Liên tiếp thu hồi hàng trăm dự án treo nhiều năm tại loạt tỉnh thành

Các dự án, quy hoạch treo nhiều năm khiến hàng ngàn ha đất bị bỏ hoang, ảnh hưởng đến sinh kế của hàng chục nghìn hộ dân.

Thông tin từ báo Đồng Nai, UBND huyện Thống Nhất vừa quyết định huỷ bỏ 132 dự án có tổng diện tích 341 ha trên địa bàn đã quá ba năm chưa triển khai hoặc do quá trình thực hiện không phải thu hồi đất 

Các dự án chậm tiến độ phải hủy do gặp nhiều vướng mắc trong công tác bồi thường, tái định cư, thu hồi đất. Một số hộ dân chưa đồng tình với giá đất bồi thường vì cho rằng thấp hơn nhiều so với giá chuyển nhượng ngoài thị trường.

Trong thời gian qua, nhiều địa phương ở Đồng Nai cũng đã quyết định huỷ bỏ quyết định thu hồi đất của hàng trăm dự án.

Mới đây, UBND huyện Nhơn Trạch đã thông báo huỷ quyết định thu hồi đất của 16 dự án tại xã Long Tân. Trong danh sách thu hồi, nhiều dự án khu dân cư có quy mô khá lớn. Cụ thể, Khu dân cư Long Tân 1 có diện tích 95 ha; khu dân cư thương mại kết hợp với thương mại dịch vụ cấp vùng 88 ha do CTCP Lắp máy điện nước và xây dựng làm chủ đầu tư;

Khu dân cư Long Tân 46 ha chủ đầu tư là Công ty TNHH Tư vấn thiết kế xây dựng Khang Việt Hưng; Khu dân cư 34 ha có chủ đầu tư là CTCP Đầu tư Sao Mai; Khu dân cư đô thị The Lake 35 ha chủ đầu tư Công ty TNHH Đầu tư thương mại xuất nhập khẩu 3L Sài Gòn; Khu dân cư 29 ha do CTCP Khu công nghiệp miền Nam đầu tư;...

Trước đó, HĐND tỉnh Đồng Nai đã ban hành quyết định hủy bỏ 12 dự án khu dân cư trên địa bàn huyện Long Thành, do quá thời hạn ba năm chưa triển khai. Một số dự án khu dân cư có diện tích đất lớn bị hủy bỏ là: Khu đô thị dịch vụ cao cấp hơn 50 ha ở xã Tam An, khu dân cư An Thuận mở rộng giai đoạn 2, 3 thuộc xã Long An có diện tích gần 100 ha, khu dân cư Cầu Xéo ở thị trấn Long Thành gần 30 ha.

Ngoài Đồng Nai, gần đây nhiều tỉnh thành cũng có quyết định thu hồi hoặc đề nghị thu hồi các dự án chậm triển khai.

Đơn cử tại Thanh Hóa đang có 164 dự án chậm tiến độ. Nguyên nhân là do cơ quan nhà nước lựa chọn nhiều nhà đầu tư không có kinh nghiệm, thiếu năng lực triển khai, có những nhà đầu tư không triển khai dự án hoặc còn chờ thời điểm.

UBND tỉnh đã quyết định thu hồi đất 21 dự án, với tổng diện tích 89,88 ha; gia hạn tiến độ sử dụng đất 88 dự án, yêu cầu chủ đầu tư phải nộp cho Nhà nước khoản tiền tương ứng với mức tiền sử dụng đất, tiền thuê đất trong thời gian được gia hạn (24 tháng); chỉ đạo các ngành tiếp tục xem xét, tham mưu xử lý theo quy định đối với 46 dự án; có 9 dự án, chủ đầu tư đã khắc phục xong vi phạm.

 Nhiều tỉnh thành thu hồi hàng trăm dự án chậm triển khai trong nhiều năm. (Ảnh minh họa: Zing News).

Ông Lê Đức Giang, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa cho biết sẽ thành lập một đoàn kiểm tra để xem xét từng dự án, trường hợp dự án đã gia hạn 24 tháng mà không triển khai thì cương quyết thu hồi. Đồng thời, vị lãnh đạo này cũng đề nghị xem xét xử lý những cá nhân được giao nhiệm vụ giải phóng mặt bằng mà làm chậm, ảnh hưởng đến cơ hội đầu tư của doanh nghiệp. 

Quảng Ngãi, Ban quản lý Khu kinh tế Dung Quất và các Khu công nghiệp Quảng Ngãi, cho biết đang làm việc với các sở, ngành liên quan xem xét thu hồi đất, chấm dứt hoạt động dự án của CTCP Tập đoàn FLC và 6 công ty đối tác đầu tư ở Khu kinh tế Dung Quất.

