chứng khoán: NTL) chia sẻ, Luật Đất đai mới cực kỳ khó cho nhà đầu tư trong việc đền bù, ngoài giá đất cao thì rất khó thỏa thuận được hết với 100% người dân về nhận quyền sử dụng đất để làm dự án.
"Nhiều người bảo Luật Đất đai mới sẽ thuận lợi cho các nhà đầu tư nhưng tôi cho rằng không, bởi đã đền bù theo thỏa thuận là rất khó, người này đồng ý nhưng người kia không đồng ý thì suốt đời cũng không giải phóng xong", theo ông Kha.
Về phía Vinhomes (mã chứng khoán: VHM), Chủ tịch Phạm Thiếu Hoa cho rằng để ba luật mới ngấm vào thị trường thì phải đợi ban hành các nghị định hướng dẫn. Vị này kỳ vọng luật mới sẽ minh bạch, rõ ràng hơn, đỡ chồng chéo hơn. Về xu hướng thị trường 2024, ông Hoa đánh giá thị trường sẽ hồi phục nhưng không nhanh như kỳ vọng.
Năm nay, ban lãnh đạo Đạt Phương (mã chứng khoán: DPG) cho rằng thị trường BĐS vẫn tiếp tục khó khăn, chưa có dấu hiệu khởi sắc, việc tiếp cận tài chính đối với nhà đầu tư và khách hàng cũng gặp nhiều khó khăn.
Theo Chủ tịch Lương Minh Tuấn: "Đối với luật mới, chúng tôi đánh giá là minh bạch hơn, nhưng thực tế mà nói thì cá nhân tôi thấy thị trường bất động sản sẽ không thay đổi nhiều lắm. Với luật mới, việc định giá đất có thể đơn giản hơn song công tác GPMB sẽ khó khăn hơn với những dự án phức tạp do phải thoả thuận khá nhiều.
Với các dự án của Đạt Phương đang nghiên cứu, chúng tôi hướng đến các dự án GPMB thuận lợi, đỡ về mặt bằng vì dạng đất không cần phải thoả thuận nhiều, do đó luật mới sẽ không ảnh hưởng lắm đến Đạt Phương. Như dự án cụm công nghiệp ở Huế mới đây, trước đây là đất công, hiện nay là đất sạch hết rồi nên mặt bằng rất nhẹ nhàng.
Hiện nay thị trường BĐS đang có dấu hiệu ấm lên, xu hướng thường thấy là ấm ở Hà Nội và TP HCM, sau đó mới lan toả đến các địa phương khác. Vừa rồi Hà Nội tương đối nóng rồi, tôi nghĩ khoảng cuối năm nay hoặc sang năm thị trường các cải miền Trung cũng sẽ ấm theo. Thực tế thị trường Đà Nẵng cũng bắt đầu ấm lên rồi, nên những thị trường như Hội An (Quảng Nam) cũng sẽ sớm có dấu hiệu tích cực".
Là doanh nghiệp ngành xây dựng, song Fecon (mã chứng khoán: FCN) cũng đang muốn đẩy mạnh mảng bất động sản. Tại ĐHĐCĐ mới đây, doanh nghiệp đã công bố danh mục 11 dự án gần 2 tỷ USD sẽ nghiên cứu, phát triển giai đoạn 2024 - 2029.
"Các luật mới được thông qua dựa trên sức ép, nhu cầu của các nhà đầu tư bất động sản. Đối với Fecon chúng tôi không ảnh hưởng nhiều lắm, với mảng công nghiệp thì luật giao cho các tỉnh chủ động nên mảng này sẽ thông thoáng hơn.
Luật Nhà ở thì Fecon không làm nhà ở nhiều nên không ảnh hưởng. Thời gian tới các luật này dự kiến sẽ còn điều chỉnh. Các dự án của Fecon hiện khá là thuận so với sự thay đổi của các luật", lãnh đạo Fecon chia sẻ.
Đặt dưới góc nhìn của BCG Land (mã chứng khoán: BCR), ban lãnh đạo doanh nghiệp lại bày tỏ sự tích cực của các luật mới.
Luật Đất đai sửa đổi vừa được thông qua, chúng tôi đánh giá sẽ tạo ra hiệu ứng tích cực cho thị trường bất động sản cũng như các doanh nghiệp trong ngành.
Luật mới bổ sung quy định các tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài có thể nhận chuyển nhượng dự án. Điều này tạo hành lang pháp lý cho các doanh nghiệp nước ngoài tham gia góp vốn để thực hiện các thương vụ M&A, mở rộng quyền cho người Việt Nam định cư ở nước ngoài có thể mua nhà tại Việt Nam.
Bên cạnh đó, luật mới cũng giúp tác động tích cực đến các doanh nghiệp bất động sản khu công nghiệp nhờ giảm bớt gánh nặng chi phí tiền thuê đất trong thời gian đầu.
Với quy định giao đất thông qua đấu thầu và không qua đấu thầu, giúp xác định cụ thể cơ chế giao đất của địa phương nhằm giải quyết vướng mắc về bàn giao đất để triển khai dự án, góp phần đẩy nhanh tiến độ pháp lý của dự án và mang lại nguồn cung cho thị trường.
Cuối cùng, quy định mới về định giá đất sẽ đẩy nhanh tiến độ giải quyết vướng mắc về định giá đất để khơi thông vướng mắc cho các dự án đi vào triển khai.