Mới đây, tại Bắc Kạn, 9 học sinh tiểu học điểm trường Nà Bản (xã Xuân Lạc, huyện Chợ Đồn) có các biểu hiện bất thường về sức khỏe và hành vi, như bỗng dưng ngất một vài phút rồi tỉnh; có trẻ đang ngồi bỗng dưng rùng mình, sau đó nhảy nhót, nói năng linh tinh, chạy thẳng ra ngoài lớp khi đang học…
Các hiện tượng này diễn ra nhanh từ 3 đến 5 phút, có một số trường hợp kéo dài đến 20 phút, thậm chí đến 1 tiếng. Nhiều em có sức khỏe yếu sau khi ngất dậy không thể đi lại được. Phần lớn sau khi tỉnh các em đều không nhớ gì.
Các học sinh bắt đầu có các triệu chứng này từ cuối tháng 11/2017 với 4 học sinh. Tuy nhiên, đến ngày 12/12 có 9 học sinh liên tục có biểu hiện không bình thường.
Ngày 18/12, đoàn chuyên gia từ Bệnh viện Nhi Trung ương đến điểm trường để thăm khám trực tiếp cho những học sinh này.
PGS.TS Trần Minh Điển, Phó giám đốc Bệnh viện Nhi Trung ương, cho biết qua quá trình thăm khám, bước đầu đoàn công tác xác định đây là biểu hiện của rối loạn phân ly tập thể. Hiện các học sinh đã trở lại bình thường và không tái phát.
Bác sĩ chuyên khoa tâm thần thăm khám, xác định nguyên nhân các em có biểu hiện lạ. (Ảnh: Nhân dân) |
Ngày 8/12, giáo viên tại điểm trường Ea Lang của Trường Tiểu học Cư Pui 2, xã Cư Pui, huyện Krông Bông, tỉnh Đắk Lắk phát hiện một học sinh nữ có biểu hiện bất thường. Học sinh này có biểu hiện mặt đỏ, môi tím, nói nhảm, thỉnh thoảng lại la hét, không làm chủ được bản thân. Sau đó, có thêm 5 nữ sinh cũng có triệu chứng tương tự.
Các em có biểu hiện lạ trong thời gian từ 15 đến 1 giờ, mỗi buổi học bị 2-3 lần, sau khi cắt cơn thì sinh hoạt bình thường. Khi hết cơn các em không nhớ trước đó mình đã làm gì và có biểu hiện đau đầu.
Theo kết luận ban đầu của Trung tâm y tế dự phòng huyện thì 6 học sinh trên bị rối loạn phân ly tập thể chưa biết nguyên nhân.
Một học sinh có biểu hiện lạ tại xã Cư Pui, huyện Krông Bông. (Ảnh: Minh Quý) |
Rối loạn phân ly là gì?
Rối loạn phân ly là hiện tượng mất một phần hoặc hoàn toàn trí nhớ giữa quá khứ, ý thức, đặc tính cá nhân với những cảm giác trực tiếp và sự kiểm soát vận động.
Rối loại phân ly có đặc điểm tăng cảm xúc, tăng tính ám thị. Trong đó, cơ chế ám thị do các cảm xúc căng thẳng và lo sợ, các kích thích sang chấn dễ gây ra phản ứng dây chuyền tập thể. Do vậy khi có một người trong tập thể bị, nhiều người khác có thể cũng bị, làm cho người ta cảm thấy bệnh có thể lây lan.
Các trường hợp rối loạn phân ly xảy ra đồng loạt được gọi là “rối loạn phân ly tập thể”. (Ảnh: Khoahoc) |
Nguyên nhân dẫn đến rối loạn phân ly?
Theo phân tích của PGS.TS. Cao Tiến Đức, Chủ nhiệm Khoa Tâm thần Bệnh viện 103, nguyên nhân chủ yếu của rối loạn phân ly là do các chấn thương tâm lý hoặc hoàn cảnh xung đột. Đó là những chấn thương gây cảm xúc mạnh như lo sợ cao độ, tức giận quá mức, thất vọng nặng nề... Các rối loạn này thường phát sinh một thời gian ngắn sau khi chấn thương.
Những ai có thể mắc phải?
Tỷ lệ người mắc các rối loạn này chiếm 0,3-0,5% dân số. Bệnh hay phát sinh ở tuổi trẻ, nữ nhiều hơn nam.
