Theo Giáo sư - Tiến sĩ Ngô Đức Thịnh, Giám đốc TT Nghiên cứu, bảo tồn văn hóa tín ngưỡng Việt Nam, nghi thức “bông hồng cài áo” xuất phát từ áng văn viết về Mẹ của Thiền sư Thích Nhất Hạnh được viết trong những năm 1960.
Trong một chuyến công tác tại Nhật Bản, Thiền sư Thích Nhất Hạnh thấy rất lạ khi người Nhật thành kính gài tặng ông một bông hoa trắng lên ngực áo.
Sau khi tìm hiểu và biết được ý nghĩa cao đẹp của việc này, Thiền sư đã chọn bông hoa hồng làm biểu tượng cho lễ Vu Lan báo hiếu của đạo Phật và viết ấn phẩm "Bông Hồng Cài Áo" vào năm 1962.
Bên cạnh đó, bông hoa hồng còn được xem là biểu tượng của tình yêu, sự cao quý và ngát hương. Việc nhớ về bậc sinh thành và cài lên ngực bông hoa cao quý là tình cảm thiêng liêng và sự hiếu thảo của con cái gửi đến đấng sinh thành.
Trong ngày Lễ Vu Lan, ngoài nghi thức "bông hồng cài áo", còn có các hoạt động tâm linh khác như tụng kinh cầu siêu, cúng dường trai tăng, lễ xá tội vong nhân, tạo nên một không gian thiêng liêng trong văn hóa tín ngưỡng và sự kết nối giữa người Phật tử với các linh hồn của người thân đã ra đi.
Như đã đề cập ở trên, nghi thức "Bông hồng cài áo" thường được tổ chức trong ngày lễ Vu Lan tại các ngôi chùa Việt Nam để tưởng nhớ những người mẹ đã khuất và vinh danh những người mẹ còn tại thế với con cháu.
Trong nghi thức đó, các Phật tử với các giỏ hoa hồng (màu đỏ, màu hồng nhạt, màu trắng và màu vàng) sẽ đến cài hoa lên áo từng người dự lễ.
Để biết được cụ thể khi tham dự lễ Vu Lan cài hoa hồng màu gì, bạn có thể tìm hiểu chi tiết về ý nghĩa của những màu hoa cài áo sau đây:
Theo Đại đức Thích Giác Giáo, trong buổi lễ Vu Lan thiêng liêng, những người tham dự còn cha mẹ sẽ được cài lên ngực áo một đóa hoa hồng màu đỏ. Hành động này là một lời nhắc nhở và thể hiện rằng vẫn còn cha mẹ đang ở cùng chúng ta.
Màu hoa hồng đỏ là biểu tượng của tình yêu thương, sự ấm áp và kết nối gia đình. Bằng việc cài bông hoa hồng đỏ, người tham dự thể hiện lòng biết ơn vô hạn và tình cảm sâu sắc dành cho cha mẹ đã sinh thành, nuôi dưỡng và chăm sóc mình.
Trong trường hợp chỉ còn cha hoặc mẹ, người tham dự sẽ được cài bông hoa màu hồng nhạt, thay vì cài bông hoa hồng đỏ tươi.
Những bông hoa màu hồng nhạt thường tượng trưng cho sự mềm mại, tinh tế và lòng trắc ẩn. Màu sắc này thể hiện sự tôn trọng và sự nhớ thương đối với người cha hoặc mẹ đã ra đi.
Ngoài ra, việc cài hoa màu hồng nhạt đưa ra thông điệp về việc bày tỏ tình cảm, biết ơn và lòng tri ân đối với người cha hoặc mẹ còn lại. Đây là một cách thể hiện sự tôn kính và ghi nhận những sự hy sinh vĩ đại của đấng sinh thành để đem lại trong cuộc sống an yên cho con cháu.
Hoa hồng trắng cài trên ngực áo vào Lễ Vu Lan sẽ dành cho những người đã mất cả cha và mẹ.
Màu trắng tượng trưng cho sự tưởng nhớ và sự chia lìa âm dương, đây cũng là màu sắc của sự trong sáng và thuần khiết. Màu sắc này không chỉ đại diện cho việc tưởng nhớ những người thân yêu đã ra đi mà còn thể hiện lòng biết ơn đối với cha mẹ.
Hành động cài hoa hồng màu trắng trở thành lời nhắc nhở cho những người đã mất đi những thứ quý giá nhất trên cõi đời này rằng cuộc sống có hạn, vì vậy cần phải sống một cuộc đời thật tốt để người thân đã ra đi có thể an tâm.
Ngoài màu hoa hồng đỏ và trắng, còn có thêm hoa hồng mang sắc vàng được gắn trên ngực áo các tu sĩ.
Theo đạo Phật, hoa hồng vàng đại diện cho sự phổ độ chúng sinh, mượn thân tứ đại do cha mẹ sinh ra để giải thoát. Sự cứu độ chúng sinh đạt tới sự giác ngộ là cách để báo đáp ân tình, báo hiếu cha mẹ ở hiện tại và các đời khác.
Những tu sĩ còn có cha mẹ rộng hơn tất cả chúng sinh, việc cài hoa hồng vàng thể hiện tấm lòng cao quý, tâm hồn cao cả.
Màu vàng trong đạo Phật còn được liên kết với nhiều ý nghĩa tinh thần khác, đó là màu của sự giải thoát, sự thành tựu của tuệ giác và sự hiểu biết sâu sắc.
Màu sắc này cũng tượng trưng cho sự buông bỏ, xả ly và không chấp thủ, là hướng tới việc đạt được sự giải thoát tâm linh và bình an tinh thần.