Trước đó, giai đoạn 2018-2019, Quảng Ngãi đã cấp quyết định chủ trương đầu tư 9 dự án trên các lĩnh vực về đô thị, dịch vụ, du lịch sinh thái. Theo đó, 4 dự án khu đô thị rộng 165 ha với tổng vốn đăng ký 9.200 tỷ đồng gồm Vạn Tường 1, Vạn Tường 4, Vạn Tường 7 và Vạn Tường 8. Còn 5 dự án khu du lịch sinh thái với 81 ha với tổng vốn đăng ký hơn 8.900 tỷ đồng. 

Hiện 9 dự án trên đều chưa được triển khai xây dựng, nguyên nhân là vướng quy hoạch đất quốc phòng, khâu bồi thường, giải phóng mặt bằng gặp nhiều khó khăn, ảnh hưởng của dịch Covid-19.

Hiện đã có hai đối tác của Tập đoàn FLC là Công ty TNHH Đầu tư & Phát triển Bright Future và Công ty TNHH Đầu tư & Phát triển Eden Garden đã bị thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp. Các nhà đầu tư còn lại, Ban quản lý KKT Dung Quất và các KCN Quảng Ngãi đang lấy ý kiến các cơ quan liên quan để tổng hợp, xem xét xử lý.

Cơ quan chức năng cũng đã thông báo cho các nhà đầu tư về việc giấy phép xây dựng cấp cho một số dự án của Tập đoàn này hết hiệu lực từ ngày 26/6/2019.

Mới đây, UBND tỉnh Quảng Nam cũng yêu cầu tiến hành tổng rà soát các dự án treo, dự án chậm tiến độ trên địa bàn tỉnh (kể cả các KCN, CCN) tính đến thời điểm 30/4/2022 và phân loại, đề xuất hướng xử lý các dự án nếu có. 

HĐND tỉnh Quảng Trị cũng sẽ xem xét chủ trương thu hồi đất của 25 dự án, chuyển đổi mục đích sử dụng đất, rừng của 3 dự án

Ảnh hưởng đến sinh kế của người dân

Hồi tháng 6, trong phiên thảo luận về phê chuẩn quyết toán ngân sách nhà nước năm 2020 và công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2021 của Quốc hội, các đại biểu TP HCM, Đồng Nai và Lâm Đồng cho biết có hàng ngàn ha đất nông nghiệp, quốc phòng bị bỏ hoang do chưa triển khai được dự án.

Hàng chục nghìn hộ gia đình không đất, phải ở tạm gầm cầu, ven sông - nơi không an toàn và luôn tiềm ẩn các rủi ro rình rập, sinh kế của người dân bị ảnh hưởng. 

Dù các cấp, các ngành đều biết, được đề cập nhiều nhưng năm tháng trôi qua, quy hoạch treo vẫn "trơ cùng tuế nguyệt", gây lãng phí, là vấn đề "biết rồi nói mãi, nhưng không nói không được", theo đại biểu Nguyễn Quốc Hận.

Văn bản góp ý gần đây của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cũng cho rằng đây là một thực trạng đáng chú ý thời gian qua, gây bức xúc cho người sử dụng đất, làm ảnh hưởng tiêu cực tới cuộc sống người dân.

Cụ thể, Bộ nêu công tác bồi thường hỗ trợ và tái định cư tại một số khu đô thị còn chậm so với tiến độ yêu cầu. Việc thu hồi đất, bồi thường, giải phóng mặt bằng tại một số địa phương vẫn chậm. Tài chính về đất đai chưa linh hoạt, giá đất đền bù còn bất cập so với giá thị trường. 

Để khắc phục tình trạng này, đại biểu tại các tỉnh thành đề nghị các cấp chính quyền vào cuộc quyết liệt, kiên quyết xử lý, thu hồi các dự án không đủ khả năng hoặc cố tình kéo dài. Bên cạnh đó, sớm sửa và hoàn thiện Luật Đất đai, Luật Nhà ở là giải pháp được nhiều cử tri nhắc đến nhằm hạn chế lãng phí nguồn lực đất đai. 

Mới đây, Chính phủ đã trình Quốc hội thông qua Luật Xây dựng sửa đổi, trong đó có mục tiêu phát huy hiệu quả, giải phóng nguồn lực đất đai cho phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Ngày 13/7, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành yêu cầu UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thực hiện rà soát quy hoạch, kịp thời điều chỉnh hoặc hủy bỏ quy hoạch đã quá thời hạn và không có tính khả thi; rà soát các dự án để có phương án kiểm tra, đôn đốc tiến độ và kiên quyết thu hồi đối với những dự án chậm tiến độ, khắc phục tình trạng "dự án treo"; xây dựng kế hoạch thực hiện quy hoạch, công khai quy hoạch và kế hoạch thực hiện theo đúng quy định.

chọn
Các dự án của Novaland, Nam Long, DIG ở Đồng Nai đón tin mừng
Quy hoạch chung TP Biên Hòa vừa được phê duyệt điều chỉnh cục bộ. MBS đánh giá động thái này sẽ giúp đẩy nhanh tiến độ phê duyệt quy hoạch 1/500 các phân khu thuộc dự án Aqua City, Izumi và Khu đô thị Long Tân.