Rối loạn phân ly thường gặp ở những người có nhân cách yếu, thiếu tự chủ, thiếu kiềm chế, thích được chiều chuộng, thích phô trương, tinh thần chịu đựng khó khăn kém, thiếu lý tưởng sống lành mạnh. Ngoài ra cũng có thể gặp các yếu tố có hại khác như nhiễm khuẩn, nhiễm độc, suy dinh dưỡng, chấn thương sọ não.
Một trong những điều kiện thuận lợi khiến trẻ mắc rối loạn phân ly là do trẻ sống trong môi trường giáo dục không thích hợp, cha mẹ quá nuông chiều hoặc quá khắt khe với con…
Đôi khi, các sang chấn tâm lý nhỏ nhưng xảy ra thường xuyên cũng có thể là yếu tố thuận lợi cho phân ly, ví dụ như áp lực học tập, mối quan hệ bạn bè không tốt… Trong những trường hợp như vậy, rối loạn phân ly xuất hiện như một cơ chế tự phòng vệ để bảo vệ cho những cá nhân, nhằm giảm bớt những cảm xúc tiêu cực như lo âu, bất lực. Đồng thời tạo ra những lợi ích thứ phát như được quan tâm, chăm sóc.
(Ảnh: Youtube) |
Biểu hiện của rối loạn phân ly
Các triệu chứng rối loạn phân ly thường gặp như rối loạn vận động: các động tác gật đầu, lắc đầu, run chân tay, tê liệt, vận động tay chân thiếu mục đích, rối loạn phát âm kiểu nói lắp, nói khó khăn.
Rối loạn cảm giác: bệnh nhân thường kêu đau bụng, đau đầu, khó thở nhưng không tìm được nguyên nhân gây đau. Cơn kích động cảm xúc như cười, khóc, gào thét, sợ hãi, ngất...
Các rối loạn "lên đồng" và bị xâm nhập: bệnh nhân nói cười hành xử như thể một người khác. Trường hợp rối loạn phân ly tập thể triệu chứng chung thường là ngất, kích động, rối loạn cảm xúc...
Điều trị rối loạn phân ly như thế nào?
Rối loạn phân lý chủ yếu chỉ có thể điều trị bằng liệu pháp tâm lý như liệu pháp ám thị. Bên cạnh đó, có thể sử dụng thuốc hướng tâm thần, kết hợp với châm cứu, bấm huyệt, dần dần xây dựng tâm lý đủ mạnh để làm mất đi triệu chứng rối loạn chức năng.
Theo PGS.TS. Cao Tiến Đức, Chủ nhiệm Khoa Tâm thần Bệnh viện 103, liệu pháp ám thị trong giấc ngủ thôi miên cũng đạt được kết quả tốt. Không nên cho rằng những người này đang giả bệnh, tránh thái độ chiều chuộng, quá lo lắng hay theo dõi quá chặt chẽ bởi điều này vô tình sẽ ám chỉ người bệnh đang mắc bệnh rất nặng.
Bên cạnh liệu pháp tâm lý cũng cần kết hợp điều trị tâm thần và kết hợp với các liệu pháp điều trị toàn diện khác như âm nhạc, thể thao, lao động, thư giãn, luyện tập...
Bác sĩ thăm khám cho bệnh nhân điều trị tại Viện Sức khỏe Tâm thần, BV Bạch Mai (Ảnh: baomoi) |
Cần làm gì để phòng bệnh?
Để phòng rối loạn phân ly gia đình, nhà trường cần rèn luyện tính cách trẻ em ngay từ khi còn nhỏ, hướng dẫn trẻ biết thương yêu, chia sẻ, đương đầu với khó khăn. Đồng thời, tăng cường giáo dục, quản lý con em mình, bồi dưỡng nhân cách, lối sống tốt đẹp, lành mạnh, tính đoàn kết, thân ái, tính tập thể, biết khắc phục khó khăn, tránh các stress tâm lí trong sinh hoạt, học tập và công tác; đảm bảo chế độ dinh dưỡng đầy đủ và nghỉ ngơi hợp lý, giảm sức ép từ việc học tập. Ngoài ra, trong một tập thể cần bố trí tỷ lệ nam, nữ hài hòa…
Để dự phòng bệnh rối loạn phân ly cần tuyên truyền giáo dục phổ cập những hiểu biết cần thiết về bệnh. (Ảnh: brilliantnurse) |
Rối loạn phân ly: Bạn biết gì về căn bệnh này? | |
Tìm ra nguyên nhân khiến 9 học sinh lảm nhảm bất thường |